Mỹ ngụy bị sa lầy trong Chiến tranh cục bộ (Tiếp theo kỳ trước)

Mỹ ngụy bị sa lầy trong Chiến tranh cục bộ (Tiếp theo kỳ trước)

Cán bộ đảng viên chúng ta ai cũng có thể nhận thức: Nếu Mỹ nhảy vào trực tiếp tham chiến miền Nam nhất định chúng không có ánh sáng ở cuối đường hầm.

Mùa khô thứ nhất (1965-1966)

Cán bộ đảng viên chúng ta ai cũng có thể nhận thức: Nếu Mỹ nhảy vào trực tiếp tham chiến miền Nam nhất định chúng không có ánh sáng ở cuối đường hầm.

Nghệ thuật chiến dịch giải phóng trên các chiến trường toàn miền đang phát triển đều từ các trận đánh ở Nam Bộ, đến các trận chiến thắng lớn ở miền Trung. Một lần nữa Mỹ phải chuyển hướng chiến lược, trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam . Thế là “chiến tranh cục bộ” sẽ xảy ra với cường độ ác liệt chưa từng có, quân Mỹ phải đóng vai trò chủ yếu (càn quét đánh phá), quân ngụy đóng vai trò “giữ nhà”.

Chỉ thị cấp trên cũng cho biết chiến tranh cục bộ chúng nêu ra mục tiêu “tìm và diệt” với ba giai đoạn cụ thể.

- Giai đoạn I: Cứu ngụy khỏi thua năm 1965.

- Giai đoạn II: Tiêu diệt lực lượng quân sự đối phương và bình định nông thôn miền Nam trong sáu tháng đầu 1966.

- Giai đoạn III: Từ một năm đến một năm rưỡi, tiêu diệt hết lực lượng quân sự địa phương còn sót lại trong các khu căn cứ, sau đó tiến hành làm chủ miền Nam, quân Mỹ, quân chư hầu rút về nước.

Đến tháng 12/1965, quân viễn chinh và quân chư hầu của Mỹ trên chiến trường miền Nam lên tới 18 vạn, quân ngụy 52 vạn tên. Lực lượng không quân có 2.118 máy bay các loại, 200 tàu chiến các loại. Ở chiến trường Phú Yên có 5 tiểu đoàn Mỹ, bảy tiểu đoàn quân chư hầu Nam Triều Tiên, một tiểu đoàn lính Úc. Chúng ra sức xây dựng căn cứ quân sự Đông Tác và hệ thống kho xăng dầu Vũng Rô, đang lên dây cót cho trung đoàn 47 ngụy.

Quân dân ta lại đứng trước thử thách khốc liệt đương đầu với một kẻ địch có phương tiện chiến tranh hiện đại nhiều gấp trăm lần quân ngụy Sài Gòn và cả quân viễn chinh Pháp trước đây.

Mở đầu đợt càn quét lớn, tạo bàn đạp cho cuộc hành quân “Van-bua-rem” ngày 26-30/12/1965, chúng đánh vào hai xã miền đông Tuy Hòa. Ngày 1-15/1/1966, địch huy động thêm quân tiếp tục càn lại xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Vinh. Cả hai đợt càn quét đều bị quân dân Tuy Hòa đánh cho thất bại nặng, giết và bị thương hàng trăm tên lính ngụy và Nam Triều Tiên. Trận càn của chúng bị bẻ gãy.

Từ đó cho đến ba tuần lễ sau chiến trường Phú Yên tạm ổn, vùng căn cứ và vùng giải phóng cũ, quần chúng vẫn ra ruộng, rẫy sản xuất bình thường, các vùng mới giải phóng không khí chuẩn bị tết có phần nhộn nhịp hơn mấy năm trước. Các ngành kinh tài ra sức thu mua, động viên lúa gạo, hàng hóa, vận chuyển, bảo quản, lực lượng vũ trang quầng bám trụ đồng bằng, cơ quan Hội đồng Chi viện tiền phương phân khu đóng ở Sơn Thành, Ban Kinh tài huyện do anh Ba Chiêu làm trưởng ban. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch ở phía nam tỉnh, chúng tôi chỉ quan hệ bàn bạc với Huyện ủy, Ban Kinh tài và các đoàn thể cấp huyện, xã ít quan hệ với tỉnh bởi vì cách sông cách đường số 7.

Qua trận càn của Mỹ ở miền đông Tuy Hòa là sự báo hiệu cho chúng ta thấy trước để chủ động chuẩn bị đối phó với chiến tranh cục bộ sắp diễn ra ở Phú Yên với chiến thuật “năm mũi tên” của Mỹ. Bộ Tư lệnh phân khu nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp. Phía Tuy Hòa I, tất cả các anh em Hội đồng tiền phương và hậu cần xuống huyện bám dân chuẩn bị kế hoạch triển khai lực lượng khỏi bị động. Đúng như dự kiến, ngày 19/1/1966 (28 tết năm Ất Tý) Mỹ bắt đầu mở cuộc phản công chiến lược mùa khô trọng điểm là Tuy Hòa I. Lực lượng địch gồm lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ và Lữ đoàn “rồng xanh” Nam Triều Tiên, Trung đoàn chủ lực 47 ngụy (mới xây dựng lại), khoảng 14 tiểu đoàn ồ ạt tấn công đánh phá huyện Tuy Hòa I.

Hàng tốp máy bay phản lực, máy bay B52 trút bom xuống xung quanh bìa núi từ Hòa Xuân, Hòa Mỹ lên tận dốc Phường kết hợp đủ loại máy bay rải chất độc hóa học, máy bay trinh sát, máy bay vũ trang theo hình dáng cá rô, dá dẹp... máy bay trực thăng bay ngang bay dọc suốt ngày chở nước, chở thức ăn, chở quân di động từ điểm này sang điểm khác, chở lính bị thương. Máy bay trực thăng vũ trang đồng bào gọi là “chó tìm mồi”, suốt ngày bay sát ngọn cây thám thính mọi hóc hiểm để phát hiện bóng người đi, phát hiện khói lửa, phát hiện dấu vết ăn ở của quân ta, hễ thấy khả nghi là phát tín hiệu cho đại bác dội đến xối xả hoặc máy bay xô đến oanh kích. Bọn thám báo lùng sục. Trực thăng đưa lính đổ bộ xuống mục tiêu hung hăng như bọn cướp đường, cướp chợ.

Đêm nào cũng như đêm nào, mọi người vừa nhắm mắt bỗng giật mình vì tiếng bom tọa độ nổ gần rồi nghe máy bay B57 lướt qua bầu trời. Ban ngày thì máy bay “thần sấm” gầm rú, nhào lộn như con thiêu thân, thế nhưng trực thăng to xác chính là mục tiêu để du kích bắn hạ. Hàng chục xe bọc thép quần nát hàng ngàn héc ta lúa chín và lúa đang trỗ, đốt phá hàng ngàn ngôi nhà, bắn chết hàng vạn con trâu, bò, lợn,... dã man hơn chúng đã tàn sát gần hai ngàn mạng người dân vô tội, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em ở Phú Lạc, Đa Ngư, Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Mỹ... Hoa màu tài sản còn lại bị cướp đưa đi, dân bị lùa xuống các khu đồn, chúng cố biến Tuy Hòa 1 thành vành đai trắng, nơi thí nghiệm các loại vũ khí giết người hàng loạt.

(Còn nữa)

CAO XUÂN THIÊM

Từ khóa:

Ý kiến của bạn