Không vừa mắt với việc rác vứt bừa bãi nên đi đâu thấy rác là bà nhặt và hốt dồn đống gọn gàng; lâu dần hành động này trở thành thói quen, thành công việc hàng ngày như một vệ sinh viên ở thôn. Thù lao hàng tháng chỉ là những lời cảm ơn của bà con hàng xóm, là phần thưởng từ những giấy khen, bằng khen thông qua sự ghi nhận của chính quyền các cấp. Người phụ nữ “nhặt rác tự nguyện” ấy là bà Bùi Thị Ngời ở thôn 2, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu).
Bà Bùi Thị Ngời - Ảnh: MINH DUYÊN |
“Không ai bắt tôi làm cả, từ chồng con cho tới hàng xóm và cả chính quyền. Là tôi tự nguyện vì tôi thấy rác nhiều quá, nhân viên vệ sinh của thị xã cũng chỉ hốt được phần rác bà con dồn lại thành đống ở điểm tập kết, chứ không thể hốt rác ở ngóc ngách. Biển quê mình đẹp, đường đi lại trong khu dân cư cũng đã được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ; lẽ nào chỉ vì vài cái túi ni lông, tấm lưới rách, miếng gỗ… vứt lung tung mà làm cảnh quan kém đẹp thì tiếc vô cùng. Từ suy nghĩ ấy nên tôi thấy chỗ nào bẩn là tôi dọn, có rác là tôi nhặt, tôi cũng không yêu cầu được trả công. Nhiều người bảo tôi rảnh “vác tù và hàng tổng”, nhưng với tôi, ở tuổi 53, không còn làm được việc nặng nữa thì góp chút sức bảo vệ môi trường là niềm vui. Hơn hết, năm nào gia đình tôi cũng được Nhà nước quan tâm vì là gia đình liệt sĩ, được hỗ trợ tiền xây nhà, sửa nhà, như năm vừa rồi được hỗ trợ 20 triệu đồng để nâng mái chống nóng. Cộng đồng chia sẻ khó khăn với gia đình tôi thì tôi có góp chút công sức cho cộng đồng cũng là lẽ thường”, bà Ngời chia sẻ.
Năm 2013, bà Ngời đã bắt đầu công việc nhặt rác này. Bà con ở thôn 2 cũng đã quen với hình ảnh bà lúc thì đi bộ trên tay cầm nhiều bịch rác, lúc thì đi xe máy chở cả bao tải rác. Theo chị Nguyễn Thị Ngân, lúc đầu chị cũng như nhiều bà con trong thôn tưởng cô Ngời làm chơi; nào ngờ cô làm năm này qua năm khác với thái độ rất nghiêm túc. “Nhìn cô, nhiều lúc mình cũng thấy thẹn vì thỉnh thoảng vô ý vứt rác bừa bãi. Mình tự nhủ không làm được như cô thì cũng nâng cao ý thức qua việc đổ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định”, chị Ngân nói.
Đến năm 2015, bà Ngời tham gia Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại điểm rác thôn 2, từ đây bà chính thức trở thành nhân viên vệ sinh của thôn. Bà Ngời cho biết thêm: Từ khi tham gia tổ tự quản bảo vệ môi trường của thôn, tôi luôn phát huy tốt nhiệm vụ của mình, tích cực tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa và giữ vững xã nông thôn mới. Tôi còn vận động các hộ dân trong khu vực tham gia các buổi lao động công ích, khơi thông cống rãnh, không xả rác bừa bãi, không xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi… chưa qua xử lý ra môi trường. Tôi cũng hướng dẫn bà con trong thôn 2 đổ rác vào đúng các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần theo lịch thu gom của Đội quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường thị xã và đúng địa điểm…
Khi được hỏi về số tiền công hàng tháng được nhận, bà Ngời đưa ra 6 giấy khen, bằng khen từ xã tới huyện rồi tới tỉnh. Bà Ngời hồ hởi chia sẻ thêm: Từ khi làm công việc này, tôi đã được nhận 5 tháng lương với mức 400.000 đồng/tháng do bà con thấy vất vả đã quyên góp lại giúp đỡ. Còn lại chủ yếu từ tiền thưởng đi kèm với những giấy khen, bằng khen. Năm 2016-2017, từ giấy khen công dân tiêu biểu của xã Xuân Hải, của UBND TX Sông Cầu, rồi bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và UBND tỉnh công nhận đạt giải thưởng môi trường tỉnh Phú Yên năm 2018, số tiền kèm theo tôi nhận được hơn 3 triệu đồng. Với tôi, sự ghi nhận này là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình.
Theo ông Huỳnh Tấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, dọn vệ sinh là công việc vất vả, công nhân vệ sinh nếu không có trách nhiệm thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vậy mà với bà Ngời, dù không nhận lương nhưng bà lại làm bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Đây thực sự là tấm gương sáng cần nhân rộng.
BẠCH VÂN