Ông Nguyễn Xuân A, trú ở huyện Sông Hinh hỏi: Tôi là nguyên đơn trong vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” đã được tòa án quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm. Thế nhưng, ra tại phiên tòa, tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa vì lý do luật sư bảo vệ cho phía bị đơn có đơn xin hoãn. Tôi xin hỏi: tòa án hoãn phiên tòa như vậy có đúng không, thời hạn hoãn phiên tòa tối đa là bao lâu, nếu lần sau luật sư lại có đơn xin hoãn nữa thì phải làm như thế nào?
Trả lời: Theo qui định tại Điều 203 và Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự, nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Do đó, nếu luật sư vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp này không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung chính sau đây: ngày, tháng, năm ra quyết định, tên tòa án và họ, tên những người tiến hành tố tụng, vụ án được đưa ra xét xử, lý do của việc hoãn phiên tòa, thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho viện kiểm sát cùng cấp.
Trong trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì tòa án phải thông báo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Khi phiên tòa được mở lại, nếu luật sư được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án tiến hành xét xử vụ án; trong trường hợp này, đương sự tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG