Thứ Bảy, 05/10/2024 04:19 SA
Vụ án “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”:
Truy tố 22 bị can phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Thứ Bảy, 06/10/2012 10:30 SA

Viện KSND tỉnh Phú Yên vừa ký cáo trạng truy tố 22 bị can liên quan đến vụ án “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.

 

CHÂN TƯỚNG KẺ CẦM ĐẦU

 

Năm 1969, Phan Văn Thu thành lập tổ chức tôn giáo lấy tên là Ân đàn đại đạo có sự tham gia của Vương Tấn Sơn, Đoàn Đình Nam, Từ Thiện Lương, Võ Thành Lê, Nguyễn Kỳ Lạc, Võ Ngọc Cư, Tạ Khu, Võ Tiết. Sau ngày 30/4/1975, Thu cùng Lê, Lạc, Cư, Khu, Tiết… và một số ngụy quân, ngụy quyền trốn trình diện đến khu vực núi Đá Đen (đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, Đông Hòa) xây dựng căn cứ Hồng Trúc Lâm hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, bị Công an tỉnh Phú Khánh bắt đưa đi cải tạo tại Trại cải tạo A30 (nay là Cơ sở giáo dục A1). Đến ngày 6/5/1976, Thu trốn trại đến khu vực Núi Chúa (xã Hòa Thịnh, Tây Hòa) tập hợp các phần tử phản cách mạng tiếp tục hoạt động chống chính quyền. Ngày 26/8/1978, Thu bị bắt lại và tiếp tục tập trung cải tạo.

 

Tháng 5/1983, Thu ra trại và bị quản thúc tập trung tại khu kinh tế Mai Liên (xã Hòa Phú, Tây Hòa). Năm 1984, Huỳnh Hùng, Võ Thành Lê tổ chức cho Thu trốn quản thúc vào sinh sống tại ấp 8 (xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) rồi làm chứng minh nhân dân đổi tên là Trần Công để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, Thu liên lạc với Nguyễn Việt Giáo, Nguyễn Đốc Huấn, Võ Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Thanh, Võ Thị Mân, Vương Tấn Sơn tiếp tục hoạt động tổ chức Ân đàn đại đạo dưới tên Hồng ân đại đạo. Thời gian này, Thu kết nạp Lê Duy Lộc, Lê Phúc vào tổ chức. Năm 1989, bị Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, các thành viên của tổ chức bỏ trốn; Thu trốn vào huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

 

Năm 1991, Vương Tấn Sơn, Nguyễn Kỳ Lạc, Võ Thành Lê, Huỳnh Hùng, Tạ Khu, Võ Tiết, Đoàn Đình Nam bàn bạc, thống nhất cử người vào Đồng Tháp đón Phan Văn Thu về Phú Yên phục hồi hoạt động tổ chức Ân đàn đại đạo. Sơn tuyên truyền kết nạp Nguyễn Dinh vào tổ chức và sử dụng nhà của Nguyễn Dinh tại thôn Ân Niên (xã Hòa An, Phú Hòa) để Phan Văn Thu về tập hợp các đối tượng Ân đàn đại đạo để tuyên truyền, củng cố và phát triển tổ chức.

 

Từ năm 1992 đến năm 2003, núp dưới chiêu bài tôn giáo, Thu cùng Nguyễn Việt Giáo, Nguyễn Đốc Huấn, Võ Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Thanh, Võ Thị Mân, Vương Tấn Sơn, Lê Duy Lộc, Lê Phúc, Tạ Khu, Võ Tiết, Nguyễn Dinh, Nguyễn Kỳ Lạc, Võ Ngọc Cư… lén lút hoạt động tuyên truyền, lôi kéo những người mê tín, nhẹ dạ cả tin tham gia tổ chức Ân đàn đại đạo để phát triển lực lượng, củng cố tổ chức, hoạt động chống phá cách mạng. Trong khoảng thời gian này, ngoài Phú Yên, Phan Văn Thu cùng các đồng bọn đã thành lập và phát triển tổ chức ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Tháp, An Giang với sự tham gia của hàng trăm người.

 

ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN HOẠT ĐỘNG

 

Đầu năm 2003, Thu chỉ đạo Sơn tìm địa điểm xây dựng căn cứ làm nơi chỉ huy hoạt động phát triển của tổ chức, tạo vỏ bọc hợp pháp tránh sự phát hiện của chính quyền. Phan Văn Thu chọn khu vực cầu Suối Lớn, đèo Cả dưới chân núi Đá Bia thuộc xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa) để xây dựng căn cứ; đồng thời, chỉ đạo Sơn thành lập doanh nghiệp du lịch sinh thái để làm bình phong hoạt động.

 

Sơn đã đưa Đoàn Văn Cư, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương vào tổ chức để Cư có điều kiện liên hệ Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả hợp đồng nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Mặt khác, Vương Tấn Sơn làm thủ tục thành lập Công ty TNHH Hoàng Long tại TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông do mình làm giám đốc với số vốn đăng ký 3,1 tỉ đồng. Ngày 8/4/2004, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Hoàng Long hoạt động.

 

Ngày 31/8/2004, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả ký hợp đồng giao khoán 28,7ha rừng ở khu vực cầu Suối Lớn, đèo Cả cho Vương Tấn Sơn bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Tiếp đó, ngày 27/8/2005, Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả giao tiếp 3,5ha cho Sơn. Song song đó, Sơn làm thủ tục mở Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long tại Phú Yên và lập dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Đá Bia, được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 30/11/2004 và được UBND tỉnh Phú Yên có Thông báo số 95/TB-UBND cho phép lập thủ tục đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Đá Bia.

 

Sau khi Khu du lịch sinh thái Đá Bia được xây dựng, Thu cùng đồng bọn chuyển đến hoạt động tại đây. Trong thời gian từ 2004 - 2008, Thu cùng đồng bọn tập trung xây dựng cơ sở vật chất của khu căn cứ với phương châm “tiền sinh thái, hậu tổ đình”, có nghĩa là núp bóng hoạt động du lịch sinh thái để xây dựng căn cứ địa. Tiếp đó, Thu giao Cư và Sơn mua, sang nhượng 15,9ha rừng của một số hộ dân, mở rộng căn cứ lên 48,1ha.

 

Sau khi có đất, Thu đã chỉ đạo các pháp hội, bào tộc, Việt kiều xây dựng nhiều công trình kiên cố và hầm bí mật bên trong Khu du lịch sinh thái Đá Bia để làm nơi hoạt động của tổ chức. Tất cả các hạng mục công trình xây dựng trong Khu du lịch sinh thái Đá Bia đều không có thiết kế, không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định như: nhà nghỉ Bảo Toàn, động Bảo Toàn, nhà nghỉ Thanh Triều, nhà nghỉ Đồi Bạch, Hoa Viên Quán, động Sư Tử… Do Công ty TNHH Hoàng Long đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, không thực hiện báo cáo tài chính theo quy định nên ngày 25/2/2008, Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh và xóa tên công ty này trong sổ đăng ký kinh doanh.

 

Đầu năm 2009, Thu chỉ đạo Sơn tiếp tục thành lập lại doanh nghiệp làm vỏ bọc cho tổ chức hoạt động. Sơn lập khống danh sách các thành viên góp vốn để đăng ký là 27 tỉ đồng và làm thủ tục thành lập lại Công ty TNHH Quỳnh Long có trụ sở tại TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông do y làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của công ty là trồng rừng và chăm sóc bảo vệ rừng; xây dựng nhà các loại; kinh doanh du lịch sinh thái; mua bán, sửa chữa máy vi tính... được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 23/3/2009.

 

Khi có giấy phép, Phan Văn Thu chỉ đạo thành lập ngay Chi nhánh Công ty TNHH Quỳnh Long tại Phú Yên, giao Cư làm giám đốc chi nhánh. Ngày 15/4/2009, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh Công ty TNHH Quỳnh Long tại Phú Yên. Sau đó, để hợp thức hóa diện tích đất rừng đang xây dựng khu căn cứ địa, ngày 20/12/2010, Phan Thanh Ý với tư cách Phó giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Quỳnh Long tại Phú Yên ký với Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả “Hợp đồng khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng” với tổng diện tích 48,1ha.

Ngày 3/12/2011, Chi nhánh Công ty TNHH Quỳnh Long bị UBND tỉnh Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và đất đai 300 triệu đồng do không thực hiện và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Từ năm 2004 đến đầu năm 2012, dưới danh nghĩa hoạt động du lịch sinh thái, tại khu căn cứ Bia Sơn, Thu cùng đồng bọn tập hợp lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” gồm 30 thành viên và tiến hành nhiều hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” còn xây dựng quy chế, cương lĩnh hành động như Quy chế Ban an ninh Trung ương hội, Cương lĩnh hành động Hội đồng hoằng pháp, Cương lĩnh công luật đại hóa, Quy chế Hội đồng hoằng pháp… để định hướng cho hoạt động của tổ chức, xác định tiêu chuẩn, quyền nghĩa vụ của các thành viên, kêu gọi các pháp hội, bào tộc sẵn sàng hy sinh tính mạng cho sự nghiệp của tổ chức, huy động của cải vật chất, công sức để xây dựng căn cứ địa…

 

Với chiến lược “tiền sinh thái, hậu tổ đình”, “bất bạo động”, tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” do Thu cầm đầu đã lập thành 12 ban, 26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên ở các địa phương. Đồng thời, sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vu khống, nói xấu chế độ ta, ca ngợi chủ thuyết công bản để tuyên truyền mê hoặc một bộ phận quần chúng nhân dân, dần dần loại bỏ tư tưởng cách mạng, ý thức hệ XHCN ra khỏi đời sống xã hội, làm phai nhạt niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi đối với chế độ hiện nay. Song song đó, Thu và đồng bọn còn xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, cương lĩnh hành động để định hướng cho hoạt động của tổ chức, các pháp hội địa phương tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân vào tổ chức để đóng góp của cải vật chất, công sức đồng thời là lực lượng chính trị của tổ chức ở các địa phương. Dự kiến tên nước, quốc kỳ, quốc ca, thủ đô, ngày quốc khánh, rồi lập ra bộ máy chính quyền trung ương, địa phương, sắc phong 72 tướng lĩnh và thời gian hành động bắt đầu từ năm 2013 nhằm đấu tranh lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đại Nam Kinh”.

 

SA LƯỚI

 

Ngày 5/2/2012, Cơ quan an ninh Công an Phú Yên đã bất ngờ đột nhập vào sào huyệt của “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” ở Khu du lịch sinh thái Đá Bia phá tan bộ máy trung ương của tổ chức phản động này. Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu, phương tiện hoạt động của tổ chức phản động này. Đối tượng cầm đầu Phan Văn Thu và một số tay chân cốt cán lần lượt bị bắt giữ sau đó.

 

Liên quan đến vụ án này còn có một số người khác như hành vi của Dương Phú Dũng, Lê Ngọc Huy, Lê Ngọc Phước Phùng tham gia tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên các đối tượng này đã tự thú, tố giác tội phạm, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả trong việc phát hiện và điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án nên được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Bộ luật Hình sự và xử lý bằng biện pháp khác.

 

Các đối tượng Nguyễn Việt Giáo, Nguyễn Đốc Huấn, Huỳnh Hùng, Lê Thiên Sách, Lê Hàng, Phạm Văn Cai, Huỳnh Đường, Trần Văn A, Trần Văn Bi, Võ Bụi, Nguyễn Thanh Quân, Lê Phụng Trung, Lê Thị Phượng có hành vi tham gia tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, đóng góp của cải vật chất, công sức xây dựng căn cứ địa, được phân công giữ một vị trí nhất định trong tổ chức này… Hành vi các đối tượng này đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, nhưng xét vai trò hạn chế, tham gia hoạt động có mức độ, một số đối tượng bệnh tật, già yếu…, Cơ quan An ninh điều tra Công an Phú Yên xét thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà xử lý bằng biện pháp khác.

 

22 BỊ CAN BỊ TRUY TỐ

 

1- Phan Văn Thu: sinh ngày 25/6/1948; thường trú tổ 10, khu phố Liêm Trực (phường Bình Định, TX An Nhơn, Bình Định). Bị bắt, tạm giam ngày 5/2/2011.

 

2- Võ Thành Lê: sinh ngày 4/6/1955; thường trú thôn Phước Lộc 2 (xã Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên). Bị bắt, tạm giam ngày 5/2/2012.

 

3- Nguyễn Kỳ Lạc: Sinh ngày 1/1/1951, thường trú khu phố Triều Sơn Đông (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu).Bị bắt, tạm giam ngày 6/2/2012.

 

4- Vương Tấn Sơn: sinh ngày 26/12/1953; thường trú thôn Thạnh Lâm (xã Hòa Quang Bắc, Phú Hòa). Bị bắt, tạm giam ngày 10/2/2012.

 

5- Võ Ngọc Cư: sinh ngày 10/9/1951; thường trú thôn Mỹ Thạnh Đông (xã Hòa Phong, Tây Hòa). Bị bắt, tạm giam ngày 6/2/2012.

 

6- Tạ Khu: sinh năm 1947; thường trú thôn Bình Thắng (xã Sơn Thành Đông, Tây Hòa). Bị bắt, tạm giam ngày 6/2/2012.

 

7- Đoàn Đình Nam: sinh ngày 10/9/1951; thường trú tại 137/1 Trần Hưng Đạo (phường 3, TP Tuy Hòa). Bị bắt, tạm giam ngày 6/2/2012.

 

8- Từ Thiện Lương: sinh ngày 13/12/1950; thường trú tổ 3 (phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, Bình Thuận). Chỗ ở: thôn Xuân Hòa (xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, Bình Thuận).

 

9- Võ Tiết: sinh năm 1952; thường trú đường Ngô Gia Tự, khu phố 5 (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa).

 

10- Lê Duy Lộc (tên gọi khác: Hai Lộc): sinh ngày 2/10/1956; thường trú KP Khánh Sơn 1 (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận).

 

11- Lê Phúc: Sinh ngày 2/8/1951; thường trú ở 21/32A Thống Nhất (phường Đài Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận).

 

12- Nguyễn Dinh: Sinh ngày 4/1/1968; thường trú thôn Ân Niên (xã Hòa An, Phú Hòa).

 

13- Đoàn Văn Cư: Sinh ngày 8/5/1962; thường trú thôn Đại Bình (xã Hòa Quang Nam, Phú Hòa).

 

14- Phan Thanh Ý: Sinh ngày 10/2/948; thường trú thôn Thạnh Trung (xã Hòa Phong, Tây Hòa).

 

15- Đỗ Thị Hồng: Sinh ngày 26/ 3/1957; thường trú thôn Bình Thắng (xã Sơn Thành Đông, Tây Hòa).

 

16- Trần Phi Dũng: Sinh ngày 14/11/1966; thường trú thôn Phú Nhiêu (xã Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa).

 

17- Lê Trọng Cư: Sinh ngày 20/10/1966; thường trú thôn Quy Hậu (xã Hòa Trị, Phú Hòa).

 

18- Trần Quân: Sinh ngày 1/3/1984; thường trú thôn Lâm Tuyền (thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).

 

19- Lê Đức Động: Sinh ngày 20/8/1983; thường trú thôn Kế Sung (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

 

20- Nguyễn Thái Bình: Sinh ngày 07/8/1986; thường trú thôn Tân Sơn 2, (xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận).

 

21- Phan Thanh Tường: Sinh ngày 16/3/1987; thường trú thôn Mỹ Thạnh Trung (xã Hòa Phong, Tây Hòa).

 

22- Lương Nhật Quang: Sinh năm 1987; thường trú thôn Lương Phước (xã Hòa Phú, Tây Hòa).

  

LỆ VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek