Trên các tuyến đường ở Phú Yên, tình trạng xe chở quá tải, quá khổ diễn ra phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của các công trình cầu đường; gây ra những vụ tai nạn, ùn tắc giao thông. Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng xem ra mọi việc đâu lại vào đấy.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Phú Yên xử lý các xe chở quá tải - Ảnh: H.TRUNG
CHUYỆN THƯỜNG NGÀY TRÊN ĐƯỜNG
Trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải to và dài chở đầy hàng lưu thông. Theo các tài xế, phần lớn xe tải hiện nay thường chở vượt quá tải trọng thiết kế hoặc tải trọng cho phép của cầu đường. Những người “có nghề” chỉ cần nhìn vào khoảng cách giữa bộ lốp với dè hoặc các nhíp sẽ ước lượng được xe đó chở khoảng bao nhiêu tấn. Nếu đưa lên bàn cân, nhiều xe vượt tải trọng cho phép gấp đôi, thậm chí gấp ba. Có những xe đầu kéo chở những tảng đá liền khối hoặc nhiều cây gỗ to, dài khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra thì tổng tải trọng lên đến trên 120 tấn. Dưới sức nặng của những chiếc xe này, mặt đường quốc lộ 1 dù được thảm bê tông nhựa dày 12cm cũng phải oằn mình chống chịu.
Để có thể chở vượt quá mức cho phép, chủ xe chỉ cần thay đổi một vài chi tiết kỹ thuật của xe như tăng thêm vài thanh nhíp, thay bộ lốp tiêu chuẩn bằng bộ lốp lớn hơn, thế là xe cứ “vô tư” mà chở. Ông T.KĐ (xin được giấu tên) ở TP Tuy Hòa, chủ của 3 chiếc xe tải chuyên chở hàng tuyến bắc - nam tâm sự: “Biết làm như vậy là phạm luật nhưng chở quá tải thì mới có “ăn”. Hơn nữa, hầu hết các xe hiện đều chở hơn mức cho phép, mình không làm theo sẽ ít khách hàng thuê. Còn chuyện bị phạt trên đường thì hên xui, khi bị dừng xe kiểm tra chỉ còn cách “làm luật” nếu không may bị xử phạt coi như chuyến đó mình mất cả vốn lẫn lời”. Chủ xe đã vậy, lái xe cũng nhắm mắt làm ngơ. Tài xế Lê Thành Long, ở huyện Đồng Xuân cho biết: Giới cầm vô lăng xe tải đều biết nếu vi phạm lỗi chở quá tải sẽ bị tước giấy phép lái xe 60 ngày, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng/lần nhưng vì miếng cơm manh áo đành phải chấp nhận thôi. Khi được nhận vào làm, các tài xế đã cam kết chạy cho chủ không đòi hỏi phải đúng tải, hơn nữa chủ xe cũng nói rằng cứ “làm luật” khi gặp cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông vận tải là xong. Còn nếu bị “giam” bằng, tài xế thường tìm cách mua bằng giả là có thể tiếp tục vi vu cùng những chiếc xe chở nặng từ vài chục đến trên trăm tấn.
Một xe chở quá tải đang chờ cảnh sát giao thông xử lý tại Trạm CSGT Tuy An - Ảnh: H.TRUNG
HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG
Trong năm 2011, Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải) xử lý 185 trường hợp chở quá tải, phạt 225,4 triệu đồng. Trong tháng 2/2012, Phòng CSGT Công an tỉnh xử lý 246 xe quá tải. Điển hình là vụ xe 77K-9629 chở đá khối vượt tải trọng trên 42 tấn, xe 81K-8052 chở bắp, vượt tải trọng trên 30 tấn; xe 79C-01429 chở mật đường vượt tải trọng gần 28 tấn.
Các tuyến đường, những chiếc cầu và mỗi phương tiện vận tải khi được đầu tư xây dựng hoặc thiết kế đều được tính toán kỹ lưỡng tải trọng tối đa cho phép. Thế nhưng hiện nay các chủ xe đã bất chấp tất cả, hoán đổi nhiều chi tiết kỹ thuật, chở vượt tải cho phép của thiết kế cầu và đường. Hậu quả của việc làm này rất khó lường. Một tài xế phân tích: Xe chở nặng gấp 2 đến 3 lần tải trọng cho phép sẽ khó điều khiển hơn các loại xe thường, tốc độ cũng chậm nhưng nguy hiểm nhất là khi lên đèo, vào cua, người lái phải đi số thấp để xe có thể vượt lên. Nhưng với những xe đã cũ thì rất dễ xảy ra sự cố kỹ thuật dẫn tới chết máy, thậm chí nếu tài xế xử lý kém, xe có thể lật hoặc nghiêng. Theo ông Hoàng Thanh Xuân, Chánh thanh tra Giao thông vận tải Sở Giao thông vận tải, các xe quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường đã bị hư nặng, mặt nhựa bong tróc, biến dạng theo vệt bánh xe; có trường hợp ở tỉnh khác đã gây sập cầu. Một số đường giao thông nông thôn vừa được bê tông hóa đã bị xe tải nặng dẫm nát, nhân dân rất bức xúc, phải làm rào chắn cản lại.
Trong khi đó thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cho thấy, xe chở quá tải là nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tại khu vực đèo Cả trong thời gian qua. Mỗi lần như vậy, thiệt hại về kinh tế không nhỏ, công tác cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn do đường đèo hẹp, nhiều xe bị ùn lại ở 2 đầu, xe chở nặng nên mất nhiều thời gian sang tải... Tuy nhiên để phát hiện xử lý xe chở quá tải, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải gặp những khó khăn. Đại tá Nguyễn Hữu Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cho biết: Tài xế các xe chở quá tải có lắm “chiêu” để “né” công an. Thường thì họ đậu lại ở đâu đó “canh” cảnh sát giao thông rút đi mới tiếp tục hành trình. Gần đây, các chủ xe chở đá khối hoặc gỗ nghĩ ra cách ngụy trang khi phủ bạt trùm kín hàng hoặc dùng các container cũ loại lớn khoét trần rồi xếp đá khối và các loại hàng khác vào bên trong nhằm che mắt các lực lượng giữ gìn trật tự giao thông. Tuy nhiên, qua tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cùng lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Các xe chở quá tải cho phép của cầu đường, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật, cảnh sát giao thông còn buộc chủ xe phải hạ tải mới giải quyết cho tiếp tục lưu thông.
HOÀI TRUNG