Công an xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) nghi một học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Ngọc trộm điện thoại di động nên đã tạm giữ học sinh này qua đêm và kéo dài suốt 15 giờ liền (từ 14 giờ ngày 9/10/2006 đến 11 giờ ngày 10/10/2006). Sau khi gia đình bảo lãnh thì phát hiện trên cơ thể em này có nhiều vết bầm, vết thương trên trán và nôn mửa. Vì lo sợ con chấn thương sọ não, gia đình đã đến UBND xã Bình Ngọc yêu cầu đưa em đến bệnh viện điều trị.
LẤY LỜI KHAI TRẺ EM 11 TUỔI KHÔNG CÓ NGƯỜI GIÁM HỘ
|
Em Nguyễn Minh Cảnh sau khi điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trở về – Ảnh: P.V |
Theo lời kể của cô giáo Đào Trâm Minh Hoa, giáo viên Trường THCS Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), khoảng 14 giờ ngày 9/10/2006, một người đàn ông mặc thường phục đến trường, tự xưng là phụ huynh của em Nguyễn Minh Cảnh (SN 1995), học sinh lớp 6A, đề nghị được gặp Cảnh. Sau khi gặp được Cảnh, người đàn ông xin gặp giáo viên chủ nhiệm. Cô Hoa đã mời giáo viên chủ nhiệm là thầy Trần Út Hậu đến và người này đã xin phép cho em Cảnh nghỉ nốt những tiết học còn lại để về UBND xã lấy lời khai vì liên quan đến một vụ trộm. Trong quá trình gặp em Cảnh, người đàn ông này không xuất trình giấy tờ hay giới thiệu cơ quan nơi công tác và ngay cả cô Hoa, thầy Hậu vẫn không biết danh tánh người đàn ông này.
Chị Dương Thị Mỹ Hạnh (mẹ ruột của em Cảnh) cho biết, công an xã không hề thông báo cho gia đình biết việc họ làm việc với con chị. Mãi sau đó, công an xã đưa em Cảnh về nhà để tìm chiếc di động mà họ tình nghi là em Cảnh ăn trộm. Nhiều lần hỏi thì em Cảnh khai nhiều vị trí khác nhau và công an đã tổ chức tìm nhưng không thấy. Sau đó, Cảnh lại khai là đã đưa điện thoại cho cha ruột là anh Nguyễn Minh Vương. Công an xã đã mời anh Vương đến làm việc nhưng vẫn không tìm thấy chiếc điện thoại di động đã mất. Và cũng từ đó, Công an xã Bình Ngọc giữ em Cảnh ở trụ sở xã cho đến 11 giờ ngày 10/10/2006 mới cho gia đình bảo lãnh về nhà. Vì nhìn thấy trên người em Cảnh có nhiều vết bầm tím, vết thương trên đầu nên gia đình đã đưa em đến Phòng khám Đa khoa Lê Lợi (TP Tuy Hòa) để xức thuốc và băng bó. Tuy nhiên, trong suốt đêm và đến sáng ngày 11/10/2006, em Cảnh có triệu chứng nôn mửa, ăn không được nên gia đình đến UBND xã yêu cầu đưa em đến bệnh viện điều trị.
Tại buổi làm việc với phóng viên ngày 13/10/2006, ông Trương Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc khẳng định: “Trên cơ thể em Cảnh có nhiều vết bầm là do anh em công an véo. Việc giữ em Cảnh qua đêm ở trụ sở công an xã là không đúng. Theo yêu cầu của gia đình, UBND xã đã cử một công an viên cùng với người nhà đưa Cảnh đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định điều trị. Hiện em Cảnh không có vấn đề gì nghi ngại”. Qua xác minh, người đàn ông đến chở em Cảnh về trụ sở công an xã là công an viên Nguyễn Duy Sinh. Theo anh Sinh xác nhận: “Công an xã có dùng dùi cui đánh vào mông em Cảnh vài dùi, ngoài ra không đánh đập gì khác. Còn vết thương trên trán là do em Cảnh bị té”.
ÉP KHAI... ĐẾN MỨC ĐI CẤP CỨU (?)
Qua 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, 16/10/2006, em Cảnh xuất viện về nhà. Sáng ngày 17/10, chúng tôi trực tiếp gặp em Cảnh và nghe em kể cách lấy lời khai của Công an xã Bình Ngọc: “Công an xã hỏi cháu có lấy điện thoại không? Cháu trả lời là không lấy thì bị chú công an đánh. Một chú công an mở tủ lấy dùi cui và còng để còng cháu lại và đánh. Lúc đầu cháu trả lời là không lấy, sau do bị đánh đau cháu khai giấu ở hầm cầu, nhưng khi đến nhà tìm không thấy. Mấy chú quay lại hỏi cháu tiếp, cháu khai là đã quăng xuống sông, nhưng mấy chú không tin. Quẫn quá, cháu nói là để trên cây chùm ruột. Mấy chú lại chở cháu về nhà tìm, nhưng không có nên chở cháu quay lại trụ sở công an, tiếp tục đánh cháu cho đến ngất xỉu. Sau đó, mấy chú dùng nước tạt vào mặt cháu làm cho cháu tỉnh lại và rồi tiếp tục đánh cháu mãi đến tối. Lúc này, một chú Công an TP Tuy Hòa vào hô hét và hỏi cháu lấy điện thoại giấu ở đâu để các chú tìm. Bị đánh đau quá, cháu khai đại là đưa cho ba cháu. Mấy chú công an bắt ba cháu để lấy lời khai, nhưng ba cháu nói không lấy. Sau đó, mấy chú công an cùng với một chú Công an TP Tuy Hòa ngắt, véo cháu. Một chú công an khác trên tay cầm súng dọa “Mày lấy điện thoại cất ở đâu khai ra nếu không tao lấy súng tao bắn mày chết hoặc là tao đánh vào ngực cho mày chết”. Nhưng cháu nói là cháu không có lấy thì chú công an đó nói “mày chịu cả hai rồi”, rồi kê súng vào đầu cháu bắn làm cháu ngất xỉu. Sau đó, mấy chú công an chở cháu xuống bệnh viện. Cháu nghe mấy chú công an nói với bác sĩ là cháu bị thương do ngã té và nhận là người nhà của cháu. Lúc đó, khoảng 1 giờ ngày 10/10/2006. Mấy chú còn mua cháo, sữa cho cháu ăn, uống rồi chở về trụ sở công an. Tại đây, các chú tiếp tục ép cháu khai nhận lấy điện thoại và nơi cất giấu nhưng cháu không nhận” – em Cảnh nhớ lại. Điều đáng nói, trong đêm 9/10/2006, Công an xã Bình Ngọc cũng tạm giữ ông Nguyễn Minh Vương (cha ruột em Cảnh) ở một phòng khác tại trụ sở xã Bình Ngọc nhưng không thông báo cho ông Vương việc đưa em Cảnh đến bệnh viện khám để cùng đi theo chứng kiến.
Việc tạm giữ và xét hỏi một cháu thiếu niên 11 tuổi không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi kèm là trái pháp luật. Thêm nữa, việc công an ngắt véo và dùng dùi cui đánh em Cảnh là hành vi xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Đề nghị Công an TP Tuy Hòa và UBND xã Bình Ngọc giải quyết nghiêm vụ việc này.
Tổ phóng viên NỘI CHÍNH