LTS: Sau khi Ban chỉ đạo 915 của UBND tỉnh cưỡng chế dây chuyền sản xuất mía đường xây dựng trái phép của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (RVP) theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty RVP có đơn kêu cứu và khiếu nại gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 4 tháng 12 năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về kết quả xác minh tố cáo của bà Bùi Thị Quy. Báo Phú Yên xin trích đăng để bạn đọc được rõ.
Căn cứ đơn Tố cáo đề ngày 26/5/2008 gửi đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đơn Kêu cứu và khiếu nại đề ngày 8/7/2008 gửi Thủ tướng Chính phủ, Đoàn thanh tra đã làm việc với bà Bùi Thị Quy chốt lại 18 nội dung tố cáo và 3 nội dung đề nghị.
1. Kết quả xác minh 18 nội dung tố cáo
Nội dung 1: “Không đọc lệnh cưỡng chế trước khi tháo dỡ nhà máy”.
Kết quả xác minh:
Ngày 23/5/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định số 915/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt VPHC. Ngày 9/5/2008 UBND tỉnh ra Thông báo số 248/TB-UBND V/v tổ chức thi hành Quyết định xử phạt VPHC đối với Công ty RVP. Ngay sau khi ra các văn bản trên, UBND tỉnh đều gửi cho Công ty RVP. Trước khi tiến hành cưỡng chế, Ban chỉ đạo đã cử đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa và đồng chí Phó Chánh thanh tra tỉnh đến nhà máy làm việc và thông báo việc tổ chức cưỡng chế với Công ty RVP. Đồng thời, Ban chỉ đạo đã liên tục dùng loa lưu động tuyên truyền, thuyết phục bà Quy và Công ty chấp hành Quyết định cưỡng chế. Đến thời điểm cưỡng chế, do lực lượng bảo vệ của Công ty không mở cổng nhà máy nên Ban chỉ đạo vẫn phải dùng loa trên xe lưu động để đọc quyết định và thông báo cưỡng chế. Khi làm việc với Đoàn thanh tra, bà Quy đều thừa nhận các nội dung trên.
Kết luận: Bà Quy tố cáo “Không đọc lệnh cưỡng chế trước khi tháo dỡ nhà máy” là không đúng.
Nội dung 2 và 16: “Tổ chức lực lượng quá đông hơn 200 người để tấn công nhà máy. Đồng thời tại trang 05 của đơn tố cáo bà Quy còn thống kê có trên 200 cảnh sát chống bạo động, 200 lực lượng công an địa phương và 200 bộ đội đến để trấn áp bao vây nhà máy như đánh vào đồn Mỹ, ngụy”.
Kết quả xác minh:
Việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho lực lượng thi hành quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế là trách nhiệm của Công an tỉnh Phú Yên. Việc sử dụng lực lượng, phương tiện và các công cụ hỗ trợ đã được Công an tỉnh xây dựng phương án chặt chẽ, đúng quy định.
Việc bà Quy tố cáo là đã đưa trên 200 cảnh sát chống bạo động, 200 công an địa phương và 200 bộ đội đến bao vây, trấn áp là không đúng sự thật và không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh. Tại buổi làm việc ngày 14/8/2008 với Đoàn Thanh tra liên ngành, khi được hỏi về vấn đề này, bà Quy trả lời là nghe bà con xung quanh Công ty nói lại và có người nhìn thấy ông Chủ tịch UBND tỉnh bắt tay với một sĩ quan quân đội, vì vậy bà Quy lầm tưởng nên tố cáo.
Qua xác minh cho thấy, bà Quy không hợp tác trong việc thi hành quyết định cưỡng chế. Tập trung đông người gây áp lực, kích động công nhân và một số nông dân chống đối quyết liệt lực lượng thi hành công vụ. Dùng đá 4x6 để ném liên tục làm 03 đồng chí cảnh sát bị thương. Con trai bà Quy đã dùng CO2 hóa lỏng phun vào lực lượng thi hành công vụ. Ngoài ra, bà Quy cùng con gái và nhiều người khác vừa la ó, chửi, đánh kẻng gây mất ANTT.
* “Dùng lực lượng vũ trang tấn công, gây thương tích đối với người thân gia đình bà”.
Do bà Quy đã cố tình vi phạm pháp luật, chống đối quyết liệt đối với các lực lượng tham gia cưỡng chế. Lực lượng Công an tỉnh Phú Yên buộc phải sử dụng các công cụ nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành công vụ là điều cần thiết và được pháp luật cho phép.
Bà Quy tố cáo lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đánh đập dã man và gây thương tích cho nhiều người, đánh trọng thương cả người già và phụ nữ, nhưng bà Quy không có tài liệu nào chứng minh và cũng không có nhân chứng nào nói họ bị Công an tỉnh Phú Yên đánh đập dã man.
* “Khám nhà không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân. Không đi vào nhà máy bằng cổng mà cắt rào xâm nhập gia cư bất hợp pháp”.
Qua thanh tra cho thấy, không có tài liệu nào thể hiện lực lượng Công an tỉnh Phú Yên khám nhà của bà Quy. Bà Quy cũng không có tài liệu nào chứng minh cho nội dung tố cáo này. Những người có trách nhiệm, lãnh đạo các cấp Công an tỉnh Phú Yên, Công an huyện Sơn Hòa, Công an xã Sơn Hà khẳng định không có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào thuộc lực lượng Công an tổ chức khám nhà theo như đơn tố cáo của bà Quy. Việc lực lượng thi hành cưỡng chế phá khóa cổng, phá hàng rào để tiến hành việc cưỡng chế do bà Quy không chấp hành pháp luật và cố tình gây khó khăn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ như khóa cửa và thái độ chống đối. Để thực thi nhiệm vụ, trước tình thế bà Quy không chấp hành pháp luật, cố tình khóa cổng và thái độ chống đối lực lượng thi hành công vụ thì việc cắt rào để vào nhà máy là cần thiết.
* “Ngang nhiên bắt người, còng tay mà họ không vi phạm pháp luật”.
Về nội dung này bà Quy tố cáo lực lượng Công an tỉnh Phú Yên là sai sự thật, không có tài liệu nào cho thấy bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào của Công an tỉnh Phú Yên bắt người, kể cả những người thân, những công nhân thuộc Công ty RVP do bà Quy làm Giám đốc vào ngày thi hành cưỡng chế.
Trong quá trình cưỡng chế có một số công nhân (trong đó có cả con trai, con gái bà Quy) đã dùng đá (4x6) ném vào lực lượng cưỡng chế, xả cồn CO2 vào lực lượng cưỡng chế nên Công an phải tạm giữ hành chính 8 người.
Kiểm tra hồ sơ, tài liệu tại Công an huyện Sơn Hòa cho thấy, việc tạm giữ hành chính được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Kết luận: Việc bà Quy tố cáo sử dụng lực lượng quân đội và công an bao vây tấn công nhà máy, lực lượng công an xâm nhập gia cư, khám nhà bất hợp pháp, đánh trọng thương nhiều người và ngang nhiên bắt người khi họ không vi phạm pháp luật là không đúng.
Nội dung 3: “Phá hủy toàn bộ hệ thống điện, cắt rời một số thiết bị của nhà máy đường trước khi niêm phong. Tháo gỡ bảng tên Nhà máy đường kết tinh, lấy đi tài sản công ty chở trên 8 xe đi đâu không rõ”.
Kết quả xác minh:
Về việc cưỡng chế: Thực hiện Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007 V/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với Công ty RVP, lực lượng thi hành cưỡng chế đã tháo dỡ một số bộ phận thiết bị ở khu cầu trục, băng tải mía, niêm phong nhà ép mía, nhà luyện đường… Tất cả các công việc tháo dỡ thiết bị và niêm phong nhà xưởng đều được lập biên bản chi biết.
Thực hiện Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 21/5/2008 của UBND tỉnh V/v tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, lực lượng thi hành cưỡng chế đã tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC là số thiết bị được tháo dỡ (có danh mục chi tiết kèm theo biên bản tạm giữ), vận chuyển về UBND huyện Sơn Hòa và giao cho UBND huyện Sơn Hòa bảo quản tại kho của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện.
Trong quá trình cưỡng chế, đại diện lực lượng thi hành cưỡng chế đã mời bà Bùi Thị Quy nghe thông qua và ký biên bản nhưng bà Quy không nghe, không ký, không nhận biên bản.
- Ngày 4/8/2008, Sở Xây dựng ban hành Thông báo số 64/TB-SXD gửi Công ty RVP V/v hoàn trả chi phí cưỡng chế hành chính (số tiền là 40.493.000 đồng) và nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Kết luận: Bà Quy nêu: “Lực lượng cưỡng chế phá hủy tài sản của Công ty RVP và lấy tài sản của Công ty chở đi đâu không rõ” là không đúng.
Nội dung 4 và 15: “Cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo tại văn bản 1291/VPCP-V.II ngày 12/3/2007 của Văn phòng Chính phủ”.
Kết quả xác minh:
- Ngày 12/3/2007, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1291/VPCP-V.II, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: “Đồng ý với kiến nghị của Bộ NN và PTNT tại Báo cáo số 89/BNN-CB ngày 10/1/2007 và Báo cáo bổ sung số 526/BNN-CB ngày 28/2/2007, UBND tỉnh Phú Yên xử lý cụ thể, đúng quy hoạch về phát triển mía đường đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho Công ty RVP đưa nhà máy đã xây dựng xong đi vào hoạt động đúng pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
- Ngày 13/3/2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp và có Kết luận số 70 KL/TU: Đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo và có chủ trương thực hiện đúng theo tinh thần Công văn số 1291/VPCP-V.II ngày 12/3/2007 của VPCP về việc khiếu nại và kiến nghị của Công ty RVP, Nghị quyết 09 ngày 15/6/2000 của Chính phủ và Công văn số 89/BNN-CB ngày 10/01/2007 của Bộ NN&PTNT, kiên quyết không cho phép Công ty RVP đưa phân xưởng sản xuất mía đường xây dựng trái phép đi vào hoạt động, đảm bảo việc phát triển ổn định ngành mía đường của tỉnh đến năm 2010 theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tạo điều kiện tốt để Công ty RVP hoàn thành các thủ tục đưa nhà máy sản xuất cồn đã xây dựng đi vào hoạt động đúng pháp luật.
- Ngày 14/3/2007, Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản VPHC về hoạt động xây dựng đối với bà Bùi Thị Quy – Giám đốc Công ty RVP.
- Tại Quyết định số 20/QĐ-XPHC-TT ngày 19/3/2007 Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên xử phạt VPHC đối với Công ty RVP. Tại Điểm 2, Tiết a: Buộc Công ty RVP phải tự tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm sau: Khu cầu trục – băng tải mía, nhà ép mía, nhà chế luyện đường (bao gồm nhà xưởng và dây chuyền thiết bị công nghệ để sản xuất đường từ nguyên liệu mía).
… Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao Quyết định này, nếu Công ty RVP không tự nguyện thực hiện Quyết định này, sẽ bị cưỡng chế thi hành”.
- Ngày 23/5/2007 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 915/QĐ-UBND v/v cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt VPHC số 20/QĐ-XPHC-TT ngày 19/3/2007 của Thanh tra Sở Xây dựng.
- Ngày 22/10/2007, Bộ Công an có công văn số 2066/BCA (C11) gửi UBND tỉnh Phú Yên, có nội dung: “…Bộ Công an thấy rằng: Tuy Công ty RVP có vi phạm trong hoạt động xây dựng, nhưng chưa đến mức phải sử dụng những biện pháp hành chính có tính mạnh mẽ như đề xuất của UBND tỉnh Phú Yên. Trong khi chờ đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phải tạm dừng thực hiện Quyết định số 915, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, tránh gây những bức xúc và phức tạp khó lường về an ninh trật tự tại địa phương”.
Ngày 30/10/2007 UBND tỉnh Phú Yên có Báo cáo số: 146/BC-UBND xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 07/11/2007, Văn phòng Chính phủ có văn bản số: 6425/VPCP-V.II, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: “Giao UBND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm việc giải quyết cụ thể, đúng pháp luật và đảm bảo có lý, có tình đối với khiếu nại và kiến nghị của Công ty RVP”.
- Ngày 20/12/2007, UBND tỉnh Phú Yên tại văn bản số 203/BC-UBND đề nghị gặp Thủ tướng Chính phủ để báo cáo một số vấn đề liên quan đến Công ty RVP.
- Ngày 08/1/2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản số: 155/VPCP-V.II gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, có nội dung: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau: Việc giải quyết khiếu nại và kiến nghị của Công ty RVP, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm giải quyết cụ thể theo đúng quy định của pháp luật, không cần báo cáo trực tiếp”.
- Ngày 9/5/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra Thông báo số 248/TB-UBND v/v tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nhận xét:
- Theo Báo cáo số: 89/BNN-CB ngày 10/01/2007 của Bộ NN&PTNT thì Công ty RVP đang xây dựng, lắp đặt chuyền sản xuất đường kết tinh, đã hoàn thành được khoảng 70-80% khối lượng công việc. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Công ty RVP không được tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất đường, tập trung hoàn thành sớm các hạng mục đã được phép đầu tư, đưa nhanh nhà máy sản xuất cồn vào hoạt động. Như vậy, việc Công ty RVP vẫn tiếp tục đầu tư, lắp đặt hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất đường là không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại văn bản 1291/VPCP-V.II ngày 12/3/2007 của Văn phòng Chính phủ.
- Công văn 1291/VPVP-V.II cũng không có nội dung nào chỉ đạo cho nhà máy đường vào hoạt động.
- Sau khi có ý kiến của Bộ Công an tại công văn số 2066/BCA (C11) ngày 22/10/2007, UBND tỉnh Phú Yên đã có 2 văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 146/BC-UBND ngày 30/10/2007 và Công văn số 203/BC-UBND ngày 20/12/2007). UBND tỉnh Phú Yên cũng đã nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được truyền đạt tại 2 văn bản của VPCP (Công văn số 6425/VPCP-V.II ngày 07/11/2007 và Công văn số 155/VPCP-V.II ngày 08/1/2008 – nội dung như đã nêu trên). Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã họp và có văn bản chỉ đạo (Kết luận số 70-KL/TU ngày 13/3/2007).
Từ các nhận xét trên, khẳng định UBND tỉnh Phú Yên đã thực hiện đúng thẩm quyền, không làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an.
Kết luận: Tố cáo của bà Quy là không đúng.
Nội dung 5: “Phá hoại sự ổn định sản xuất của nhân dân trồng múa ở địa phương và sự ổn định sản xuất của doanh nghiệp”.
Kết quả xác minh:
Qua xác minh, không có tài liệu nào cho thấy UBND tỉnh Phú Yên đồng ý cho Công ty RVP đầu tư vùng nguyên liệu mía tại huyện Sơn Hòa.
Khi Công ty RVP có khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cồn, rượu, ga, UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho Công ty RVP ổn định hoạt động (ra văn bản số 1032/UBND, Quyết định số 1612/QĐ-UBND), nhưng Công ty RVP không lập dự án vùng nguyên liệu trình duyệt cấp có thẩm quyền phê duyệt, tự đầu tư vùng nguyên liệu tại huyện Sơn Hòa và Sông Cầu là thực hiện sai Quyết định số 1612/QĐ-UBND và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên.
Công ty RVP có nhiều vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng. Việc xử lý của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đối với Công ty RVP thời gian qua là đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.
Kết luận: Bà Bùi Thị Quy tố cáo UBND tỉnh Phú Yên “Phá hoại sự ổn định sản xuất của nhân dân trồng mía ở địa phương và sự ổn định sản xuất của doanh nghiệp” là không có cơ sở.
Nội dung 6: “Vi phạm Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 và Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg ngày 26/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ”.
Kết quả xác minh:
Thực hiện Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 7/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp và Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg ngày 26/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp dân doanh, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Thực hiện niêm yết công khai các quy trình, thời hạn, quy định về thủ tục hành chính đối với việc cấp các loại giấy phép, giải quyết các công việc liên quan đến đời sống của công dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Đoàn thanh tra không đi sâu kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị này trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Riêng đối với Công ty RVP, UBND tỉnh Phú Yên đã tạo mọi điều kiện để Công ty thực hiện các dự án đầu tư của mình, như: UBND tỉnh và các ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề về Công ty RVP; cấp, đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhanh chóng theo yêu cầu của Công ty, làm thủ tục cho thuê đất, giao đất đúng thủ tục; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng nhiều loại nguyên liệu để sản xuất khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Công ty RVP không tuân thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của các ngành, có nhiều yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật, như yêu cầu giao đất đối với diện tích đất do Công ty tự chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích SDĐ không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu cấp Giấy phép xây dựng với những hạng mục không được xây dựng hoặc xây dựng trên phần đất chuyển nhượng trái phép; yêu cầu được đầu tư cho dân trồng mía trong khi Công ty không lập dự án trồng mía theo chỉ đạo của tỉnh... Như vậy, một số yêu cầu của Công ty RVP không được giải quyết là do lỗi của Công ty. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Công ty RVP. Lỗi của các cơ quan chuyên môn của tỉnh là chưa kiểm tra kịp thời để nhắc nhở, chưa kiên quyết xử lý khi Công ty RVP không thực hiện đúng nội dung dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt cũng như việc xây dựng các hạng mục công trình ngoài giấy phép xây dựng.
Kết luận: Tố cáo của bà Quy là không có cơ sở.
Nội dung 7: “Vi phạm Điều 5-6-7 của Luật Doanh nghiệp, cấp Giấy phép kinh doanh cho sản xuất đường nhưng lại tháo dỡ nhà máy đường của Công ty”.
Kết quả xác minh:
Ngày 16/07/2004, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu cho Công ty RVP. Công ty cũng đã có 4 lần thay đổi. Trong tất cả các Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cho Công ty RVP, ngành nghề kinh doanh của Công ty rất đa dạng, trong đó có nội dung sản xuất đường kết tinh. Theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp thì sản xuất đường kết tinh không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, sản xuất đường kết tinh phải gắn với vùng nguyên liệu. Ngoài quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp còn phải thực hiện các quy định của nhiều luật khác, như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Môi trường... và chỉ đạo của Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, không được phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ngành nghề được đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là một trong các điều kiện cần để lập dự án đầu tư, chứ chưa hội đủ các điều kiện để xây dựng nhà máy. Việc Công ty RVP tự lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất đường kết tinh khi chưa lập dự án sản xuất đường, chưa được quy hoạch vùng nguyên liệu là không chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên và các ngành chức năng.
Kết luận: Tố cáo của bà Quy là “Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vi phạm Điều 5-6-7 Luật Doanh nghiệp” là không đúng.
Nội dung 8: “Báo cáo sai lên Chính phủ về giá mía của Công ty KCP mua của nhân dân năm 2006 là 700.000 đồng/1 tấn, trong khi thực tế chỉ mua 500.000 đồng/1 tấn, bao che cho việc độc quyền mua nguyên liệu của Công ty KCP gây thiệt thòi cho quyền lợi của nhân dân gần 60 tỉ đồng trong 1 vụ mía. Không cho nhà máy đường của doanh nghiệp Việt
Kết quả xác minh:
Ngày 21/8/2006 UBND tỉnh Phú Yên có Báo cáo số: 92/BC-UBND, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung liên quan đến dự án Nhà máy Cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty RVP và dự án Nhà máy đường của Công ty KCP Việt Nam. Tại mục I - về các vấn đề liên quan đến Công ty KCP có nêu việc thu mua mía: “Giá mía được thu mua thực hiện theo giá thị trường, cụ thể: ...năm 2006 giá 700.000 đồng/tấn; phương thức thu mua cũng linh hoạt theo chữ đường và mua xô để đáp ứng nguyện vọng của người dân”.
Kiểm tra thông tin liên quan đến nội dung này cho thấy, khi Văn phòng UBND tỉnh tham mưu để UBND tỉnh lập Báo cáo số 92/BC-UBND là căn cứ vào hai văn bản:
Một là, văn bản số 0765 ngày 21/7/2007 của Công ty KCP gửi Hội đồng nhân dân huyện Sơn Hòa có nội dung: niên vụ 2005 - 2006, công ty mua giá thấp nhất là 550.000 đồng/tấn và giá cao nhất là 580.000 đồng/tấn (giá mua sô). Nhưng căn cứ vào chữ đường thì Công ty mua là 700.000 đồng/tấn với 10% CCS tại cổng nhà máy.
Hai là, Báo cáo số 272/VP-HH ngày 01/8/2006 của Hiệp hội mía đường Việt
Như vậy, số liệu nêu trong Báo cáo số: 92/BC-UBND ngày 21/8/2006 của UBND tỉnh Phú Yên là có căn cứ.
Kết luận: Việc bà Bùi Thị Quy nêu UBND tỉnh Phú Yên bao che cho việc độc quyền mua nguyên liệu của Công ty KCP gây thiệt thòi cho quyền lợi của nhân dân gần 60 tỉ đồng trong 1 vụ mía. Không cho nhà máy đường của doanh nghiệp Việt
Nội dung 9 và 11: “Dùng quyền lực chính quyền chỉ đạo xã, huyện tuyên truyền không bán nguyên liệu (mía) cho Công ty RVP mà bán cho Công ty KCP, can thiệp trái pháp luật vào việc cạnh tranh kinh doanh thương mại của doanh nghiệp”.
“Văn bản 1322/TB-UBND ngày 28/12/2005 và văn bản số 1213/TB-UBND ngày 07/12/2005 của UBND tỉnh Phú Yên làm trái pháp luật: cấm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Phú Yên mua mía ngoại trừ Công ty KCP”.
Kết quả xác minh:
Các văn bản 1322/TB-UBND ngày 28/12/2005 và văn bản số 1213/TB-UBND ngày 07/12/2005 của UBND tỉnh Phú Yên là chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh đối với UBND huyện Sơn Hòa về việc đảm bảo vùng nguyên liệu mía cho doanh nghiệp đã được phê duyệt và cho phép đầu tư vùng nguyên liệu mía và thu mua mía trên vùng nguyên liệu được phép đầu tư là đúng chủ trương của Chính phủ, của Bộ NN và PTNT và của UBND tỉnh.
Việc UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo để nông dân huyện Sơn Hòa trồng và bán mía nguyên liệu cho Công ty KCP là chủ trương của tỉnh đã được phê duyệt và chấp thuận khi cho phép Công ty KCP đầu tư xây dựng nhà máy và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía của Công ty tại huyện Sơn Hòa từ năm 2000.
Trên địa bàn huyện Sơn Hòa, tỉnh đã cho phép và duyệt dự án đầu tư vùng nguyên liệu mía của Công ty KCP, các doanh nghiệp khác tự ý đầu tư và thu mua mía cây trên địa bàn huyện Sơn Hòa sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của KCP và công tác quản lý của địa phương về việc đảm bảo quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho các công ty mía đường trong tỉnh hoạt động.
Việc UBND huyện Sơn Hòa chỉ đạo các xã tuyên truyền thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đảm bảo vùng nguyên liệu mía cho doanh nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mía và thu mua mía trên vùng nguyên liệu được phép đầu tư là đúng chủ trương của Chính phủ, của ngành Nông nghiệp và của UBND tỉnh.
Việc Công ty RVP cho rằng, như vậy là “can thiệp trái pháp luật vào việc cạnh tranh kinh doanh thương mại của doanh nghiệp” là cố tình không hiểu các quy định của Chính phủ, của ngành Nông nghiệp và của UBND tỉnh Phú Yên trong việc đầu tư vùng nguyên liệu mía đường.
Kết luận: Tố cáo của bà Quy là không đúng.
Nội dung 10: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại: cho việc cưỡng chế là 5,5 tỉ đồng; cho việc đầu tư trồng mía là 3 tỉ đồng; cho lãi xuất đầu tư phải trả cho ngân hàng là 1,5 tỉ đồng/1 tháng và bồi thường cho những lợi ích lâu dài bị thiệt hại”.
Kết quả xác minh:
Như đã nêu trong phần I, Công ty RVP có nhiều vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng. Việc xử lý của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn là cần thiết nhằm giữ kỷ cương, lập lại trật tự trên lĩnh vực đầu tư nói chung và đầu tư mía đường nói riêng.
Trong nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trước đây cũng như cho tới nay bà Quy vẫn cho rằng việc lắp đặt dây chuyền sản xuất đường của Công ty RVP chỉ là sự di chuyển từ Việt Trì về Phú Yên chứ không phải là việc xây dựng nhà máy mới, là phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Qua xác minh cho thấy, tại Quyết định 28/2004/QĐ-TTg ngày 4/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất và thực hiện một số giải pháp xử lý khó khăn đối với các nhà máy, công ty đường thì dây chuyền sản xuất này thuộc nhóm phải dừng sản xuất, thực hiện thanh lý, nhượng bán tài sản. Mặt khác, chưa bao giờ Công ty RVP trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đường kết tinh đến các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Phú Yên. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007 V/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC buộc bà Bùi Thị Quy - Giám đốc Công ty RVP để thực hiện Quyết định số 20/QĐ-XPHC-TT ngày 19/3/2007 của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên xử phạt VPHC đối với Công ty RVP là đúng thẩm quyền, đúng thủ tục và hình thức được quy định Pháp lệnh Xử lý VPHC. Bà Quy phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007.
Kết luận: Việc bà Quy yêu cầu bồi thường là không có cơ sở để giải quyết.
Nội dung 12: “Quyết định số 707/QĐ-UB, ngày 18/5/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên v/v dừng thi hành Quyết định số 1612/QĐ-UB ngày 21/7/2005 của UBND tỉnh Phú Yên (duyệt điều chỉnh nội dung chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy cồn, ga, CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty RVP) gây thiệt hại cho Công ty RVP vì Công ty đã đầu tư theo Quyết định số 1612/QĐ-UB vậy phải bồi thường cho Công ty”.
Kết quả xác minh:
Quyết định số 1612/QĐ-UB của UBND tỉnh cho phép điều chỉnh chủ trương theo hướng sử dụng nhiều loại nguyên liệu sản xuất. Việc bổ sung mục tiêu đầu tư là giúp cho Công ty RVP xác định phương hướng kinh doanh lâu dài, yên tâm sản xuất. Trách nhiệm Công ty còn phải trình UBND tỉnh quy mô đầu tư, công nghệ sử dụng và giải pháp đầu tư theo hướng sử dụng nhiều loại nguyên liệu.
Tuy nhiên, qua gần một năm, Công ty RVP không tiến hành hoàn tất hồ sơ để bổ sung quy mô đầu tư, dây chuyền công nghệ; không lập thiết kế cơ sở theo hướng điều chỉnh nêu trên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; không lập dự án xây dựng vùng nguyên liệu mía. Mặt khác, mặc dù không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Công ty RVP vẫn tự ý mua thanh lý dây chuyền thiết bị cán ép mía cũ của Nhà máy đường Việt Trì về lắp đặt, bất chấp sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
Do vậy, việc Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 707/QĐ-UB, ngày 18/5/2006 v/v dừng thi hành Quyết định số 1612/QĐ-UB ngày 21/7/2005 của UBND tỉnh Phú Yên và yêu cầu Công ty RVP tiếp tục thực hiện đúng nội dung đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định 552/QĐ-UB ngày 14/4/2005 của UBND tỉnh Phú Yên là đúng thẩm quyền và cần thiết cho công tác quản lý.
Kết luận: Tố cáo của bà Quy là không đúng.
Nội dung 13: “Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 25/9/2006 của UBND tỉnh Phú Yên v/v xử lý kiến nghị sau thanh tra việc đầu tư xây dựng Nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty RVP, không căn cứ vào quy định của các luật Hình sự, Dân sự, Doanh nghiệp, Đầu tư... chỉ căn cứ vào ý kiến của Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên và việc cho rằng Công ty RVP làm trái với Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định 58/2005/QĐ-BNN ngày 3/10/2005 của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT ban hành quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường trong khi Công ty không làm trái với 2 văn bản này là chỉ dựa vào quyền lực, không căn cứ vào quy định của pháp luật”.
Kết quả xác minh:
Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 25/9/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên V/v xử lý kiến nghị sau thanh tra việc đầu tư xây dựng Nhà máy cồn, ga, CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty RVP, có nội dung “quyết định Công ty RVP phải dừng ngay việc lắp đặt các thiết bị sản xuất đường và tự tháo dỡ toàn bộ dây chuyền liên quan đến việc sản xuất và chế biến mía đường” là trên cơ sở xét kiến nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Báo cáo kết quả thanh tra số 137/BC-TTr ngày 1/8/2006 “Không cho phép Công ty RVP sản xuất đường kết tinh vì trái với Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ và chủ trương của tỉnh”.
Việc ra quyết định xử lý sau thanh tra thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Mặt khác, Chánh Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản của UBND tỉnh.
Vì vậy, Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 25/9/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên V/v xử lý kiến nghị sau thanh tra là có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Kết luận: Nội dung tố cáo của bà Quy là không có cơ sở.
Nội dung 14: “Ra Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007 V/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính không đúng thẩm quyền”.
Kết quả xác minh:
Điều 18 Pháp lệnh Xử lý VPHC quy định: Cá nhân, tổ chức phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi VPHC của mình gây ra hoặc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế; Khoản 1, Điều 67 Pháp lệnh Xử lý VPHC quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc thực hiện thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007 v/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC buộc bà Bùi Thị Quy - Giám đốc Công ty RVP để thực hiện Quyết định số 20/QĐ-XPHC-TT ngày 19/3/2007 của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên xử phạt VPHC đối với Công ty RVP là đúng thẩm quyền, đúng thủ tục và hình thức được quy định Pháp lệnh Xử lý VPHC.
Kết luận: Tố cáo của bà Quy là không đúng.
Nội dung 17: Cấp giấy phép cho Công ty RVP sản xuất đường, cồn... nhưng lại ra văn bản 220/UBND-NN&PTNT ngày 07/02/2007 cấm sử dụng sirô làm nguyên liệu sản xuất, cấm mua mía.
Kết quả xác minh:
Ngày 7/2/2007, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản số 220/UBND-NN&PTNT gửi Công ty RVP v/v Công ty xin mua mía ở vùng không nằm trong quy hoạch của nhà máy cồn, rượu của Công ty, có nội dung: “Không đồng ý giải quyết cho Công ty RVP mua mía vì: Những vùng mía mà Công ty RVP xin mua không nằm trong quy hoạch của nhà máy cồn, ga CO2, rượu của Công ty; Không được sử dụng sirô làm nguyên liệu sản xuất cồn, ga CO2, rượu”.
Như đã phân tích trong nội dung 7, ngành nghề được đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là một trong các điều kiện cần để lập dự án đầu tư, chứ chưa hoàn toàn hội đủ các điều kiện để xây dựng nhà máy.
Theo các quy định hiện hành, việc sản xuất đường kết tinh hay ép mía cây để lấy sirô đều phải có dự án xây dựng dây chuyền sản xuất và gắn liền với dự án vùng nguyên liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công ty RVP có văn bản đề nghị được mua mía và ép mía cây trên địa bàn huyện Sơn Hòa, trong khi Công ty không được phép sản xuất đường kết tinh, không được sử dụng sirô làm nguyên liệu để sản xuất cồn, ga CO2, rượu. Mặt khác, địa bàn Công ty RVP xin mua mía cây (huyện Sơn Hòa) thuộc vùng quy hoạch mía nguyên liệu của Công ty KCP.
Vì vậy, UBND tỉnh Phú Yên ra văn bản số 220/UBND-NN&PTNT ngày 7/2/2007 không đồng ý cho Công ty RVP mua mía và ép mía lấy sirô trên địa bàn huyện Sơn Hòa là thực hiện đúng chức năng quản lý, bảo đảm sự ổn định quy hoạch phát triển mía đường của tỉnh.
Kết luận: Nội dung tố cáo của bà Quy là không đúng.
Nội dung 18:
* “Ngày 21/5/2008, UBND tỉnh Phú Yên thực hiện việc cưỡng chế vi phạm hành chính nhưng lại chở tài sản thiết bị của Công ty đi, trong khi đó Quyết định 915/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên không có nội dung: thu giữ tài sản của Công ty RVP.
* Khi Công ty yêu cầu trả lại thì Sở Công thương có Văn bản số 204/SCT-KT ngày 30/6/2008 trả lời không chấp nhận, là việc chiếm đoạt tài sản của công dân trái pháp luật”.
Kết quả xác minh:
Trong Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 21/5/2008 của UBND tỉnh Phú Yên đã thể hiện rất rõ: Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để đảm bảo thi hành Quyết định 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên v/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC. Đồng thời thông báo cho đối tượng vi phạm biết để liên hệ giải quyết.
Hồ sơ lưu tại Sở Công thương cho thấy, Giám đốc Công ty RVP có bản Tường trình và kiến nghị số 44/RVP-2008 ngày 16/6/2008 gửi Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh Phú Yên, trong đó có nội dung xin kiến nghị: “1. Trả lại thiết bị đường cho Công ty RVP; 2. Phục hồi quyền được sản xuất đường cho Công ty RVP để công nhân được sản xuất và lao động trở lại; 3. Làm thủ tục hành chính cho Công ty RVP được xây dựng, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…”.
Ngày 30/6/2008, Giám đốc Sở Công thương ký Công văn số 204/SCT-KT về việc trả lời kiến nghị theo văn bản số 44/RVP-2008 của Công ty RVP, có nội dung: “Việc kiến nghị của Công ty trả lại dây chuyền thiết bị đường, phục hồi quyền được sản xuất, phục hồi quyền được lao động là không được chấp nhận”. Trong bản Tường trình và kiến nghị số 44/RVP-2008 ngày 16/6/2008 của Công ty RVP có nhiều nội dung khác nhau, nhưng khi trả lời Công ty RVP, Sở Công thương lại gộp các nội dung vào một câu trả lời như trên là không đúng, không thể hiện rõ bản chất của sự việc đã gây sự hiểu lầm cho doanh nghiệp.
Kiểm tra tại Sở Xây dựng và UBND huyện Sơn Hòa cho thấy, hồ sơ thể hiện toàn bộ tài sản cưỡng chế được theo dõi, bàn giao đầy đủ. Hiện vật đang được niêm phong, bảo quản tại kho của UBND huyện Sơn Hòa (trong Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Hòa).
- Ngày 4/8/2008, Sở Xây dựng ban hành Thông báo số 64/TB-SXD gửi Công ty RVP V/v hoàn trả chi phí cưỡng chế hành chính và nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Nhận xét:
+ Việc ban hành văn bản số 204/SCT-KT ngày 30/6/2008 của Giám đốc Sở Công thương là có thiếu sót, không thể hiện rõ bản chất của sự việc đã gây sự hiểu lầm cho doanh nghiệp.
+ Việc ra Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 21/5/2008 của UBND tỉnh Phú Yên là kịp thời nhưng việc xử lý và ra văn bản thông báo số: 64/TB-SXD ngày 4/8/2008 của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên là quá chậm.
Sở Công thương và Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, thận trọng trong việc ban hành các văn bản quản lý.
Kết luận: Tố cáo đúng hiện tượng nhưng không đúng với bản chất sự việc.
2. Về các đề nghị, yêu cầu của bà Quy:
1) Bà Quy yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên bồi thường thiệt hại (trên 9,6 tỉ đồng) cho Công ty RVP, xử lý nghiêm việc làm của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Việc bà Quy yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên bồi thường là không có cơ sở để giải quyết (đã phân tích và trả lời nội dung 10).
2) Đề nghị hủy Bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Phú Yên với Công ty KCP vì nội dung này trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và bà con nông dân, là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Phú Yên với Công ty KCP được ký ngày 2/3/2000, tại thời điểm đó đã thể hiện chính sách thu hút đầu tư của địa phương, mà trực tiếp là để Công ty KCP yên tâm đầu tư vào Phú Yên. Thực tế, gần 9 năm qua Công ty KCP hoạt động theo chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt
Tuy nhiên, Bản thỏa thuận ngày 2/3/2000 giữa UBND tỉnh và Công ty KCP đến nay đã gần 9 năm, trong đó có một số điều khoản không được thực hiện trên thực tế, một số điều khoản không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Do đó, cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
3) Đề nghị cho Công ty RVP được phục hồi sản xuất đường kết tinh, sirô để phục vụ cho sản xuất cồn và phân vi sinh.
Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có nội dung: “Không xây dựng thêm các nhà máy đường mới, chủ yếu là sắp xếp và phát huy công suất các nhà máy hiện có”.
Trong các đơn khiếu nại, tố cáo bà Quy đều nêu việc lắp đặt dây chuyền sản xuất đường của Công ty RVP tại Phú Yên chỉ là việc di chuyển từ Công ty Đường rượu bia Việt Trì (Phú Thọ) về huyện Sơn Hòa (Phú Yên), không phải là xây dựng nhà máy mới. Thực tế kiểm tra cho thấy, tại Quyết định số 28/2004/QĐ-TTg ngày 4/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất và thực hiện một số giải pháp xử lý khó khăn đối với các nhà máy đường thì dây chuyền sản xuất chế biến đường của Công ty Đường rượu bia Việt Trì thuộc đối tượng thanh lý, nhượng bán tài sản, không thuộc đối tượng di chuyển.
Tại Điều 3 Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía đường ban hành kèm theo Quyết định số 58/2005/QĐ-BNN ngày 3/10/2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định: “Các nhà máy đường có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, lập quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cụ thể đến từng xã, trình UBND tỉnh phê duyệt”.
Tuy chủ trương quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 là “khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mía đường, gắn lợi ích giữa nhà chế biến và người sản xuất nguyên liệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới”, nhưng phần giải pháp vẫn khẳng định: “Không xây dựng mới nhà máy đường. Các nhà máy từng bước đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa, mở rộng công suất hiện có một cách hợp lý phù hợp với vùng nguyên liệu và thị trường…”.
Như vậy, quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên về việc không cho Công ty RVP lắp đặt dây chuyền sản xuất đường và sản xuất đường kết tinh là thống nhất, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Do đó, việc sản xuất kinh doanh mía đường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung và của Công ty RVP nói riêng đều phải tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và quyết định của UBND tỉnh Phú Yên.
II. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ:
1. Kết luận
1.1. Tổng hợp kết quả xác minh nội dung tố cáo của bà Quy
Tổng hợp có 18 nội dung tố cáo, qua xác minh cho thấy có 12 nội dung tố cáo không đúng (nội dung 1, 2, 3, 4, 7, 9, 11, 12, 14, 15, 16, 17); 5 nội dung tố cáo không có cơ sở (nội dung 5, 6, 8, 10, 13); chỉ có 1 nội dung tố cáo đúng hiện tượng nhưng không đúng với bản chất sự việc (nội dung 18).
Cụ thể là:
+ Việc bà Quy tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vi phạm Điều 6-7-8 Luật Doanh nghiệp; ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ dây chuyền sản xuất đường kết tinh của Công ty RVP, không thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại văn bản số 1291/VPCP-V.II ngày 12/3/2007 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của Bộ Công an tại công văn số 2066/BCA (C11) ngày 22/10/2007; không đọc lệnh cưỡng chế; sử dụng lực lượng quân đội và công an bao vây, tấn công nhà máy; lực lượng công an xâm nhập gia cư bất hợp pháp, đánh người, bắt người trái pháp luật; lực lượng cưỡng chế chiếm đoạt tài sản của Công ty RVP là không đúng.
+ Việc bà Quy tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên không thực hiện Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 7/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg ngày 26/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp dân doanh; báo cáo sai giá thu mua mía của Công ty RVP, bảo hộ sự độc quyền cho doanh nghiệp nước ngoài, gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp trong nước và việc bà Quy yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Công ty RVP do việc cưỡng chế là không có cơ sở.
+ Có 1 nội dung tố cáo đúng hiện tượng nhưng không đúng với bản chất sự việc, đó là việc UBND tỉnh, Sở Công thương và Sở Xây dựng ra các văn bản xử lý tài sản sau khi cưỡng chế.
1.2. Đối với UBND tỉnh Phú Yên
- Việc chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên không cho phép Công ty RVP xây dựng nhà máy đường tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa là nhất quán, rõ ràng và đúng pháp luật.
- UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 552/QĐ-UB ngày 14/4/2005 V/v phê duyệt chấp thuận nội dung đầu tư và việc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép xây dựng số 293/GP-SXD ngày 28/10/2005 cho Công ty RVP là đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và phù hợp thực tế của địa phương.
- Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 20/QĐ-XPHC-TT V/v xử phạt VPHC về hoạt động xây dựng đối với Công ty RVP và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 23/5/2007 V/v cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với Công ty RVP là thực hiện đúng quy định của Luật Xây dựng, Pháp lệnh Xử lý VPHC, Nghị định số 126/2004/CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ và Thông tư số 01/2005/TT-BXD ngày 21/1/2005 của Bộ Xây dựng.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, cho phép Công ty RVP được sử dụng nguyên liệu từ cây mía, cây sắn mì…, trong khi Công ty RVP chưa có dự án chế biến các loại nguyên liệu này, chưa lập dự án phát triển vùng nguyên liệu mía là không đúng với quy chế quản lý đầu tư xây dựng và quy định của UBND tỉnh Phú Yên. Thanh tra tỉnh có Báo cáo số 210/BC-TTr ngày 15/11/2006 về việc xin rút đơn khiếu nại của bà Bùi Thị Quy có nội dung trái với kết luận tại Thông báo số 917/TB-UBND của UBND tỉnh, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trách nhiệm thuộc Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Chánh Thanh tra tỉnh.
- Công tác thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời, việc phát hiện các sai phạm của doanh nghiệp còn chậm. Khi phát hiện ra sai phạm, việc xử lý chấn chỉnh các sai phạm còn lúng túng, xử lý chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.
- Việc ra văn bản điều hành của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường trong từng thời điểm còn chậm so với yêu cầu, có những điểm trái ngược nhau, gây hiểu lầm trong quá trình thực hiện đầu tư của doanh nghiệp.
1.3. Đối với Công ty TNHH Rượu Vạn Phát
- Công ty RVP tự di chuyển dây chuyền sản xuất đường kết tinh của Nhà máy đường Việt Trì về lắp đặt tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên không được UBND tỉnh chấp thuận, Công ty không có dự án xây dựng nhà máy đường, không có giấy phép xây dựng là vi phạm Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ, Quyết định số 28/2004/QĐ-TTg ngày 4/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 58/2005/QĐ-BNN ngày 3/10/2005 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT và các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên.
Việc Công ty RVP đưa dây chuyền sản xuất đường kết tinh vào hoạt động tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa ảnh hưởng tới việc thực hiện quy hoạch phát triển mía của địa phương, phá vỡ quy hoạch phát triển mía đường đã được ban hành theo Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 và Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 16/5/2007 của UBND tỉnh Phú Yên.
- Công ty RVP xây dựng nhiều hạng mục chưa được cấp Giấy phép xây dựng và xây dựng một số hạng mục trên đất tự chuyển nhượng, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quy định về quản lý đất đai của Nhà nước.
- Mặc dù đã được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng hướng dẫn, làm các thủ tục để đầu tư vào 500 ha nguyên liệu mía tại xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu, nhưng cho đến nay Công ty RVP vẫn chưa trình dự án đầu tư vùng nguyên liệu mía nói trên đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Mặt khác, dù không được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Yên về việc đầu tư vùng nguyên liệu mía tại huyện Sơn Hòa nhưng Công ty vẫn tiến hành đầu tư tại khu vực này là vi phạm các quy định về việc phân chia ổn định vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường trên địa bàn toàn tỉnh Phú Yên, gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước trong điều hành chương trình mía đường, đồng thời tạo ra những khó khăn cho chính Công ty RVP.
1.4. Việc Công ty RVP đòi bồi thường thiệt hại 9,6 tỉ đồng
- Trong quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động kinh doanh, Công ty RVP có nhiều sai phạm các quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng. Các nội dung tố cáo của bà Quy hầu hết là không đúng, không có cơ sở, không đúng bản chất sự việc. Vì vậy, việc bà Quy yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên bồi thường 9,6 tỉ đồng là không có cơ sở để giải quyết.