Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, danh dự, uy tín cá nhân và các cơ quan, tổ chức.
Mua bán giấy tờ giả tràn lan
Hiện nay, tình trạng mua bán các loại bằng cấp giả diễn ra tràn lan, công khai trên các trang web và mạng xã hội. Chỉ cần vào phần tìm kiếm gõ từ khóa mua bán giấy tờ giả trên Facebook, ngay lập tức người dùng sẽ nhận được hàng trăm kết quả như: Giấy tờ giả lấy ngay; làm giả giấy tờ; giấy tờ giả uy tín 100%; làm bằng cấp, giấy tờ giả; làm sổ hồng giả siêu tốc, làm giấy tờ giả, bằng cao đẳng, đại học nhanh, uy tín...
Không chỉ chào mời công khai, các dịch vụ làm giả giấy tờ này còn đăng kèm cả số điện thoại để khách hàng có nhu cầu liên lạc với cam kết bảo mật thông tin và “sản phẩm” giống như thật 100%.
Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ nhận hàng thì vài ngày sẽ có trong tay loại giấy tờ mình mong muốn, từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến giấy đăng ký kết hôn, quyết định công nhận thuận tình ly hôn, bằng đại học, cao đẳng, bằng tốt nghiệp THPT, bằng lái xe, các loại chứng chỉ tiếng Anh... Tùy theo các loại văn bằng, giấy tờ mà sẽ có giá bán khác nhau.
Có thể nói, không gian mạng hiện nay với đặc thù là không biên giới và có tính ẩn danh cao đang trở thành môi trường thuận lợi để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.
Cùng với đó, các đối tượng phạm tội sử dụng máy móc, kỹ thuật in ấn hiện đại để tạo ra giấy tờ giả có hình thức rất giống với bản gốc, khiến việc phân biệt giấy tờ thật giả trở nên khó khăn hơn.
Những hành vi mua bán, sản xuất, sử dụng giấy tờ giả đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, nhiều đối tượng phạm tội còn lợi dụng vào các loại giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Trần Thanh Sử, Trưởng Công an huyện Sơn Hòa cho biết: Trong tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thị Hồng Nhung (SN 1989, trú xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 7-11/2023, Phan Thị Hồng Nhung đã kết nối với 6 người dân trên địa bàn Sơn Hòa, gồm: N.T.C, N.K.Đ, Đ.T.D, N.V.D, N.T.B.V, N.H.V; hứa hẹn sẽ lo cho họ không cần học, không cần dự thi mà vẫn đậu và được cấp giấy phép lái xe theo yêu cầu.
Tuy nhiên, Nhung không gửi thông tin cá nhân và tiền học phí của 6 người này đến các cơ sở có chức năng, thẩm quyền đào tạo, tổ chức thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe, mà lên mạng xã hội móc nối liên hệ làm giấy phép lái xe giả về giao cho những người trên để chiếm đoạt tiền của họ. Tổng số tiền Nhung đã lừa đảo chiếm đoạt là 116 triệu đồng.
Xử lý nghiêm
Mới đây, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo (là 2 cậu cháu, cùng trú huyện Bến Lức, tỉnh Long An): Cao Quốc Thông (SN 1986) 4 năm 6 tháng tù và Võ Cao Huy (SN 2001) 2 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đồng thời sung vào ngân sách nhà nước số tiền 2 bị cáo thu lợi bất chính.
Theo nội dung vụ án, đầu năm 2020 đến tháng 7/2022, Thông mua máy, thiết bị, phương tiện và nhiều vận dụng khác để làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cuối năm 2020, Huy biết Thông làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên chủ động hỏi xin làm chung để kiếm tiền. Huy thông qua điện thoại, Zalo, Facebook nhận làm các loại giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ giả; sau đó chuyển thông tin khách hàng cho Thông để thực hiện.
Sau khi làm xong, Thông chuyển lại cho Huy, Huy điện thoại cho Nguyễn Văn Phong (SN 1976, trú tỉnh Long An) để giao tài liệu giả cho khách hàng. Theo đó, Thông đã làm giả 9 con dấu và nhiều tài liệu của cơ quan, tổ chức, thu lợi bất chính 248,1 triệu đồng; còn Huy thu lợi bất chính 28,4 triệu đồng.
Cùng chung vụ án này, trước đó TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo Phạm Minh Hiền (SN 2001, cùng trú tỉnh Long An) 4 năm 6 tháng tù và Nguyễn Văn Phong 2 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau khi vụ việc vỡ lở, Thông bỏ trốn và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Yên ra quyết định truy nã. Ngoài ra, Thông còn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) khởi tố, bắt tạm giam cùng về tội danh trên.
Trước tình trạng giấy tờ giả rao bán tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, người dân cần thận trọng xác thực các loại giấy tờ khi mua bán, vay mượn để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện những trường hợp sử dụng giấy tờ giả, cần kịp thời báo cho cơ quan chức năng để tránh rắc rối cho bản thân và người khác. Đặc biệt người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả, bởi đây là hành vi phạm pháp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên |
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ án, các cơ quan chức năng PhúYên phát hiện, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn và xử lý nhiều đối tượng mua bán, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; cũng như các đối tượng phạm tội đã lợi dụng các loại giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nói về việc mua bán, sử dụng các loại chứng chỉ, bằng cấp, giấy tờ giả hiện nay, ông Nguyễn Đình Đáng, Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (Viện KSND tỉnh) chia sẻ: Thời gian qua, tình trạng các con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bị làm giả và việc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này đã xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, gây tâm lý bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.
Theo ông Đáng, các bị can, bị cáo hoàn toàn biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì lòng tham, lười lao động, muốn kiếm tiền nhanh chóng nên vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của các đối tượng này rất nguy hiểm, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, là những khách thể được Hiến pháp ghi nhận, pháp luật bảo vệ, cần phải xử lý nghiêm khắc để thể hiện sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật cũng như giáo dục, cải tạo các đối tượng này trở thành công dân có ích cho xã hội; răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
Ông Đáng cũng cho hay, thời gian qua, tuy các cấp, ngành, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nỗ lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh, phòng chống vi phạm tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhưng tình hình vi phạm và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.
Để đảm bảo giữ vững ANTT, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho sự phát triển về mọi mặt, theo ông Đáng, các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm; có biện pháp kịp thời phát hiện việc mua bán giấy tờ, tài liệu giả, đặc biệt là các hành vi diễn ra trên không gian mạng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyên truyền giáo dục mọi người tuân thủ đúng quy định về quản lý hành chính của Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần đẩy lùi vi phạm và loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội.
NGỌC QUỲNH