Thời gian qua, tình trạng học sinh các trường học trong tỉnh điều khiển xe máy, mô tô vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng phức tạp, gây ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm TTATGT. Ảnh: HUY VINH |
Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý, góp phần bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua địa bàn.
Tăng cường xử lý vi phạm
Theo chân tổ tuần tra kiểm soát, đảm bảo TTATGT trên địa bàn TP Tuy Hòa vào một ngày tháng 5, chúng tôi nhận thấy, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 8 trường hợp học sinh có hành vi vi phạm TTATGT. Lỗi vi phạm của các em, hầu hết đều chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, mô tô và không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ cho phép...
Về các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có liên quan đến học sinh từ 6-18 tuổi, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 10 vụ, làm chết 5 người, bị thương 12 người, trong đó có những trường hợp để lại hệ lụy rất thương tâm.
Cũng từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã tổ chức 10 chuyên đề tập trung xử lý học sinh đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, mô tô không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác hoặc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện… Qua đó phát hiện, xử lý 298 trường hợp vi phạm, trong đó cảnh cáo 116 trường hợp vi phạm, phạt 182 trường hợp với số tiền gần 162 triệu đồng.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền
Để tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về TTATGT không còn xảy ra; thực hiện nghiêm Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh ban hành 8 văn bản chỉ đạo; tổ chức tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT tại 152 trường học với gần 160.000 lượt học sinh, sinh viên, giáo viên, công nhân viên tham gia.
Công tác bảo đảm TTATGT cũng như việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm TTATGT không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an mà là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Thượng tá Phạm Thị Mộng Tuyết, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh |
Ngoài việc tổ chức các cuộc thi trực tiếp, trực tuyến, lực lượng công an còn đăng tải hàng trăm tin, bài lên các trang mạng xã hội; xây dựng hơn 37 phóng sự phát sóng trên các kênh truyền hình; cấp phát hàng chục ngàn tờ rơi tuyên truyền về TTATGT đường bộ, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Một trong những cách làm hiệu quả hiện nay là xây dựng và duy trì thường xuyên mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại 36 trường trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), ngoài hệ thống camera giám sát 24/24 trong và ngoài nhà trường, vào mỗi giờ cao điểm, đội xung kích, đội cờ đỏ luân phiên túc trực để làm nhiệm vụ nhắc nhở học sinh chú ý an toàn khi tham gia giao thông.
Thầy Lê Thành Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết: “Hằng tháng, nhà trường phối hợp ít nhất 2 lần với Công an phường Phú Đông tổ chức tuần tra, đồng thời tự thực hiện nhiều lượt tuần tra nội bộ đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gây mất an toàn khu vực trường. Nhờ phối hợp hiệu quả với công an phường, công tác kiểm tra, quản lý phương tiện đi lại của học sinh từng bước đi vào nề nếp. Việc chấn chỉnh, xử lý những học sinh cá biệt, cố tình vi phạm được thực hiện tốt hơn so với trước”.
Theo thượng tá Phạm Thị Mộng Tuyết, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, công tác bảo đảm TTATGT cũng như việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm TTATGT không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an mà là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Để giảm tối đa tình trạng học sinh vi phạm, gây ra tai nạn giao thông, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật TTATGT; tuyên truyền gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Những trường hợp học sinh vi phạm TTATGT, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo trực tiếp về cho nhà trường để có biện pháp giáo dục, kiểm điểm theo quy định.
“Nếu nhà trường lơ là việc giáo dục, định hướng; phụ huynh cứ vô tư giao xe cho con cái; người đi đường thờ ơ, vô cảm trước những lỗi vi phạm của các em thì hậu quả tai nạn giao thông là điều không thể tránh khỏi. Do đó, các cấp, ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp với lực lượng công an ngăn chặn triệt để tình trạng này, góp phần chuyển đổi tích cực về nhận thức cho những chủ nhân tương lai của đất nước”, thượng tá Phạm Thị Mộng Tuyết chia sẻ.
HUY VINH