Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên được các cơ quan chức năng ngày càng quan tâm với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Công tác này có vai trò quan trọng nhằm giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống đẹp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh; hình thành ý thức, thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Phiên tòa giả định một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả cho học sinh. Ảnh: NGỌC DUNG |
Trực quan, hiệu quả từ phiên tòa giả định
Thời gian qua, các phiên tòa giả định tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống ma túy, bạo lực học đường do Sở Tư pháp phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tại các trường THPT, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, học sinh toàn tỉnh. Các phiên tòa giả định này có kịch bản dựa trên những vụ án có thật đã được đưa ra xét xử trên địa bàn tỉnh. Tại phiên tòa giả định, các đoàn viên Sở Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an tỉnh có sự đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung đến các tình tiết, diễn biến phiên tòa. Hội đồng xét xử tập trung phân tích rõ điều kiện, mục đích, động cơ phạm tội cũng như tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo. Đồng thời đi sâu phân tích hành vi phạm tội, hậu quả mà đối tượng phải nhận về hành vi vi phạm gây ra.
Có thể nói, so với các hình thức khác, tuyên truyền PBGDPL dưới hình thức sân khấu hóa mang đến cái nhìn trực quan, sinh động, giúp học sinh tiếp cận tình tiết vụ án và các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu hơn. Em Nguyễn Gia Nin, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu) bày tỏ: “Trong thời gian theo dõi phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường được tổ chức tại trường, em và các bạn cảm thấy như mình được dự một phiên tòa thực sự. Chúng em còn biết thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích, giúp chúng em nâng cao nhận thức pháp luật, biết cách hành xử đúng trong môi trường học đường, tránh những hành vi vi phạm pháp luật”.
Nói về mục đích mà Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn hướng đến khi tổ chức phiên tòa giả định này, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Hành chính, Bổ trợ tư pháp và Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) chia sẻ: “Thông qua phiên tòa giả định, học sinh có điều kiện tiếp cận thực tiễn để nâng cao hiểu biết, nhận thức về pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời các em sẽ hiểu rõ hơn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội thông qua mức án được tuyên. Qua đó tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các em, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống đẹp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh…”.
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu) chia sẻ kỹ năng phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội. Ảnh: NGỌC DUNG |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trên cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng có chiều hướng gia tăng. “Xác định công tác tuyên truyền PBGDPL trong trường học có vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức pháp luật, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về PBGDPL trong các đơn vị, nhà trường. Sở GD-ĐT còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền PBGDPL với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: tổ chức các phiên tòa giả định, tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, ma túy, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh truyền tải kiến thức, các trường cũng đẩy mạnh các hoạt động đoàn, đội giáo dục kỹ năng, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, thầy cô, bạn bè cho các em học sinh. Điều này góp phần giúp các em nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, trau dồi kỹ năng sống; giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành ý thức, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay.
Những năm qua, cùng với các ngành chức năng, Công an Phú Yên luôn chú trọng PBGDPL cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an các địa phương đã xây dựng nhiều chuyên đề tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học. Thiếu tá Phạm Minh Hân, Đội trưởng Đội Pháp chế và Quản lý khoa học, Phòng Tham mưu (Công an tỉnh) chia sẻ: Hiện nay, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Điển hình là vụ vận chuyển gần 1kg ma túy đá lớn nhất từ trước tới nay đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên địa bàn Phú Yên vào ngày 6/11. Tình trạng thanh thiếu niên sử dụng trái phép ma túy bị các lực lượng chức năng phát hiện ngày càng nhiều. Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn là mục tiêu mà các đối tượng tội phạm ma túy lợi dụng, nhắm đến vì mục đích xấu, bởi đây là nhóm dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Vì vậy, thời gian qua, Phòng Tham mưu và các phòng nghiệp vụ khác của Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong tỉnh.
“Chúng tôi tập trung tuyên truyền về tác hại của ma túy; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy; biểu hiện của người nghiện ma túy và cách phân biệt một số loại ma túy phổ biến, mới phát sinh hiện nay. Đồng thời hướng dẫn những kỹ năng cơ bản về phòng tránh ma túy cho học sinh, sinh viên; tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy, từ đó giúp các em nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về hiểm họa, tác hại của việc sử dụng trái phép ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Mặt khác, thông qua các em học sinh tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống về ma túy trên địa bàn tỉnh”, thiếu tá Phạm Minh Hân cho biết thêm.
Theo Công an Phú Yên, trong dịp hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an các địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền PBGDPL về trật tự an toàn giao thông, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, phòng chống ma túy, trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn… cho trên 9.000 học sinh, sinh viên, giáo viên trong toàn tỉnh. Hoạt động tuyên truyền PBGDPL này của lực lượng công an Phú Yên đã và đang góp phần tích cực cùng các ngành chức năng đẩy lùi tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. |
NGỌC DUNG