Những năm gần đây, số lượng vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Trước áp lực, khó khăn này, TAND hai cấp Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác thụ lý, giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh. Báo Phú Yên phỏng vấn TS Trần Huy Đức, Chánh án TAND tỉnh xoay quanh nội dung này.
TS Trần Huy Đức |
* Thực tế cho thấy việc xét xử, giải quyết các vụ án hành chính thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc mà TAND hai cấp Phú Yên phải đối mặt. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
- Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, những hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND huyện trở lên thuộc thẩm quyền giải quyết, xét xử của tòa án cấp tỉnh. Ngoài ra, TAND tỉnh còn phải xét xử các vụ án hành chính theo trình tự phúc thẩm. Việc thay đổi thẩm quyền giải quyết, xét xử này dẫn đến số lượng án hành chính ở cấp huyện giảm, số lượng án hành chính ở cấp tỉnh tăng lên, số lượng thẩm phán của Tòa Hành chính vẫn vậy. Trong khi đó, tình hình khiếu kiện án hành chính trên địa bàn Phú Yên thời gian qua tăng nhanh về số lượng và mức độ phức tạp, nhất là lĩnh vực thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Án hành chính liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước, luật và bộ luật. Văn bản hướng dẫn lại thường xuyên sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung. Một số văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong áp dụng, giải quyết. Đặc biệt, các quy định pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, đòi hỏi phải có thời gian tập hợp, nghiên cứu, xác minh liên quan đến các cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước nên dẫn đến việc xét xử còn chậm. Điều này dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài và người khởi kiện rất bức xúc, ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng giải quyết án hành chính của tòa án; tạo áp lực đối với thẩm phán, thư ký khi phải giải quyết án.
* Trước thực trạng này, TAND tỉnh đã có những giải pháp gì để tạo đột phá trong giải quyết án hành chính hiện nay, thưa ông?
- Công tác giải quyết các vụ án hành chính mặc dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, TAND Tối cao, thời gian qua, lãnh đạo TAND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đột phá quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử án hành chính, nhất là các vụ án phức tạp, kéo dài, các vụ án trong danh mục Thường trực Tỉnh ủy, thường trực các huyện, thị, thành ủy theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc.
Quang cảnh phiên xét xử một vụ án hành chính. Ảnh: NGỌC DUNG |
Để đạt kết quả tốt trong công tác giải quyết, xét xử án hành chính, lãnh đạo TAND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, tổ chức đối thoại, phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Ngoài ra, đội ngũ thẩm phán, thư ký Tòa Hành chính luôn nỗ lực phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật mới để giải quyết tốt án, hạn chế sai sót. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, các thẩm phán thường chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ, không bị động chờ các cơ quan đến cung cấp; tăng cường đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử để nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều hành phiên tòa. Đồng thời, tòa án tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; thực hiện quy chế phối hợp giữa tòa án và các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết án hành chính, nhất là đối với các vụ án hành chính khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa phương… Nhờ đó, chất lượng và tiến độ giải quyết các vụ án hành chính tăng lên rõ rệt. Các vụ án hành chính phức tạp, kéo dài nhiều năm, các vụ án nằm trong danh mục Thường trực Tỉnh ủy, thường trực các huyện, thị, thành ủy theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc đã được đưa ra giải quyết, xét xử.
Tòa án ra các bản án, quyết định phán quyết về tính hợp pháp của các quyết định, hành vi hành chính bị khiếu kiện, đồng thời buộc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải thực hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Điều này góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trước người dân, góp phần đấu tranh, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực của các cán bộ, công chức trong hoạt động quản lý nhà nước.
* Với vai trò cơ quan giải quyết tranh chấp hành chính, ông có những đề xuất, kiến nghị gì để thời gian tới TAND hai cấp Phú Yên đẩy mạnh hơn nữa công tác giải quyết án hành chính?
- Các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát theo chuyên đề trong lĩnh vực giải quyết án hành chính; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án và tham gia đối thoại, tranh tụng tại phiên tòa; cần có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của UBND, các Chủ tịch UBND. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo và người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hành chính. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cần chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải từ cơ sở, đối thoại, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cán bộ công chức TAND tỉnh trao đổi nghiệp vụ giải quyết án hành chính. Ảnh: NGỌC DUNG |
Các cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ phối hợp cung cấp đầy đủ chứng cứ tài liệu theo đúng thời gian tòa án ấn định để thời gian giải quyết vụ án được đảm bảo đúng quy định pháp luật. Các cơ quan hành chính nhà nước cũng như những người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nên phối hợp tham gia đầy đủ các giai đoạn tố tụng tại tòa án để công tác xét xử được diễn ra đúng quy định, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và TAND tỉnh về việc phối hợp trong công tác cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và tham gia tố tụng trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính…
* Xin cảm ơn ông!
Theo nguồn tin từ TAND tỉnh, với nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt trong giải quyết án hành chính, trong năm 2023, tỉ lệ giải quyết án hành chính của TAND hai cấp Phú Yên là 89,3%, trong đó TAND tỉnh đạt 71%; số lượng án giải quyết tăng đáng kể so với trước đây. Đây là năm đầu tiên trong 5 năm liên tiếp, TAND tỉnh giải quyết vượt chỉ tiêu thi đua 65% do TAND Tối cao quy định (năm 2020 đạt 39,7%; năm 2021 đạt 33,1%; năm 2022 đạt 49,4%). |
NGỌC DUNG (thực hiện)