Cải tạo không giam giữ là một trong bảy loại hình phạt chính được quy định trong Bộ Luật hình sự. Đây là loại hình phạt không cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Trong thực tế, các tòa án áp dụng loại hình phạt này đối với người phạm tội không nhiều. Song qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự cho thấy việc áp dụng các quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ có lúc, có nơi chưa thống nhất, còn nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau.
Tòa án có những vận dụng khác nhau trong áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ
Về thời điểm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ có ý nghĩa rất lớn trong việc thi hành án, nhất là trong việc xóa án tích, tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm nếu người bị kết án lại tiếp tục phạm tội… Khi quyết định hình phạt, tòa án bao giờ cũng xác định một mốc nhất định để tính thời điểm người bị kết án phải thi hành hình phạt; chẳng hạn khi tuyên hình phạt tù thì cái mốc đó là thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án, hoặc nếu cho bị cáo hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo…
Thế nhưng, đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, có lẽ do luật không quy định và cũng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nên các tòa án đã tuyên rất khác nhau. Chẳng hạn, như vụ TAND thị xã T xử phạt bị cáo Phan Xuân S 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội trộm cắp tài sản. Bị cáo phải chấp hành hình phạt vào thời điểm nào thì bản án không nói đến. Thế nhưng, cũng chính tòa này trong vụ án khác, đã xử phạt bị cáo Huỳnh Thị Kim T 9 tháng cải tạo không giam giữ, thời gian cải tạo không giam giữ tính từ ngày quyết định thi hành án có hiệu lực pháp luật. Còn TAND huyện H thì lại tuyên phạt bị cáo Đinh Văn P 1 năm cải tạo không giam giữ, kể từ ngày tòa tuyên án sơ thẩm.
TAND huyện S tuyên khác hơn: xử phạt bị cáo Võ Tấn H 6 tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn chấp hành tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. TAND tỉnh K thì tuyên xử phạt bị cáo Huỳnh Kim H 6 tháng cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho UBND nơi cư trú giám sát giáo dục tính từ ngày có quyết định thi hành án…
Những bất cập còn thể hiện thời hạn chấp hành hình phạt. Chẳng hạn bản án ngày
Do vậy, thời hạn bị cáo đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ 76 ngày, phần hình phạt cải tạo không giam giữ còn lại chưa chấp hành là 289 ngày, được quy đổi thành 96 ngày tù (3 tháng 6 ngày). Từ đó, tòa xử phạt bị cáo T 1 năm tù về tội trộm cắp tài sản; tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung 1 năm 3 tháng 6 ngày tù. Việc tính chính xác thời hạn chưa chấp hành bản án trước của bị cáo T có ý nghĩa quan trọng trong khi tổng hợp hình phạt. Nếu tính sai, bị cáo sẽ bị thiệt thòi. Vậy, cách tính nào nói ở trên là đúng?
Ở một vụ án khác, Nguyễn Văn H (17 tuổi) bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Tòa tuyên phạt H 15 tháng cải tạo không giam giữ. Hai tháng sau, Hải lại bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản mà H đã phạm cách đây gần một năm. Lần này, tòa cũng xử H 15 tháng cải tạo không giam giữ và tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, buộc Hải phải chấp hành hình phạt chung là 30 tháng cải tạo không giam giữ. Có ý kiến cho rằng tòa án tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với H, buộc H phải chấp hành hình phạt chung là 30 tháng cải tạo không giam giữ, là không đúng pháp luật. Bởi, theo Điều 73 BLHS: Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng tòa đã xét xử H đúng quy định của pháp luật vì cả hai lần phạm tội mỗi lần H đều bị xử phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ. Đối với người chưa thành niên phạm tội, BLHS chỉ mới có quy định tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 75), mà chưa có quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Vì thế, việc tổng hợp hình phạt đối với Hải là không sai so với quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS.
Qua nghiên cứu các quy định của Bộ Luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, cho thấy chưa có quy định nào về tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ (và cả hình phạt tiền). Điều 75 BLHS chỉ mới quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, mà cũng chỉ giới hạn ở việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn.
Có thể nói, việc áp dụng các quy định của Bộ Luật hình sự về hình phạt cải tạo không giam giữ xem ra còn nhiều vướng mắc do có nhiều cách nhận thức và vận dụng khác nhau. Nguyên nhân của vấn đề này, xét đến cùng cũng là do việc hướng dẫn áp dụng pháp luật còn chưa được kịp thời.
NGỌC THẢO