Thực tế cuộc sống hàng ngày không thể tránh khỏi những xung đột, va chạm, mâu thuẫn. Tuy nhiên, một sốngười đã không làm chủ được cảm xúc, xử lý không khéo léo dẫn đến việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, gây hậu quả khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội. Hệ lụy là người bị thương tật, thậm chí mất mạng, kẻ thì vướng vào vòng lao lý…
Một phút nóng giận
Mới đây, TAND Phú Yên mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm bị cáo S.A (SN 20/8/2004, trú huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) về tội giết người.
Theo nội dung vụ án, chiều 18/3/2022, S.A, K.T (SN 1/12/2006) và một số người tổ chức ăn nhậu tại nhà ông L (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa). Sau hơn 2 giờ ăn nhậu, một số người chếnh choáng men rượu đi tìm chỗ ngả lưng, trên bàn nhậu chỉ còn S.A và K.T. Lúc này, S.A mượn điện thoại của con ông L để lên mạng lướt facebook, K.T hỏi S.A mượn điện thoại nhưng S.A không đồng ý, nên giật điện thoại trên tay S.A khiến S.A bực tức. S.A cầm con dao trên bàn nhậu đâm K.T một nhát trúng vào ngực, phổi K.T, làm K.T bị thương tích tỉ lệ 35%.
Điều đáng nói là tại thời điểm gây án, S.A chưa đủ 18 tuổi, S.A là người Gia Rai, trình độ học vấn thấp, sinh sống ở vùng có đời sống đặc biệt khó khăn, không rành tiếng Kinh, phải có người đứng ra trợ giúp phiên dịch. Các tình tiết trong vụ án được Hội đồng xét xử TAND tỉnh cân nhắc để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo S.A. Đứng trước tòa, S.A bối rối, ngơ ngác xen lẫn sợ sệt; còn gương mặt của những người thân S.A nặng trĩu nỗi buồn.
Cũng vì một phút nóng giận mà bị cáo Trần Minh Hải (trú TP Tuy Hòa) phạm tội giết người. Hải bị TAND tỉnh tuyên phạt 14 năm tù. Theo nội dung vụ án, trong quá trình sinh sống, vợ chồng Trần Minh Hải và vợ chồng anh P.M.T trú cùng thôn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Chiều 4/6/2022, chị Q (vợ Hải) và chị N (vợ anh T) to tiếng với nhau, chị N tức giận ném chén vào cổng nhà Hải rồi cùng chồng và chị H hàng xóm kéo đến trước cổng nhà chị Q để “nói chuyện”. Khi ấy, Hải đang đi làm, chị Q gọi điện thúc giục chồng về vì lo sợ những người này xông vào nhà đánh mình. Hải chạy xe về, trên xe có móc sẵn nửa cái kéo. Thấy Hải về, chị N tiếp tục chửi bới, Hải bực tức cầm cái kéo đâm nhiều nhát vào người chị N, anh T, chị H. 3 người này được cấp cứu điều trị kịp thời, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng theo kết luận của Trung tâm Pháp y tỉnh, anh T bị thương tích 59%, chị H bị thương tích 9%, chị N bị thương tích 5%.
Điều đáng buồn là Trần Minh Hải và các nạn nhân đều quen biết nhau, ở cùng xóm. Trước khi xảy ra sự việc, giữa hai bên gia đình từng cự cãi nhau, ít ai nghĩ mâu thuẫn nhỏ sẽ bị đẩy lên cao và để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Để rồi giờ đây, người mang thương tật, tổn hại sức khỏe; người thì vướng vào vòng tù tội, bỏ lại gia đình, con nhỏ nheo nhóc.
Ngoài các sự việc kể trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn có những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ dẫn đến bạo lực, thậm chí gây án mạng. Theo nội dung cáo trạng của Viện KSND tỉnh, Lê Như Hòa (SN 1987) là công nhân Công ty Gạch Tuynel Sơn Hòa (xã Suối Bạc) làm việc cùng ca với anh N.V.P (cùng trú huyện Sơn Hòa). Do mâu thuẫn trong quá trình làm việc, chiều 4/12/2022, Lê Như Hòa dùng tay đánh 1 cái vào mặt anh P tại sàn chứa chất đốt cách nền bê tông 3,2m làm anh P ngã xuống nền bê tông bất tỉnh. Hòa và mọi người đưa anh P đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nhưng do chấn thương quá nặng, 3 ngày sau anh P tử vong.
Suốt phiên xét xử, Hòa nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào xin lỗi mẹ anh P, cầu xin bà tha thứ vì trong lúc nóng giận đã gây nên hậu quả nghiêm trọng mà bản thân cũng không lường được.
Ông Nguyễn Đình Đáng, Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, Viện KSND tỉnh, cho biết: Thời gian gần đây, tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe con người trên địa bàn Phú Yên có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vụ giết người, cố ý gây thương tích đã gây bất bình, hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xem thường pháp luật, xem thường tính mạng của người khác. Vì vậy, cần thiết phải có mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật, nhất thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
Bài học giải quyết mâu thuẫn
Phần lớn trong các vụ án giết người hay cố ý gây thương tích, các bị cáo đều sử dụng bia rượu. Có người lúc không uống rượu bia thì hành xử bình thường nhưng khi có “ma men” xúc tác lại rất hung hăng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án xuất phát từ nguyên nhân rất đơn giản như một ánh mắt khó ưa, lườm nhau, nói khích nhau… là nhiều người đã động tay động chân. Theo ông Đinh Công Danh, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh, bia rượu chỉ là một phần của câu chuyện, vấn đề cốt lõi là ở văn hóa ứng xử giữa người với người. Bởi có những vụ án, bị cáo không hề sử dụng bia rượu, nhưng khi gặp chuyện tức giận, không như ý vẫn mất kiểm soát, hành xử hết sức côn đồ.
Thực tế cho thấy, khi gặp vấn đề ức chế dẫn đến nóng giận quá mức, nhiều người sẽ có các hành vi gây tổn thương cho người khác, kể cả bản thân mình. Để giải quyết và hạn chế hành vi bạo lực, mỗi người phải có cách hành xử và lối sống đúng mực, đúng pháp luật. Chính vì thế, mỗi người cần phải tỉnh táo, biết cách làm chủ cảm xúc, kiểm soát cơn giận để không gây ra những hậu quả đáng tiếc từ những xích mích nhỏ.
Mọi chuyện đúng sai đều có pháp luật xử lý, điều chỉnh hành vi tương xứng. Khi xảy ra mâu thuẫn, mong rằng mọi người hãy cư xử có văn hóa, đừng vì cảm xúc cá nhân, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực mà để lại hậu quả khôn lường.
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Phú Yên |
NGỌC QUỲNH