Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội, giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng những thành tựu của khoa học, công nghệ, tham gia vào môi trường internet, không gian mạng; giúp Chính phủ triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó nổi lên là tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước trên không gian mạng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lộ, mất bí mật Nhà nước trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua việc lộ, mất bí mật Nhà nước trên không gian mạng xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phần tử xấu đang lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sử dụng các phần mềm, thiết bị thông minh để tấn công, thu thập, đánh cắp bí mật Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ khai thác các lỗ hổng bảo mật đến sử dụng phần mềm, virus gián điệp tấn công vào hệ thống mạng thông tin của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, trọng tâm là các trang web của các cơ quan đối ngoại, an ninh - quốc phòng, tài chính, ngân hàng… để đánh cắp, thu thập bí mật Nhà nước.
Thứ hai, hiện nay hầu hết các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có trang web riêng, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Nhưng công tác bảo đảm an ninh thông tin chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn xuất hiện nhiều lỗ hổng bảo mật. Đặc biệt là tình trạng một số cán bộ thi hành công vụ, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả sự cẩu thả, vô ý đã đăng tải, truyền đưa tài liệu, văn bản chứa đựng nội dung bí mật Nhà nước lên không gian mạng (website, cổng thông tin điện tử, hộp thư điện tử, mạng xã hội…); chuyển, nhận tài liệu bí mật Nhà nước trên không gian mạng nhưng không mã hóa theo quy định của Luật Cơ yếu.
Thứ ba, nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương chưa quán triệt, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, đặc biệt là Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018. Vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ thực thi công vụ soạn thảo, lưu giữ tài liệu bí mật Nhà nước trên máy tính có kết nối internet; sử dụng mạng internet để chuyển, nhận tài liệu chứa đựng nội dung bí mật Nhà nước.
Thứ tư, trình độ khoa học, công nghệ của nước ta còn hạn chế, việc đầu tư hệ thống, trang thiết bị bảo mật chưa tương xứng với yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhiều trường hợp cán bộ trực tiếp hoặc có liên quan công tác bảo vệ bí mật Nhà nước còn có tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác, chưa nhận thức hết hậu quả của việc lộ, mất bí mật Nhà nước, chưa nắm vững hoặc thực hiện không nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Thứ năm, vẫn còn tình trạng một số báo điện tử vì mục đích câu like, câu view đã bất chấp quy định của pháp luật, khai thác, đăng tải nhiều thông tin, tài liệu chứa nội dung bí mật Nhà nước liên quan đến an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng, tài chính tiền tệ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa được phép, hoặc không được phép công bố, những thông tin tài liệu liên quan đến vụ án đang trong giai đoạn điều tra chưa được phép công bố lên không gian mạng.
Hậu quả của việc để lộ, mất bí mật Nhà nước trên không gian mạng không những gây nguy hại đến an ninh quốc gia, phương hại đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… mà còn tác động tiêu cực đến xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. |
DUY QUANG