Hòa giải viên (HGV) là bên thứ ba được các bên tranh chấp thỏa thuận chọn làm trung gian giải quyết tranh chấp của họ trong quá trình hòa giải. Nhiệm vụ của HGV là giúp các bên tìm được tiếng nói chung. Trong quá trình hòa giải, HGV không có quyền đưa ra các quyết định bắt buộc các bên phải thực hiện. Dưới đây là tâm sự của những HGV xuất sắc vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen qua 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2014-2018.
HGV NGUYỄN THỊ THỦY (THÔN LIÊN TRÌ 2, XÃ BÌNH KIẾN, TP TUY HÒA): Dành nhiều thời gian lắng nghe đương sự
Cũng như những địa phương khác, quá trình đô thị hóa đã phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, nhà ở, môi trường, an ninh trật tự ở TP Tuy Hòa nói chung và thôn Liên Trì 2 (xã Bình Kiến) nói riêng. Từ đó, những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống thường nhật giữa bà con xóm làng với nhau xảy ra thường xuyên hơn.
Với trách nhiệm là trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải, mỗi khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tôi cùng các thành viên trong tổ dành thời gian lắng nghe phản ánh từ người dân, người thân của những gia đình có đơn thư để nắm bắt cụ thể nội dung sự việc. Từ đó họp tổ, phân tích kỹ nội dung và giao nhiệm vụ cho mỗi thành viên chuẩn bị tổ chức hòa giải.
Trong công tác hòa giải (CTHG), việc dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý, vừa đúng luật để vận động, thuyết phục hai bên đi đến đồng thuận là không dễ, nhất là trong các vụ tranh chấp về đất đai. Vì vậy, HGV phải hết sức công tâm, khách quan, vừa hiểu biết pháp luật vừa hiểu phong tục, tập quán, tình lý hài hòa.
Trong thời gian làm CTHG, tôi luôn lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ làm kim chỉ nam áp dụng vào thực tiễn; luôn tôn trọng sự tự nguyện của những người có liên quan; không áp đặt và luôn tuân thủ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với tình làng nghĩa xóm. Đồng thời luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư. Đây chính là điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
HGV CAO VĂN KHOA (THÔN PHÚ NÔNG, XÃ HÒA BÌNH 1, HUYỆN TÂY HÒA): Kiên trì, không ngại khổ, ngại khó
Trong hơn 7 năm làm CTHG, tôi đã tiếp nhận và tham gia giải quyết gần 100 vụ việc tranh chấp về dân sự, liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình. Tùy vào vụ việc cụ thể, tôi vận dụng những phong tục tập quán ở địa phương, quy ước thôn xóm không trái với pháp luật Nhà nước và những hiểu biết về pháp luật có liên quan trong quá trình hòa giải. Bằng lời lẽ nhẹ nhàng, tôi phân tích, giải thích có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh, lý tình trọn vẹn”, thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận, xóa tan tranh chấp, thống nhất vui vẻ.
Làm CTHG ở cơ sở, tôi cũng như các HGV khác gặp vô vàn khó khăn vì đây là công việc nhạy cảm, mang tính tự nguyện nên đòi hỏi người làm công tác này phải có tâm, có tinh thần tận tụy với công việc, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ và có thái độ vô tư khách quan khi tiếp nhận sự việc. Vì vậy, mỗi khi tiếp nhận vụ việc, tôi đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ, phân tích vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền, của pháp luật. Từ đó mới tiến hành hòa giải cũng như có những đề xuất cụ thể.
Về phương pháp hòa giải, tôi luôn dựa trên tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tôn trọng pháp luật và lẽ phải. Trong quá trình chuẩn bị hòa giải, tôi chủ động tìm hiểu, nắm vững sự việc cần hòa giải trên cơ sở nguyện vọng của hai hay nhiều bên mâu thuẫn để có cách tiếp cận, đưa ra hướng hòa giải phù hợp. Chẳng hạn, đối với những mâu thuẫn làng xóm thì cần phải có Ban Công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân. Đối với mâu thuẫn gia đình thì cần người lớn tuổi, có uy tín, kinh nghiệm và đại diện Hội Phụ nữ. Đối với mâu thuẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải mời thêm công an xã…
HGV NGUYỄN VŨ (THÔN TÂN LONG, XÃ XUÂN SƠN NAM, HUYỆN ĐỒNG XUÂN): Hóa giải mâu thuẫn, kết chặt tình làng nghĩa xóm
Là Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Tân Long, thời gian qua, tôi cùng các HGV trong tổ đã tiếp nhận 39 vụ việc về các lĩnh vực như: đất đai, môi trường, dân sự, hôn nhân, bạo lực gia đình... Chúng tôi đã hòa giải thành 33 vụ, đạt 85%, qua đó góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân tại khu dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng và phòng ngừa tội phạm.
Kết quả này có được là nhờ tất cả các HGV trong tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định tầm quan trọng của CTHG. Không kể bất cứ thời gian nào, dù là ngày hay đêm, khi xóm dưới, làng trên có chuyện xảy ra, HGV chúng tôi lại có mặt, kiên trì hóa giải mâu thuẫn và đưa pháp luật gần hơn với nhân dân…
Tôi nghĩ rằng, để thực hiện có hiệu quả CTHG cần phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố pháp luật với phong tục tập quán và đạo đức của người Việt Nam. Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những va chạm và mâu thuẫn, nhưng có mấy ai không đề cao những nét đẹp văn hóa truyền thống về tình làng nghĩa xóm, đạo vợ nghĩa chồng, “anh em như thể chân tay”, “chị ngã em nâng”…
Nếu HGV khéo léo, biết vận dụng cả tình và lý thì sẽ hóa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; không để mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản thành phức tạp, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
VĂN TÀI (ghi)