Thứ Tư, 27/11/2024 14:53 CH
Viết tiếp loạt bài Sông Hinh – những điểm nóng “phá sơn lâm”
Tìm giải pháp chống phá rừng và vận chuyển gỗ lậu
Thứ Ba, 30/10/2007 12:00 CH

Trên Báo Phú Yên số ra các ngày 16, 17 và 19/10 đăng loạt bài Sông Hinh - Những điểm nóng “phá sơn lâm”, phản ánh tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn huyện này gia tăng đến mức báo động. Mới đây, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn các giải pháp phòng chống phá rừng, chống lâm tặc.

 

Trên bàn chủ trì hội nghị, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học yêu cầu: “Đây là hội nghị chuyên đề, vì thế phải nêu cụ thể, rõ ràng thực trạng, nhất là những yếu kém, vướng mắc, không tránh né, không giấu diếm. Có như thế chúng ta mới tìm được các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để giải quyết những tồn tại lâu nay”. Chủ tịch UBND huyện Y Thông tiếp lời: “Tôi đề nghị các đồng chí phát biểu phải đi thẳng vào thực tế, không báo cáo thành tích”. Với lời “phi lộ” như vậy của lãnh đạo huyện, các đại biểu tham dự – gồm cán bộ chủ chốt của huyện, lực lượng kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng, lãnh đạo các địa phương – đã có những ý kiến rất thẳng thắn.

 

071030-khen.jpg

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh trao giấy khen của Sở NN - PTNT Phú Yên cho 9 cá nhân ở xã Ea Lâm có thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo vệ rừng - Ảnh: K.DUY

 

NHIỀU BẤT CẬP

 

Tại hội nghị, sau khi đánh giá việc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép ở Sông Hinh hiện đang ở mức báo động, các đại biểu đã phân tích những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Sông Hinh thời gian qua.

 

Trước hết là việc lực lượng kiểm lâm quá mỏng, còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; có nơi một cán bộ kiểm lâm phải phụ trách địa bàn hai xã. Lực lượng liên ngành các địa phương vừa thiếu, vừa yếu năng lực và trang thiết bị phục vụ cho việc chống lâm tặc. “Ở một số nơi, nhiều người tổ chức khai thác, mua bán gỗ trái phép nhưng chính quyền sở tại không dám đấu tranh ngăn chặn, không cung cấp tin vi phạm” – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sông Hinh Trần Duy Tấn nói.

 

Một tồn tại khác cũng được nhắc đến tại hội nghị, đó là nhiều địa phương giao rừng cho dân nhưng không cụ thể, dẫn đến tình trạng có nơi người dân không biết rừng của mình ở đâu; nơi khác khi giao rừng không thường xuyên giám sát, kiểm tra, khiến thay vì bảo vệ rừng thì chủ rừng lại... phá rừng làm rẫy.

 

Trong khi đó, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, liều lĩnh. Muốn nắm bắt thông tin chính xác thì phải tổ chức mạng lưới mua tin, thuê phương tiện đi lại. Thế nhưng, thời gian qua, việc trả công và khen thưởng cho những nguồn tin báo của dân vừa ít, vừa chậm. Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Nguyễn Tấn Nghĩa nói: “Từ đầu năm đến tháng 5, chúng tôi nhận được nhiều tin báo chính xác của dân và đã bắt được nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu. Thế nhưng, càng về sau càng ít đi. Tìm hiểu thì mới biết, mình trả công người ta quá khiêm tốn, lại chậm nên những quần chúng tốt cũng bị lâm tặc mua. Thay vì báo tin có lâm tặc cho cơ quan chức năng, người ta đi báo ngược lại kế hoạch của mình cho bọn chúng!”. Còn Bí thư xã Ea Ly Phạm Xuân Lai phát biểu: “Một cán bộ lâm nghiệp xã mỗi tháng được hỗ trợ chỉ 300.000 đồng, không đủ tiền xăng xe đi lại thì khó có thể đòi hỏi họ trách nhiệm cao được. Hơn thế nữa, từ đầu năm đến nay, cán bộ lâm nghiệp xã tôi chưa nhận được đồng nào từ khoản thù lao hỗ trợ này”.

 

Theo Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh Võ Trọng Bình, nhiều khi bắt được khối lượng gỗ lớn giữa rừng, lập biên bản xong rồi bỏ lại đó vì không có phương tiện và kinh phí để vận chuyển về. “Có khi chờ cấp trên duyệt xong kinh phí hoặc cho phương tiện đến thì lâm tặc đã lấy số gỗ đó đi rồi!” – ông nói.

 

Việc xóa bỏ các barie theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây thêm khó khăn trong việc kiểm soát vận chuyển gỗ lậu. Trong khi đó, muốn chặn xe kiểm tra thì phải có lực lượng liên ngành gồm nhiều cơ quan, mà theo lời Hạt trưởng Kiểm lâm Sông Hinh Trần Duy Tấn là “đâu phải lúc nào cũng tập trung đầy đủ được ngay lực lượng liên ngành này”. Nếu bắt nhầm thì phải bồi thường thiệt hại, có lẽ điều e ngại đó khiến nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép qua mặt được cơ quan chức năng.

 

PHẢI NGHIÊM KHẮC, TRƯỚC HẾT VỚI CÁN BỘ VI PHẠM

 

Rất nhiều ý kiến tại hội nghị nêu vấn đề dư luận bức xúc: Có nhiều cán bộ, kiểm lâm, đảng viên phá rừng làm rẫy, tiếp tay cho lâm tặc... Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thái Học cho biết trong cặp của ông có đến 5-6 đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến cán bộ vi phạm Luật Quản lý – Bảo vệ rừng. Hạt trưởng Kiểm lâm Trần Duy Tấn cũng nói đã có 2-3 cán bộ kiểm lâm bị chuyển công tác vì vi phạm... Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Nguyễn Tấn Nghĩa lo lắng: “Lâm tặc có sẵn tiền lớn nên chúng dùng tiền để mua cán bộ, mua người dân. Thực tế ở xã Ea Lâm cho thấy có người móc nối, ra giá hàng chục triệu đồng nếu cán bộ xã làm ngơ để xe chở gỗ lậu đi qua địa bàn. Thú thật, tôi rất sợ mất cán bộ”.            

 

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Sông Hinh, chỉ trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã có 163 vụ vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng, tăng 34 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có đến 120 vụ, chiếm 73%, là vận chuyển, mua bán, cất giấu gỗ trái phép.  

Đáng chú ý hơn cả là tổng thu từ phạt hành chính và bán đấu giá tang vật vi phạm lên đến hơn 1 tỉ đồng, chiếm 1/6 tổng thu ngân sách toàn huyện Sông Hinh trong 9 tháng qua! “Thu ngân sách của huyện đã vượt chỉ tiêu cả năm đến 114%, trong đó có sự “đóng góp” rất lớn của nguồn thu từ... gỗ lậu. Thú thật, chúng tôi không lấy gì làm vui với nguồn thu cao này” – Chủ tịch UBND huyện Y Thông phát biểu ngay tại hội nghị.        

Trước những bức xúc như vậy, ông Nguyễn Thái Học chỉ đạo: “Các bí thư đảng ủy và chủ tịch xã, lãnh đạo cơ quan ban ngành phải rà soát lại xem cán bộ, đảng viên của mình có vi phạm không? Dân phản ánh có đúng không? Tôi nói thẳng: Lãnh đạo xã, lãnh đạo cơ quan phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu có tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn, cán bộ thuộc quyền vi phạm Luật Quản lý – Bảo vệ rừng!”. Đồng thời, ông cũng yêu cầu Công an huyện, Hạt Kiểm lâm và các cơ quan hữu quan cần phải phối hợp tốt hơn nữa, tăng cường kiểm tra và nếu phát hiện sai phạm phải xử lý thật nghiêm.

 

Nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập các trạm kiểm soát lâm sản ở cửa rừng; phải nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng thông qua công tác vận động, tuyên truyền người dân; tạo điều kiện để người dân gắn bó, làm giàu từ rừng; tăng cường lực lượng kiểm lâm chuyên trách, bán chuyên trách; lập đường dây nóng phát giác phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, cán bộ vi phạm lâm luật. Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt chế độ, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng... Chủ tịch UBND huyện Y Thông nhấn mạnh: “Nếu thiếu kinh phí trong việc mua tin, tổ chức truy bắt lâm tặc thì UBND huyện sẵn sàng cân đối ngân sách để thực hiện vấn đề này”.

 

Riêng việc giải quyết vấn đề phức tạp trong chống vận chuyển gỗ trái phép ở khu vực lòng hồ Thủy điện Sông Hinh, trung tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Đơn vị sẽ đưa vào khu vực này một xuồng nhôm có gắn máy công suất lớn để phối hợp với lực lượng của xã Sông Hinh truy đuổi lâm tặc trên lòng hồ.

           

QUỐC KHƯƠNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek