Họ đã từng là vợ chồng đầu ấp tay gối, có với nhau hai đứa con. Rồi hôn nhân đổ vỡ, “đường ai nấy đi”, người mẹ trẻ phải một mình tảo tần nuôi con khôn lớn. Thế nhưng, khi con đã trưởng thành, người cha lại nhẫn tâm khởi kiện ra tòa chối bỏ con mình.
CHỐI BỎ CON
TAND huyện Tuy An vừa xét xử sơ thẩm vụ án yêu cầu xác định con giữa nguyên đơn là ông N.H.T (trú TP Tuy Hòa) với chị N.T.H.N và anh N.H.S (trú xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân); phiên xử có rất ít người dự khán. Bà V.T.N - vợ của ông T - ra tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan dù giữa hai người từng có thời gian dài yêu thương nhau. Khi bà N mang thai rồi sinh chị N, anh S, ông T vẫn tới lui chăm sóc, đăng ký kết hôn, sau đó ly hôn để đến với người phụ nữ khác. Tưởng như vậy sẽ ổn cho hai người, nào ngờ mới đây, ông T chối bỏ tất cả và còn đâm đơn ra tòa yêu cầu xác định chị N không phải là con mình.
Phiên tòa diễn ra theo đúng thẩm quyền thụ lý của tòa án. Trong phần xét hỏi, theo trình bày của nguyên đơn là ông N.H.T thì giữa ông và bà N có quan hệ vợ chồng, sống chung từ năm 1981 nhưng không tự nguyện đến với nhau mà do sự sắp đặt của bà N. Trước khi chung sống với ông, bà N đã có thai với người khác, nhưng đổ lỗi cho ông, rồi ép ông cưới bà. Ông T không chấp nhận, nhưng bị đơn vị tước quân tịch rồi về địa phương. Sau này, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên họ quyết định ly hôn. TAND Phú Yên chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông T; đồng thời giao hai người con chung là chị N và anh S cho bà N trực tiếp nuôi dưỡng, ông T có trách nhiệm góp tiền nuôi hai con chung mỗi tháng 40.000 đồng cho đến khi các cháu trưởng thành. Đến năm 2010, chị N đi lấy chồng. Khi tổ chức đám cưới, mặc dù chưa được sự đồng ý của ông, nhưng chị N tự ý ghi tên ông vào thiệp mời cưới. Nay ông xác định chị N và anh S không phải là con đẻ của mình. Đồng thời, ông yêu cầu tòa giải quyết và xác định tính huyết thống về cha con giữa họ.
Trong khi đó, bị đơn là chị N và anh S khẳng định rằng họ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa mẹ chị và ông T. Tuy nhiên, giữa chị và anh S có tính huyết thống cha con với ông T hay không thì họ không biết, việc này chỉ có mẹ họ là biết rõ. Bên cạnh đó, từ nhỏ, chị em chị coi bà N và ông T là cha mẹ ruột của mình. “Vì ông T đã thực hiện chức trách của một người cha, khi chúng tôi sinh ra, ông là người trực tiếp đi đăng ký khai sinh. Đến khi ly hôn, ông T vẫn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo phán quyết của tòa. Nay ông cho rằng chúng tôi không phải là con đẻ của ông là không có căn cứ. Chúng tôi không chấp nhận và yêu cầu tòa công nhận chúng tôi là con đẻ của ông T và bà N”, chị N giãi bày với hội đồng xét xử.
Là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc, bà N cho rằng: “Giữa tôi và ông T có mối quan hệ hôn nhân và được UBND xã Xuân Phước cấp giấy chứng nhận kết hôn vào năm 1981. Sau đó, trong thời gian sống chung, tôi với ông T có tổng cộng 5 người con nhưng không may đã mất hết ba, chỉ còn lại N và S. Tôi xác định N và S là con đẻ giữa tôi và ông T và được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân. Việc tôi và ông T ly hôn vào năm 1993 là do ông ngoại tình, chứ không phải do nghi ngờ về tính huyết thống giữa ông và các con”.
TÒA BÁC ĐƠN KHỞI KIỆN
Theo thẩm phán Nguyễn Vĩnh Bình, chủ tọa phiên xử, căn cứ vào trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan, cũng như qua chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, hội đồng xét xử nhận định: “Theo Bản án 1/HNGĐ-PT ngày 22/5/1993 của TAND Phú Yên thì ông T và bà N quen biết nhau từ tháng 5/1981. Đến tháng 7/1981, họ đã đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, do cuộc sống hôn nhân đổ vỡ nên họ ly hôn. Khi ly hôn, họ có hai con chung là chị N, anh S. Cấp phúc thẩm đã giao hai con chung cho bà N được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, ông T phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi các cháu trưởng thành”.
Thẩm phán Bình cũng phản bác lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn khi mẹ con bà N cung cấp hai bản giấy khai sinh của chị N và anh S do UBND xã Xuân Phước phát hành. Tại hai giấy khai sinh này, ở mục người trực tiếp đăng ký khai sinh đều do ông T thực hiện. Ngoài ra theo Bản án 1/HNGĐ-PT ngày 22/5/1993 của TAND Phú Yên, ông T không hề có sự tranh chấp về tính huyết thống của các con, đồng thời yêu cầu được trực tiếp nuôi con.
Song song đó, theo thẩm phán Bình, trong quá trình giải quyết vụ án, thấy nguyên đơn khăng khăng một mực không thừa nhận con, ông đã khuyên ông T nên đồng ý làm giám định ADN. Nếu đứa trẻ không phải con, ông được thanh thản. Nếu quả thật ông là cha đứa bé thì không nên để con suốt đời mang tiếng không cha. Ông T đã đến Trung tâm Giám định pháp y lấy mẫu giám định ADN để xác định tính huyết thống. Kết luận giám định 99/C54C của Viện Khoa học hình sự - Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng cho thấy ông T chính là cha đẻ của chị N và anh S với xác suất 99,9%. Ngoài ra, bản giám định cũng kết luận chị N và anh S là con đẻ của bà N.
Từ những chứng cứ này, hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác đơn của ông T về việc yêu cầu không công nhận chị N và anh S là con của ông; đồng thời công nhận chị N và anh S là con của ông T và bà N.
Có thể nói rằng, việc xác nhận con chung có tính huyết thống là sự ràng buộc trách nhiệm và bổn phận của người cha đối với con từ việc cấp dưỡng lúc còn nhỏ cho đến lo hạnh phúc sau này. Mặc dù giấy khai sinh của con ghi rõ tên người cha, kết quả giám định ADN chính xác đến như vậy nhưng khi người cha phủ nhận là mất hết tất cả. Vì dù có được nhận cha hay không thì giữa họ đều bị tổn thương nặng nề, nhất là trong lòng mỗi người không còn chỗ cho sự tôn trọng, khoan dung, mà thay vào đó là sự trách móc, xem thường lẫn nhau. Và phía sau bản án này, chị N, anh S cũng chỉ “thêm danh mà không có phận”.
Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. |
VĂN TÀI