Những năm gần đây, trên địa bàn TP Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung thường xuyên xảy ra các vụ vỡ huê hụi với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, khiến hàng loạt gia đình lâm vào cảnh lao đao. Dù vậy, không ít người vẫn rủ nhau tham gia, đến khi bị chiếm đoạt hết tiền mới tìm đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Vụ vỡ huê hụi do bị cáo Lê Thị Thu Thanh (SN 1969, trú phường 3, TP Tuy Hòa) cầm đầu là bài học cảnh tỉnh cho những ai “ghiền” tham gia đường dây này.
CHIẾM ĐOẠT TIỀN BẰNG CÁCH CHƠI HUÊ
Theo hồ sơ vụ án, trong năm 2011, vợ chồng Lê Thị Thu Thanh lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải - Du lịch Thanh Bình (có trụ sở ở phường 3) và liên tục mua 7 xe ô tô du lịch để kinh doanh. Song song đó, Thanh còn làm chủ huê hưởng hoa hồng và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ huê nên được người tham gia chơi tin tưởng.
Từ cuối năm 2012 đến tháng 11/2013, Thanh liên tục mở nhiều dây huê và lợi dụng việc vừa làm chủ huê, vừa là người tham gia nhưng không thực hiện đúng quy định về huê. Đồng thời, Thanh dựng tên người tham gia không có thật để lập khống phần chân huê trong 37 dây huê đủ các kỳ hạn như: huê tháng, huê nửa tháng, huê 10 ngày, huê ngày…
Bên cạnh đó, khi lập dây huê, Thanh chỉ cho các thành viên trong đường dây huê biết phần huê chứ không cho người chơi biết họ tên, địa chỉ các thành viên tham gia chơi huê. Đến khi xổ huê, Thanh sử dụng họ tên những người dựng khống để viết phiếu trả lãi cao nhằm thu hút các thành viên chơi huê để chiếm đoạt tiền của họ. Đến tháng 11/2013, Thanh tuyên bố xả huê, nhưng không thực hiện trách nhiệm của chủ huê và trách nhiệm của những người đã tham gia, rồi chiếm đoạt của 21 người tham gia chơi trong 37 dây huê với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng.
Sau đó, biết Thanh mất khả năng thanh toán, cũng như không thể lấy lại số tiền đã mất, các nạn nhân đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thanh. Ngày 15/3/2015, Thanh bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Đến ngày 27/8/2015, Viện KSND tỉnh Phú Yên ra cáo trạng truy tố bị cáo Lê Thị Thu Thanh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
LẬP KHỐNG NGƯỜI CHƠI HUÊ ĐỂ LẤY TIỀN
Lật lại hồ sơ vụ án mới thấy, cách thức mà Lê Thị Thu Thanh huy động vốn rất tinh vi. Đối với huê ngày, Thanh lập đường dây huê kỳ hạn 1 ngày 1 triệu đồng với 20 người tham gia 39 phần huê, nhưng thực tế chỉ có 13 người tham gia 26 phần. Trong đó, Thanh tham gia ba phần, còn lại là của người chơi. Song song đó, dây huê này Thanh tham gia ba phần nhưng viết khống tên người tham gia trả lãi cao hốt 5 lần, đồng thời dựng tên khống lập 13 phần huê khống, rồi sử dụng tên người đã dựng khống để viết phiếu trả lãi cao, khiến những người tham gia dây huê tin tưởng.
Điển hình về hình thức chơi huê ngày này là ngày 24/8/2013, Thanh lập dây huê 1 triệu đồng có 19 người tham gia 39 phần huê. Trong khi đó, thực tế chỉ có 15 người tham gia 31 phần huê, trong đó, Thanh tham gia ba phần. Nhưng Thanh viết phiếu khống tên người tham gia lãi cao hốt bảy lần, như vậy Thanh hốt nhiều hơn số phần Thanh tham gia ba lần. Đồng thời, Thanh dựng tên giả lập tám phần huê khống, rồi sử dụng tên người dựng khống viết phiếu trả lãi cao để hốt 19 lần. Tổng cộng Thanh đã hốt nhiều hơn 23 lần so với số phần tham gia. Khi xổ huê, những người tham gia dây huê tin tưởng tên người do Thanh viết vào phiếu trả lãi, hô trúng huê là thật nên nộp tiền cho Thanh 23 lần để chung huê. Cụ thể, bà Phan Thị Hoa (trú 50 Nguyễn Công Trứ, phường 3, TP Tuy Hòa) nộp hơn 21 triệu đồng, bà Trần Thị Cẩm Cầu (trú 46 Nguyễn Công Trứ, phường 3, TP Tuy Hòa) nộp hơn 42,5 triệu đồng và bà Nguyễn Thị Kim Chi (trú khu phố Nguyễn Trung Trực, phường 8, TP Tuy Hòa) nộp hơn 85 triệu đồng. Sau đó, Thanh hốt và chiếm đoạt của những người này số tiền hơn 149 triệu đồng.
Tương tự hình thức huê ngày, ngày 30/2/2013, Thanh lập dây huê kỳ hạn 10 ngày 1 triệu đồng có 17 người tham gia 27 phần huê. Nhưng thực tế chỉ có 15 người tham gia 23 phần huê, trong đó, Thanh tham gia hai phần. Song song đó, Thanh dựng khống tên người tham gia trả lãi cao, rồi sử dụng tên người đã dựng khống để viết phiếu trả lãi cao, khiến những người tham gia dây huê tin tưởng để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
Đối với huê tháng và huê nửa tháng, cũng bằng hình thức vừa làm chủ huê, vừa là người tham gia, Thanh dựng tên khống để viết phiếu trả lãi cao khiến người chơi tin tưởng đến khi xổ huê. Thanh sử dụng họ tên những người dựng khống để viết phiếu trả lãi cao nhằm thu hút các thành viên chơi huê và chiếm đoạt tiền của họ.
KẺ LỪA ĐẢO LÃNH ÁN VÀ HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH
Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên đã đưa vụ án Lê Thị Thu Thanh ra xét xử sơ thẩm. Xét tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, hội đồng xét xử sơ thẩm thấy rằng, bị cáo Thanh là người có đầy đủ năng lực nhận thức và năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo biết rõ hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng, vì lợi ích cá nhân, thái độ xem thường pháp luật, bị cáo đã lợi dụng việc chơi huê và làm cái huê để chiếm đoạt tiền của những người tham gia chơi huê. Khi sự việc bị phát hiện, bị cáo liền xóa, sửa sổ huê nhằm che dấu thủ đoạn gian dối trong việc chơi huê của mình. Hành vi của bị cáo không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của những người bị hại, mà còn gây mất trật tự, an ninh xã hội ở địa phương.
Kết thúc phiên xử, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền cho các bị hại.
Theo chủ tọa phiên xử, thẩm phán Võ Nguyên Tùng (TAND tỉnh), vụ án là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người. Bởi khi “vỡ” huê hụi thường có kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ khiến nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, cuộc sống gia đình trở nên khốn khó, mà còn ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự và kinh tế - xã hội.
Từ lâu, chơi huê hụi được người dân tổ chức như là một hình thức đoàn kết tương trợ. Nhưng hiện nó đang bị biến tướng, lợi dụng như một hình thức huy động tín dụng đen. Trong đó, đã có không ít vụ chủ huê hụi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân cần phải cảnh tỉnh với hình thức chơi huê hụi hiện nay, đừng để đến khi tiền mất thì sự việc đã rồi. Vì huê hụi bị vỡ không chỉ gây đổ vỡ hạnh phúc cho nhiều gia đình, mà còn gây phức tạp cho xã hội…
Giao dịch huê hụi, vay, mượn... là quan hệ dân sự. Nhưng từ quan hệ ấy, nếu bên nhận tiền đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền từ 4 triệu đồng trở lên thì hành vi chiếm đoạt ấy cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm này được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Nhưng cũng từ giao dịch huê hụi, nếu ngay từ đầu, người lập dây huê (cái huê) đã gian dối trong việc lập danh sách người chơi huê (ví dụ: danh sách có 10 người nhưng thực chất chỉ có 5 người) nhằm làm cho người khác tin mà đóng huê, rồi chiếm đoạt số tiền huê ấy thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm này được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Luật sư NGUYỄN HƯƠNG QUÊ Văn phòng luật sư Phúc Luật |
VĂN TÀI