Trong những năm chống thực dân Pháp, Phú Yên là vùng tự do, là nơi nghĩa tình sâu đậm của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 365 cũng như cả Trung đoàn 803 anh hùng. Cứ sau chiến dịch, anh em lại về nghỉ ngơi như gia đình thứ hai. Nhưng đến ngày 20/1/1954, Pháp mở chiến dịch Át-lăng, đưa quân vào các tỉnh Bình - Phú và Tây Nguyên với 22 tiểu đoàn, 4 binh đoàn. Trong đó có những đơn vị tinh nhuệ như binh đoàn 10, binh đoàn 41-42 và 100, cộng với 2 tiểu đoàn dù ngụy.
![]() |
Vùng đất này năm 1954 đã diễn ra trận thắng lẫy lừng của quân ta khi chặn đánh lực lượng của quân Pháp thực hiện Chiến dịch Át-Lăng - Ảnh: L.KHA
|
HẠ ĐỒN ĐẮC ĐOA
Theo lệnh trên, để “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 365 và Trung đoàn 803 tập trung diệt ổ địch ở Cà Hê, Bù Bốp, sau đó cùng với Trung đoàn 108 đánh giải phóng Mang Đen, Cam Rây, U Bat, giải phóng hoàn toàn thị xã Kontum. Lúc này, ở đường 14 và 19 - trục lộ giao thông Bình Định lên, Đắk Lắk ra sát Pleiku, địch xây dựng đồn Đắc Đoa gồm 2 đại đội Âu - Phi chiếm giữ, có sự chi viện của pháo 105. Trung đoàn 803 lệnh cho Tiểu đoàn 365, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn phó Hà Vi Tùng, Tiểu đoàn trưởng Phạm Đình Dư và Chính trị viên Cao Thượng Lương, phải diệt gọn đồn Đắc Đoa trong đêm 16.
Tiểu đoàn phân công Đại đội 211 làm chủ công là hướng đột phá chính, trực tiếp chỉ huy là Đại đội trưởng Lê Công Khai, Chính trị viên Lê Quang Sán; Đại đội 212 mở đợt phá cánh phụ, Đại đội 213 làm dự bị và 214 có nhiệm vụ tập trung pháo kích vào đền. Đúng 1g30, chúng ta phát hỏa. Sau 3 giờ rưỡi chiến đấu quyết liệt, đến 4g30, ta làm chủ hoàn toàn đồn Đắc Đoa kiên cố, hai đại đội Âu - Phi bị xóa sổ, ta bắt sống 150 tên, thu 3 trọng liên 12,7; 2 cối 81; 10 trung liên; 33 tiểu liên và cadin; 3 súng ngắn; 3 vô tuyến điện; 20 tấn đạn dược các loại. Sau trận này Tiểu đoàn được Bác Hồ gửi thư khen và tặng Huân chương Quân công hạng nhất, Đại đội trưởng Lê Công Khai được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
ĐÁNH TAN TÁC ĐỒN PLERING
Sau chiến thắng Đắc Đoa, Trung đoàn 803 hành quân cấp tốc vượt núi băng rừng về đánh địch ở tây Phú Yên. Trên đoạn đường dài vừa đi vừa đánh địch, đến ngày 20/3/1954, cả trung đoàn vào đầu đường số 7 tiếp với đường 14 xuống thị xã Tuy Hòa. Khi trung đoàn đến gần sông Đăkcơdưng, gặp đồn Plering do quân ngụy chiếm giữ. Tại đây, chúng tăng cường một đại đội Âu - Phi nằm ngoài, có nhiệm vụ canh giữ khống chế đường số 7. Chúng tôi nhận được điện của trên cho biết, đồn Plering lúc bấy giờ còn có lực lượng mạnh của binh đoàn cơ động 100 mà địch vừa mới tăng cường chiều 20/3.
Lúc này đã 1g sáng ngày 21/3/1954. Trung đoàn trưởng Phan Hàm triệu tập gấp cuộc họp Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn, nhưng đồng chí Chính ủy đi họp vắng, nên chỉ còn đồng chí Nguyễn Nam Khánh là Trưởng ban chính trị. Hai đồng chí hội ý chớp nhoáng và đi đến thống nhất là phải đánh và quyết thắng. Quyết tâm đó được báo cáo về Quân khu và được chấp nhận.
Đúng 2g30 sáng 21/3/1954, các đơn vị 39, 59 và trợ chiến trung đoàn báo cáo xong phương án. Trung đoàn trưởng kiểm tra lần cuối cùng và ra lệnh phát hỏa. Trên chục khẩu cối của trung đoàn đua nhau nhả đạn tới tấp và rất chính xác vào đồn giặc. Trung liên đầu bạc của ta bắn như mưa, quân của binh đoàn 100 và đại đội Âu - Phi của giặc nằm ngoài công sự bị hỗn loạn; hỏa lực trong đồn của chúng bị dập tắt ngay từ đầu nên chúng không bắn trả lại được. Tiếng kèn vang lên thúc giục bộ đội ta nhất tề xung phong mãnh liệt. Bộ đội ta tấn công vào đồn, thấy giặc chết chồng chất như rạ, các nhà bạt dã chiến, xe pháo ngổn ngang, số địch còn sống sót vất vũ khí chạy vào rừng thoát thân. Khoảng 4g sáng, ta làm chủ trận địa hoàn toàn. Kết quả, địch công nhận chúng bị chết 936 tên, 20 xe bị phá hủy, 200 xe cơ giới và pháo binh bị hư hỏng nặng...
Chiến thắng Plering đã đập tan mưu đồ mở cuộc hành quân lớn xuống đường số 7 uy hiếp đập Đồng
CHIẾN THẮNG SUỐI CỐI LẪY LỪNG
Sau chiến thắng Đắc Đoa, Tiểu đoàn 365 được Trung đoàn 830 cho tách khỏi đội hình trung đoàn để vượt sông Con về lại Phú Yên. Anh em tiểu đoàn rất mừng vì đã bao nhiêu ngày xa cách để lên Tây Nguyên bị đói cơm lạt muối. Khi chúng tôi về đến Kỳ Lộ, Đồng Xuân, được bà con đón tiếp như mẹ đón những đứa con đi xa lâu ngày trở về. Tiểu đoàn 365 được Trung đoàn phó Hà Vi Tùng trực tiếp chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng là Phan Đình Dư và Chính trị viên là Cao Thượng Lương.
Tối ngày 20, sáng ngày 21/3/1954, toàn tiểu đoàn gồm 4 đại đội đã đến xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân và trú quân trong một khu rừng cạnh Hòn Ông. Tiểu đoàn đang cử người đi liên lạc với tỉnh để nắm tình hình, các đại đội đang nấu chè, Chính trị viên Cao Thượng Lương chuẩn bị nội dung động viên anh em, thì trinh sát tiểu đoàn phát hiện một đơn vị địch vừa rời khỏi vị trí trú quân qua đêm ở khu đất cao cách khoảng 3km. Chúng đang hướng về nơi Tiểu đoàn 365 trú quân. Cuộc hành quân này do tiểu đoàn ngự lâm quân số 2, còn gọi là “Con hổ xám” chuyên bảo vệ dinh Bảo Đại từ Đà Lạt mới ra, là một đơn vị thiện chiến, để phối hợp với một cánh quân có pháo binh tại La Hai, Phú Giang nhằm càn quét và tiến về căn cứ địa Phú Yên.
Đồng chí Hà Vi Tùng hội ý chớp nhoáng với Chính trị viên Cao Thượng Lương và lệnh cho đơn vị chuẩn bị đánh địch theo phương án đã vạch. Trung đoàn phó Hà Vi Tùng lệnh cho Đại đội 211 chặn đầu ở tây Hòn Ông, Đại đội 212 đánh lướt sườn từ chân núi phía nam ra đường mòn cạnh dòng suối có địch đang hành quân từ đông lên; chỉ huy Hà Vi Tùng, Tiểu đoàn trưởng Phạm Đình Dư sẽ trực tiếp ở 212 do đồng chí Phan Văn Nhạ làm chỉ huy đại đội; Đại đội 213 khóa dưới ở hướng đông.
Khoảng 13g cùng ngày, tốp đầu của địch rơi vào trận địa phục kích của ta. Đại đội 211 chặn đầu nổ súng đồng loạt. Trung liên, đại liên của ta nổ như mưa vào bọn đi đầu của địch, khiến chúng bị động lúng túng, nhiều tên chết và bị thương. Đại đội 212 nhanh chóng vận động xung phong lướt sườn dưới sự yểm trợ của Đại đội trợ chiến 214, kèn xung phong của Lê Hớn Thời vang giục giã. Đại đội 213 nổ súng khóa đuôi nên tiểu đội ngự lâm quân ngụy nằm trong tầm bắn.
Suốt 4 giờ liền ta quần địch trên một đoạn suối. Tiểu đoàn 2 ngự lâm quân của địch la hét, bỏ chạy tán loạn. Tên Tiểu đoàn trưởng Qui bị thương, hướng thẳng vào rừng trốn; tên trung úy đại đội trưởng Trần Văn Chánh cố xua quân chống cự thì bị dính đạn ta, chết tại chỗ; bọn sống sót kéo cờ trắng đầu hàng.
Đúng 18g ngày 21/3/1954, ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Tiểu đoàn ngự lâm quân số 2 kiêu căng hung hãn của địch bị xóa sổ hoàn toàn. 123 tên chết, 90 tên bị bắt sống, nhiều tên bị thương vứt súng đạn chạy vào rừng tẩu thoát; ta thu 300 súng các loại, 8 máy vô tuyến điện và nhiều quân trang quân dụng khác.
Chiến thắng Suối Cối có tiếng vang lớn. Bọn địch cho rằng “anh Hai” đã về Phú Yên, nên quân – thầy các cứ điểm Sông Cầu, Chí Thạnh lung lay, bỏ chạy.
Tư lệnh Liên khu 5 tuyên dương Tiểu đoàn 365, nhân dân Phú Yên phấn khởi. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Phú Yên trực tiếp đến khen ngợi, biểu dương và tặng quà khuyến khích. Chiến thắng lẫy lừng này đã đi vào ca dao:
Ai qua Suối Cối mà xem
Xác giặc chồng chất như nêm đầy đồng
Ai qua Suối Cối đã từng
Phú Yên anh dũng diệt phường xâm lăng
Sau chiến thắng Suối Cối, cán bộ chiến sĩ lại tiếp tục hành quân vào nam Tuy Hòa, một chiến trường được chuẩn bị sẵn...
TRẦN THÀNH CHÍNH
(Chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở Đại đội 212, Tiểu đoàn 365)