Địa đạo Gò Thì Thùng  - vùng đất thép của nhân dân Phú Yên thời chống Mỹ

Địa đạo Gò Thì Thùng - vùng đất thép của nhân dân Phú Yên thời chống Mỹ

Tại Gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, quân và dân ta ở đây đã biết dựa vào địa hình thế đất xây dựng công trình địa đạo với một trận địa liên hoàn bao gồm hầm chông, cọc nhọn, giao thông hào… lập nên chiến công xuất sắc góp phần bẻ gãy kế hoạch “Năm mũi tên” trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966 đánh vào đồng bằng Khu V của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ xâm lược, nhân dân ta đã sáng tạo nhiều hình thức đánh giặc độc đáo, khiến cho chúng dù dựa vào quân đông, vũ khí hiện đại nhưng cuối cùng phải chuốc lấy thất bại cuốn cờ rút quân về nước. Từ lâu chúng ta được biết địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) là những địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ. Ở đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta được phát huy cao độ và nơi kẻ thù phải kinh ngạc trước một thế trận kỳ lạ mà chúng chưa hề được “tập dượt” ở một lớp huấn luyện nào trong cuộc chiến tranh hiện đại. Tại Gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, quân và dân ta ở đây đã biết dựa vào địa hình thế đất xây dựng công trình địa đạo với một trận địa liên hoàn bao gồm hầm chông, cọc nhọn, giao thông hào… lập nên chiến công xuất sắc góp phần bẻ gãy kế hoạch “Năm mũi tên” trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966 đánh vào đồng bằng Khu V của đế quốc Mỹ.

dai-dao3.gif

Lối vào địa đạo Gò Thì Thùng - Ảnh: D.T.XUÂN

Năm 1964, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ bị phá sản, Tổng thống Giônxơn quyết định triển khai quân viễn chinh Mỹ ồ ạt cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, tiến hành thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Lính Mỹ có mặt ở miền Nam vào cuối năm 1964 là 26.000 người, đến cuối năm 1965 lên tới 180.000 người và 20.000 lính các nước chư hầu (1) cùng với lực lượng không quân và hải quân hùng hậu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẵn sàng tham chiến. Trước tình hình đó Trung ương Đảng nhận định: “Mặc dù đế quốc Mỹ đưa hàng chục vạn quân viễn chinh vào miền Nam , lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi” (2) và chỉ đạo cách mạng miền Nam “phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công địch” (3).

Phú Yên là tỉnh có phong trào Đồng Khởi nổ ra tương đối sớm ở Khu V (12/1960). Đến cuối 1964 hầu hết các huyện, xã trong tỉnh đã được giải phóng, chính quyền ngụy chỉ còn chiếm giữ vùng ven biển, ra sức củng cố đồn bốt bảo vệ các chi, khu quân sự đối phó các cuộc tiến công của quân giải phóng. Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ liên tiếp đổ quân viễn chinh và chư hầu xuống chiến trường Phú Yên: 5 tiểu đoàn Mỹ, 7 tiểu đoàn Nam Triều Tiên, 1 tiểu đoàn lính công binh Úc và ra sức xây dựng căn cứ quân sự Đông Tác – Vũng Rô (4) với âm mưu chiếm lại vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta, dồn dân lập ấp, củng cố chính quyền tay sai đang rệu rã.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 12 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo các địa phương và lực lượng vũ trang tỉnh chuẩn bị sẵn sàng chủ động đánh địch, làm thất bại các cuộc càn quét của chúng, giữ vững vùng giải phóng. Vấn đề cấp bách đặt ra lúc này là bảo vệ căn cứ địa cách mạng vùng miền Tây của tỉnh, bằng mọi cách phải bám trụ, bám dân, xây dựng trận địa đánh giặc, chuẩn bị đối phó với âm mưu và kế hoạch mới của địch.

Ngày 24/4/1964 tại nhà đồng chí Lê Chí vùng 2 xã An Xuân, huyện Tuy An, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức cuôïc họp bàn những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển lực lượng cách mạng trong tình hình mới. Tham dự có đồng chí Đỗ Hòa Thái, Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Là, Bí thư Huyện ủy Tuy An. Cuộc họp đã quyết định tiến hành đào địa đạo tại Gò Thì Thùng thuộc địa phận xã An Xuân, huyện Tuy An. Đây là vùng đất có bình độ cao, chất đất rắn, địa hình thuận lợi giáp vùng căn cứ cách mạng phía Tây của tỉnh. Tại cuộc họp, đồng chí Huỳnh Là đã xác định mục đích và quyết tâm trong việc đào địa đạo: “Âm mưu chiến tranh của địch không còn ở trạng thái như trước, hiện nay chúng nâng chiến tranh lên mức độ qui mô và ác liệt hơn để đánh ta nhiều mặt. Bọn chúng kết hợp nhiều loại quân: Không quân, Lục quân, Hải quân với vũ khí hiện đại, áp dụng chiến thuật binh 3, pháp 7. Ngoài ra chúng được Mỹ trang bị binh khí kỹ thuật mới nhất. Ta áp dụng chiến thuật dùng yếu đánh mạnh, đấu tranh lâu dài, thế mạnh của ta là nhân dân, du kích chiến, áp dụng vũ khí thô sơ để đánh thắng chiến tranh hiện đại. Vì vậy phải tạo một địa hình và thế trận kiên cố để đánh địch. Việc đào địa đạo là việc làm rất cần thiết và là chủ trương lớn của Đảng. Cần phải huy động sức dân các xã chủ yếu là xã An Xuân để đào địa đạo” (5). Như vậy, chủ trương đào địa đạo là chủ trương lớn của tỉnh Phú Yên để đối phó với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ trên vùng đất Khu V lúc này.

dia-dao-2.gif

Bên trong địa đạo Gò Thì Thùng - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Gò Thì Thùng thuộc vùng 2, xã An Xuân nằm cạnh ranh giới 3 huyện: Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, có độ cao 400m so với mực nước biển; chiều dài trải theo hướng bắc – nam gần 5km, chiều rộng theo hướng đông – tây là 4km. Vùng này tiếp nối căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên về phía nam ở các xã Sơn Long, Sơn Định huyện Sơn Hòa. Từ nơi này có thể phóng tầm nhìn ra phía bắc các điểm địch đang đóng quân: La Hai – Đồng Xuân, thị trấn Sông Cầu, thị trấn Chí Thạnh hoặc phía nam có thể quan sát đến Tỉnh lỵ Tuy Hòa. Đây là vị trí quân sự có tầm chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ đi vào vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Yên.

Sau khi có Nghị quyết Tỉnh ủy về xây dựng địa đạo Gò Thì Thùng, Tỉnh đội Phú Yên phối hợp Huyện đội Tuy An bắt tay vào việc tổ chức, huy động lực lượng khởi công. Ban chỉ huy xây dựng địa đạo được thành lập gồm:

- Đồng chí Đỗ Tấn Cảnh, Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ huy, chịu trách nhiệm đôn đốc công việc hàng ngày.

- Đồng chí Trần Bình, Đại đội trưởng đại đội 220 (lực lượng vũ trang tỉnh) phụ trách khâu kỹ thuật.

- Ủy ban mặt trận giải phóng xã An Xuân và đoàn thể các thôn được phân công phụ trách từng mảng:

+ Đồng chí Võ Minh, Bí thư chi bộ xã An Xuân làm trưởng ban thực hiện đào địa đạo.

+ Đồng chí Lê Mai, Phó bí thư chi bộ xã An Xuân làm phó ban.

+ Đồng chí Võ Đình Hà, xã đội trưởng làm thư ký theo dõi tiến độ thực hiện.

+ Đồng chí Phạm Dũng, trưởng ban an ninh xã chịu trách nhiệm an ninh.

+ Đồng chí Nguyễn Mỹ Hiệu, Bí thư nông hội xã chịu trách nhiệm huy động các đoàn thể tham gia.

+ Đồng chí Võ Đức Dương, Bí thư đoàn thanh niên chịu trách nhiệm huy động lực lượng thanh niên tham gia.

+ Đồng chí Lê Thị Nhương, cán bộ phụ nữ xã có nhiệm vụ phối hợp lực lượng phụ nữ với các đoàn thể khác, tổ chức học tập việc phòng gian bảo mật, ngụy trang công trình trong thời kỳ xây dựng.

+ Thôn trưởng 7 vùng trong xã được cử làm thành viên Ban tổ chức khu địa đạo gồm: Phan Xầy (vùng 1), Mai Văn Muôn (vùng 2), Nguyễn Lữ (vùng 3), Bùi Hải (vùng 4), Nguyễn Huệ (vùng 5), Phạm Văn Tương (vùng 6), Trần Ngọc Minh (vùng 7).

Các tầng lớp nhân dân xã An Xuân được tổ chức học tập, phổ biến tầm quan trọng công tác đào địa đạo nhằm mục đích bảo vệ căn cứ địa cách mạng, sẵn sàng đánh địch bảo vệ làng xóm, quê hương. Vì thế ai cũng hăn hái tham gia, góp công góp sức vào công trình vĩ đại này. Cả xã An Xuân được phiên chế thành 7 đoàn công tác theo 7 thôn; dưới đoàn là các tổ công tác (gồm 10 người). Thanh niên là lực lượng chính trong việc đào địa đạo, không phân biệt nam nữ. Trung niên từ 40 tuổi đến 60 tuổi vào rừng chặt gốc tre, cọc nhọn về làm gác. Người già phụ trách đan ki, làm thang, cần vọt. Lực lượng phụ nữ thiếu nhi thì vót chông, theo dõi mọi biến động có thể lộ công việc đào địa đạo để báo cho ban bảo vệ khu địa đạo xử lý. Ngoài ra chi bộ xã còn vận động nhân dân ủng hộ tre để đan ki, cây để làm gác, dầu đèn để thanh niên đi đào. Cấp huyện và tỉnh mỗi ban ngành đều cử 1 cán bộ cùng tham gia, kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong khi đào địa đạo.

Ngày 10/5/1964, việc đào địa đạo Gò Thì Thùng được khởi công. Đồng chí Trần Suyền (Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) bổ nhát cuốc đầu tiên phát lệnh. Khu ủy Khu V cử đại tá tư lệnh Y Hơd tham gia chỉ đạo. Ban chỉ đạo hàng ngày đi kiểm tra, đốc thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân đào địa đạo đúng theo kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đánh Mỹ lúc bấy giờ. Cứ 4 giờ chiều mỗi ngày, nhân dân, du kích An Xuân và các xã lân cận An Nghiệp, An Định, Sơn Long mang theo cuốc, xẻng, ki, rổ đất, đèn lồng đi đào địa đạo, khung cảnh thật nhộn nhịp nhưng yếu tố bí mật được đặt lên hàng đầu. Mỗi đêm lực lượng nhân công được huy động để đào là 500 người.                

Trước tiên là đào thành những giếng sâu 4 – 5m với đường kính 2m, các giếng cách nhau 10m. Khi đào xong giếng thì đào móc sâu vô phía trái hoặc phải 0,8m và bộ phận du kích, công binh Đại đội 220 phụ trách đào đường hầm để đảm bảo bí mật. Lực lượng đào đường hầm được chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 5 người đào từ hướng 2 giếng quay lại, vừa đào vừa dùng thước đo để khỏi lệch. Khi đã vào sâu khoảng 3m thì lắng nghe tiếng động của nhau để đào tới, cứ thế, khi nào hai bên gặp nhau, kể như đã thông một đoạn địa đạo. Sau khi đào xong đường hầm, từng tổ lại trở ra miệng giếng khoét sâu vào hướng ngược lại. Phía bên kia cũng đào từ giếng mới với các động tác như trên, cứ như vậy đường hầm được nối dài ra. Đường hầm cao 1,8m, rộng 0,8m đủ để người mang ba lô đi lại dễ dàng, cứ khoảng 15m có đào ngách cán chỏ làm chỗ tránh. Các lỗ thông hơi được khoét từ dưới lên xuyên vào các hốc cây cho không khí lọt vào lòng địa đạo. Đất đào được đưa vào ki, móc vào cần vọt kéo lên trên chuyển đi nơi khác hoặc trang trải ra trồng cỏ lên trên. Sau khi đào xong các đoạn địa đạo thì giếng được lấp kín, phủ đầy cỏ.

Bộ phận quan trọng của địa đạo là các miệng hầm, được trổ từ dưới lên để khỏi bị lở khi gắn nắp hầm. Nắp hầm địa đạo được thiết kế giống hầm bí mật, dùng tre cật đan dày, trồng cỏ lên trên, cứ 20m có một nắp hầm. Các miệng hầm được sử dụng cho du kích từ dưới lòng địa đạo xông lên đánh địch hoặc rút đi an toàn.

Toàn bộ địa đạo Gò Thì Thùng có 486 giếng đào, chiều dài 1.948m với các hệ thống hầm chỉ huy (dưới vườn thơm nhà ông Chầu), hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ… có thể chống được đạn pháo và bom loại nhỏ. Điểm cao giữa Gò Thì Thùng được chọn làm nơi đặt vọng gác quan sát, xung quanh gò là hệ thống giao thông hào chằng chịt sâu 1,5m, rộng 1m chạy ngang dọc dài hơn 10km kéo dài ra đến bìa rừng và hàng trăm hố cá nhân chiến đấu. Các bãi đất trống được cắm chi chít chông tre và những cọc nhọn to bằng bắp chân chôn thẳng đứng để chống máy bay đổ bộ. Như vậy hệ thống địa đạo Gò Thì Thùng là một trận địa quân sự liên hoàn, một “tử địa” chờ kẻ thù đến để tiêu diệt, biểu hiện quyết tâm đánh Mỹ đến cùng của quân và dân Phú Yên.

dia-dao3.gif

Lối vào địa đạo Gò Thì Thùng - Ảnh: D.T.XUÂN

  Công trình địa đạo Gò Thì Thùng đến tháng 8/1965 thì hoàn thành. Nhân dân Phú Yên đã huy động trên 100.000 ngày công, chủ yếu là dân quân du kích các xã An Xuân, An Nghiệp, An Định, Sơn Long để xây dựng địa đạo. Việc hoàn thành khu địa đạo là một quyết tâm lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Yên mà trực tiếp là nhân dân xã An Xuân. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu V, đồng chí Lê Mai phó Bí thư chi bộ xã An Xuân được vinh dự thay mặt cho cán bộ và nhân dân các xã miền Tây Phú Yên nhận cờ do Khu ủy Khu V tặng về thành tích đào địa đạo Gò Thì Thùng.

Đầu mùa khô năm 1966, Mỹ bắt đầu mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất mang mật danh “Van-bua-ren” từ ngày 19/1 đến cuối tháng 4/1966 đánh vào Nam Phú Yên với trọng điểm là huyện Tuy Hòa 1. Lực lượng gồm lữ đoàn 1 sư đoàn 101 Mỹ, lữ đoàn lính thủy đánh bộ “Rồng xanh” Nam Triều Tiên, trung đoàn bộ binh 47 ngụy cùng với phi pháo, xe tăng, máy bay yểm trợ. Quân và dân Tuy Hòa đã chiến đấu anh dũng, đánh bại các cuộc càn quét của địch tiêu diệt 1.753 tên Mỹ, 1.105 lính Nam Triều Tiên và 544 lính ngụy. Đây là lần đầu tiên các lực lượng vũ trang ta ở Phú Yên đọ sức với lực lượng viễn chinh Mỹ với quân số đông, trang bị hiện đại, chiến đấu trên chiến trường đồng bằng nơi địch có điều kiện phát huy lợi thế về hỏa lực.

Thất bại lớn ở chiến trường Nam Phú Yên, địch sắp xếp lực lượng chuẩn bị mở những đợt phản công mới. Lãnh đạo Quân khu V và tỉnh Phú Yên quyết định mở chiến dịch hè 1966 kéo địch ra chiến trường Bắc Phú Yên để tiêu diệt. Chiến dịch diễn ra trong 2 đợt: Đợt 1 từ 15/5/1966 đến 31/5/1966; đợt 2 từ 1/6/1966 đến 30/6/1966. Trong chiến dịch này Quân khu V tăng cường cho Phú Yên 2 trung đoàn chủ lực: trung đoàn Trần Hưng Đạo (trung đoàn 20) và trung đoàn Ngô Quyền (trung đoàn 10).

Theo kế hoạch chiến dịch, đêm 23/6/1966, một số đơn vị bộ đội tỉnh phối hợp với bộ đội huyện Tuy An tiến đánh đồn Bà Cò (Xuân Quang – Đồng Xuân); đồng thời bố trí sẵn lực lượng ở vùng 1, 2, 4 xã An Xuân và vùng 11, 12 xã An Nghiệp chờ địch ra để đánh. Bộ chỉ huy trung đoàn Trần Hưng Đạo đặt tại nhà ông Lê Hữu Đức xóm Suối Bướm vùng 2 xã An Xuân để chỉ đạo trận đánh.

Đúng như dự đoán của ta, 9 giờ sáng ngày 24/6/1966, Mỹ ồ ạt đổ quân xuống Bằng Chính xã An Nghiệp liền bị ta chặn đánh cho đến tối. Sáng 25/6/1966 chúng đổ quân xuống vùng 2, 4, 5 và các gò cao xã An Xuân: Gò Thì Thùng, Gò Dũng, Gò Sống Trâu, Gò Sân Cu… Tại Gò Thì Thùng diễn ra cuộc chiến đấu hết sức ác liệt. Một tiểu đoàn Mỹ thuộc sư đoàn không vận số 1 từ Gò Sống Trâu chia thành nhiều cánh tiến lên Gò Thì Thùng. Tiểu đoàn 11 (trung đoàn Trần Hưng Đạo) và tiểu đoàn 7 (trung đoàn Ngô Quyền) bố trí sẵn tại địa đạo Gò Thì Thùng chặn đánh quyết liệt, diệt hàng chục tên địch. Quân Mỹ dùng 3 trận địa pháo Phú Tân, Xuân Phước, Chí Thạnh bắn dồn dập hàng ngàn quả, dùng hàng chục tốp máy bay trút bom xuống trận địa ta. Cứ mỗi đợt địch tập trung hỏa lực đánh phá quân ta rút vào địa đạo, chờ địch đến gần đồng loạt nổ súng. Một số nơi chiến sĩ ta dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà thực hiện chiến thuật “Nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh”, giành giật với chúng từng đoạn chiến hào. Có những tên Mỹ thấy chiến sĩ ta từ địa đạo bất thần xông lên, đầu súng lưỡi lê sáng loáng, chúng kinh hoàng dùng hai tay che mặt trước khi bị lưỡi lê xuyên qua người. Đồng chí Thanh, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 một mình dùng lê đâm chết 6 tên Mỹ.

Đến 14 giờ ngày 25/6/1966 địch đổ thêm 34 lượt máy bay trực thăng HU1A xuống Gò Dũng cách Gò Thì Thùng 500m về phía đông bắc tấn công vào trận địa ta. Đại đội 7 trung đoàn Ngô Quyền nhanh chóng đánh phủ đầu khi máy bay vừa sà xuống đổ quân, bắn rơi 2 chiếc và diệt nhiều tên Mỹ.

Ngày 26/6/1966 lính Mỹ tăng cường lực lượng từ Quy Nhơn vào, liên tiếp mở 12 đợt tấn công. Quân ta dựa vào hệ thống địa đạo, giao thông hào bẻ gãy các đợt tiến quân của địch. Theo lời anh Tôn Trung – Đại đội phó Đại đội 220 kể lại: Bộ đội ta dùng lưỡi lê đánh cận chiến với địch trên các chiến hào, nhiều tên Mỹ to lớn áo mũ kềnh càng vật lộn với quân ta tưởng như “lấy thịt đè người” nhưng cuối cùng phải bỏ mạng, nhiều tên khác bị sụp hầm chông tre kêu la inh ỏi. Quân ta kiên quyết giữ vững trận địa. Đến tối ngày 26/6/1966, quân ta chủ động rút khỏi địa đạo Gò Thì Thùng qua vùng An Lĩnh, Sơn Long sau khi đánh thiệt hại nặng sư đoàn không vận số 1 của Mỹ.

Như vậy, cuộc chiến đấu ác liệt trong 2 ngày tại khu vực Gò Thì Thùng, lực lượng chủ lực Quân khu V phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương Phú Yên dựa vào công trình địa đạo chiến đấu dũng cảm tiêu diệt 378 tên Mỹ, bắn rơi 6 máy bay lên thẳng (6). Trận đánh này, mặc dù quân Mỹ với lực lượng đông, vũ khí hiện đại, cơ động nhưng vẫn phải bị động đối phó với ta, đưa quân vào chiến trường rừng núi do ta bày sẵn thế trận. Địa đạo Gò Thì Thùng trở thành địa danh lịch sử của nhân dân Phú Yên.

Cùng với thắng lợi chiến dịch hè Phú Yên năm 1966, chiến thắng Gò Thì Thùng thể hiện ý chí của quân và dân Phú Yên quyết đánh Mỹ, góp phần làm thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô của chúng. Nhân dân An Xuân và huyện Tuy An cho đến nay vẫn còn truyền tụng mấy câu thơ ca ngợi chiến công vang dội này:

Thì Thùng địa đạo những căn hầm

Hóa thành lũy thép dưới tầm bom rơi

Đánh cho giặc Mỹ tơi bời

Hơn trăm xác giặc chết phơi đầy gò.

Ngày nay trở lại khu địa đạo Gò Thì Thùng hơn 40 năm sau cuộc chiến, nhưng vết tích của trận đánh thuở nào vẫn còn, mặt đất đó đây với những chiến hào, một vài cửa hầm địa đạo như khắc ghi chiến thắng năm xưa. Những người tham gia trận đánh ngày nào nay đã thành người thiên cổ, một số trở thành những cụ già tóc bạc. Họ đều có chung một niềm tự hào về vùng đất lịch sử – đất thép Gò Thì Thùng – khi đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, địa đạo Gò Thì Thùng sẽ được các cấp có thẩm quyền có kế hoạch bảo tồn, trùng tu, gìn giữ để cho bao lớp con cháu sau này mãi mãi tự hào về chiến công của cha anh, tự hào về miền đất thép trên chiến trường khu V ngày nào.

Thạc sĩ ĐÀO NHẬT KIM

(1). Đại cương lịch sử Việt Nam , tập 3, NXB GD 1998, trang 200

(2) (3) – Trích Nghị quyết hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 12 (12/1965)

(4). Lịch sử Phú Yên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên 1996, trang 114

(5) Tuy An theo dòng lịch sử – Đảng bộ huyện Tuy An 1997. Trang 150

(6) Phú Yên 30 năm chiến tranh giải phóng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, 1993, tr.275

Từ khóa:

Ý kiến của bạn