Hai chiến sĩ Điện Biên Phủ quê Phước Hậu

Hai chiến sĩ Điện Biên Phủ quê Phước Hậu

Trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, với tinh thần quyết thắng, quân và dân Phú Yên đã đập tan một mũi tiến công chiến lược của địch, làm thất bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do các tỉnh Liên khu 5, đẩy địch vào thế bị sa lầy ở Tuy Hòa. Ít ai biết rằng cách xa Điện Biên Phủ hơn 1.500 cây số, ở Phước Hậu - thị xã Tuy Hòa có hai chiến sĩ Điện Biên Phủ, một trực tiếp phục vụ chiến đấu và một trực tiếp chiến đấu tại mặt trận. Đó là đồng chí Nguyễn Chấn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và đồng chí Lê Công Hậu, đại úy pháo binh.

Trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, với tinh thần quyết thắng, quân và dân Phú Yên đã đập tan một mũi tiến công chiến lược của địch, làm thất bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do các tỉnh Liên khu 5, đẩy địch vào thế bị sa lầy ở Tuy Hòa. Ít ai biết rằng cách xa Điện Biên Phủ hơn 1.500 cây số, ở Phước Hậu - thị xã Tuy Hòa có hai chiến sĩ Điện Biên Phủ, một trực tiếp phục vụ chiến đấu và một trực tiếp chiến đấu tại mặt trận. Đó là đồng chí Nguyễn Chấn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và đồng chí Lê Công Hậu, đại úy pháo binh.

hoa080530.jpg

Trong vườn hoa xuân ở làng Phước Hậu (TP Tuy Hòa) - Ảnh: D.T.XUÂN

1. Đồng chí Nguyễn Chấn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, năm 1951 được Đảng điều động đi học trường Mác-Lênin ở Trung Quốc. Sau khi học xong, đồng chí về nước, được Trung ương điều động phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, làm đoàn phó phụ trách một công đoạn vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm ấy, đồng chí tròn 40 tuổi. Nhiều đồng chí cùng hoạt động đều có nhận xét là đồng chí Nguyễn Chấn rất dũng cảm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ cho bộ đội chiến đấu.

Lịch sử lại lặp lại, năm 1974, khi tròn 60 tuổi, đồng chí Nguyễn Chấn lại được Hội đồng chi viện Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho miền Nam qua tuyến lửa Liên khu 4, đưa sức người sức của của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào phục vụ cho bộ đội chủ lực của ta chiến đấu, giải phóng hoàn toàn miền Nam mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân 1975.

Năm 1968, theo ý kiến của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy khu 5, tôi ra Hà Nội xin đồng chí Nguyễn Chấn về phụ trách giao thông vận tải của khu 5. Biết Khu ủy 5 xin vào chiến trường B, đồng chí Nguyễn Chấn nhanh chóng nhận trang bị để đi B. Trước khi đi, đồng chí đến chào đồng chí Phạm Văn Đồng - người anh cả của khu 5 mà đồng chí vô cùng quý mến, thì đồng chí Phạm Văn Đồng giữ lại và nói: “Đồng chí Nguyễn Chấn là một cán bộ giỏi, có năng lực tổ chức thực hiện, để Trung ương sử dụng có lợi hơn ở địa phương”. Do vậy, mong muốn về lại miền Nam , về lại quê hương Phú Yên mà đồng chí Nguyễn Chấn ấp ủ từ lâu không được thực hiện.

Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, đồng chí về hưu ở nhà số 20 Tô Hiến Thành, TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Đầu năm 1985, đồng chí lâm bệnh nặng, vào nằm ở bệnh viện Nha Trang. Đồng chí cho người gọi tôi - người học trò mà đồng chí trực tiếp dạy chữ, dạy làm cách mạng trong Cách mạng tháng Tám, vào bệnh viện. Tôi không thể nào quên cái buổi chiều đầy u buồn ấy, đồng chí ôm tôi và khóc sướt mướt. Đồng chí Nguyễn Chấn tâm sự rằng “rất đau khổ về tinh thần” vì Đảng ở Bộ Giao thông - Vận tải hiểu sai đồng chí, đồng chí bị oan, không được công nhận là cán bộ cũ, hoạt động trước Cách mạng tháng Tám. Đêm ấy sau khi ôm ghì tôi vào lòng, đồng chí trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện trong sự trìu mến tiếc thương của nhân dân và Đảng bộ Phú Yên!

2. Đồng chí Lê Công Hậu, đại úy pháo binh, nguyên học sinh trường trung học Lương Văn Chánh. Năm 1949, đồng chí xung phong nhập ngũ. Do có trình độ văn hóa khá và có tinh thần ham học tập, đồng chí  được Quân khu 5 chọn đi học pháo binh ở Trung Quốc. Năm 1954, khi về nước, đồng chí Hậu là trung úy pháo binh phụ trách một khẩu đội pháo 105 ly, tham gia việc “kéo pháo vào và kéo pháo ra”, đã nã hàng trăm viên pháo 105 ly vào đầu quân địch ở Điện Biên Phủ. Năm 1967, binh chủng pháo binh điều động đồng chí tăng cường cho Quân khu 5. Đồng chí chia tay người yêu là cô giáo Dung, người Hà Nội, hẹn sẽ đón cô về Phước Hậu, thị xã Tuy Hòa sau ngày giải phóng. Nhưng mơ ước ấy mãi mãi không thành hiện thực. Trên đường hành quân vào đến địa phận tỉnh Gia Lai, đồng chí hy sinh!

Đồng chí Lê Công Hậu là con một gia đình có 6 người con, 3 anh em trai và 3 chị em gái. Trong đó, có đến 3 anh em trai và 1 em gái hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ là bà Huỳnh Thị Bân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng điều day dứt của gia đình là cho đến nay, thi hài đồng chí Lê Công Hậu ở Gia Lai và thi hài người em ruột hy sinh ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa tìm được.

HUỲNH TRÚC

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

Từ khóa:

Ý kiến của bạn