Từ tấm ảnh gia đình người liệt sĩ đến chuyến đi sâu nặng nghĩa tình Nam  -  Bắc

Từ tấm ảnh gia đình người liệt sĩ đến chuyến đi sâu nặng nghĩa tình Nam - Bắc

Chiều 27/10/1986, khi tôi và anh Phạm Uyển – Quận đội trưởng Lê Chân đang ngồi trao đổi công việc thì đồng chí văn thư đưa báo tới. Báo Quân Đội Nhân Dân hôm ấy đăng ảnh một người đàn ông chụp chung với vợ và hai con nhỏ kèm theo mấy dòng chữ nhắn tìm thân nhân người liệt sĩ trong ảnh. Người nhắn tin là ông Lê Vy Tân ở huyện Tuy Hòa, Phú Khánh (nay thuộc tỉnh Phú Yên).

Chiều 27/10/1986, khi tôi và anh Phạm Uyển – Quận đội trưởng Lê Chân đang ngồi trao đổi công việc thì đồng chí văn thư đưa báo tới. Báo Quân Đội Nhân Dân hôm ấy đăng ảnh một người đàn ông chụp chung với vợ và hai con nhỏ kèm theo mấy dòng chữ nhắn tìm thân nhân người liệt sĩ trong ảnh. Người nhắn tin là ông Lê Vy Tân ở huyện Tuy Hòa, Phú Khánh (nay thuộc tỉnh Phú Yên).

080404-nghia-trang.jpg

Nghĩa trang Liệt sĩ Đông Tác, nơi an nghỉ của những anh hùng đã xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc, trong đó có nhiều chiến sĩ miền Bắc – Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Vừa thoáng nhìn, anh Uyển đã thảng thốt kêu lên: “Trời! Đúng anh Hùng”. Rồi anh cho tôi biết người trong ảnh chính là đại úy Phạm Việt Hùng, nguyên Trưởng ban Huấn luyện Quận đội Lê Chân, sau đó là Trưởng ban Tác huấn phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh 350 - Hải Phòng, đi B từ năm 1966 và đã hy sinh.

Hồi đó, tôi là lính của Quân đoàn 2 mới được điều về làm Quận đội phó nên không biết anh Hùng. Song tôi biết rõ chị Mỹ, vợ anh – một đối tượng chính sách rất quen thân với Quận đội Lê Chân chúng tôi. Người phụ nữ trong ảnh còn trẻ nhưng đúng là chị Mỹ. Chỉ khác là chị Mỹ bấy giờ đã có ba con, cháu nhỏ nhất cũng đã 20 tuổi.

Ngay chiều hôm đó, hai anh em chúng tôi rủ nhau đạp xe đến nhà chị Mỹ. Mấy chục năm đằng đẵng thờ chồng, một mình tần tảo nuôi con, người phụ nữ xinh đẹp trong ảnh này đã khác xưa nhiều lắm. Mắt chị đã lòa không nhìn rõ nữa, nhưng các con chị đều nhận ra bố mẹ và bản thân mình trong bức ảnh hơn 20 năm trước. Ôm tờ báo, nơi có bóng hình của người chồng thân yêu vào lòng, chị Mỹ nước mắt rưng rưng kể lại:

- Đầu năm 1966, khi anh Hùng được lệnh đi B thì tôi đang mang thai cháu thứ ba bây giờ. Mấy ngày phép ngắn ngủi anh dành trọn cho vợ con. Anh kéo cả nhà đi chụp ảnh kỷ niệm. Rồi anh lên đường ra mặt trận mang theo bức ảnh gia đình. Đến năm 1969, tôi nhận được tin anh hy sinh. Trong giấy báo tử, cấp trên chỉ cho biết chồng tôi đã hy sinh anh dũng ở chiến trường. Từ đó đến nay tôi vẫn canh cánh trong lòng vì không biết anh đã ngã xuống nơi đâu. May nhờ tấm lòng của bà con cô bác Tuy Hòa, nhờ Báo Quân Đội Nhân Dân mà nay mẹ con tôi đã biết được nơi anh yên nghỉ.

Nét mặt, cử chỉ và câu chuyện đầy nước mắt của người vợ liệt sĩ khiến anh em chúng tôi vô cùng xúc động.

Sáng hôm sau, anh Uyển giao tôi thảo công văn gửi về Tòa soạn Báo Quân Đội Nhân Dân trả lời rằng đã có địa chỉ của người liệt sĩ, đồng thời gửi thư cảm ơn đồng chí Lê Vy Tân ở số nhà 137 quốc lộ 1 Tuy Hòa. Chúng tôi cũng báo cáo ngay việc này với Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu. Ít ngày sau, chúng tôi nhận được thư của đồng chí Lê Vy Tân. Bức thư cho biết rõ: Người có công chôn cất liệt sĩ và giữ gìn tấm ảnh là bà Hai Hòa, chị ruột của đồng chí ở Hòa Vinh.

Chuyện về bức ảnh liệt sĩ Phạm Việt Hùng và lời nhắn tìm thân nhân liệt sĩ từ Tuy Hòa xa xôi nhanh chóng gây xúc động lớn cho nhân dân Lê Chân và nhân dân thành phố cảng Hải Phòng; làm ấm lòng các mẹ, các chị có người thân đi chiến đấu mãi mãi không về. Chúng tôi đề nghị với Quận ủy, UBND quận Lê Chân và Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng tổ chức một đoàn đại biểu đưa mẹ con chị Mỹ vào Tuy Hòa để nhận mộ anh Hùng, đồng thời cảm ơn má Hai Hòa, cảm ơn lòng dân Tuy Hòa đối với những người con miền Bắc đã vì Tổ quốc hy sinh trên mảnh đất miền Nam yêu dấu. Đề nghị đó của chúng tôi được cấp trên hoan nghênh và nhiệt thành ủng hộ. Chúng tôi đặc biệt xúc động khi được Quân khu báo cho biết, đại tướng Nguyễn Quyết, lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã chỉ thị cho Xưởng phim Quân đội cử một bộ phận đi theo đoàn để ghi lại hình ảnh về tấm lòng của một bà mẹ miền Nam đối với anh bộ đội Cụ Hồ, đối với hậu phương miền Bắc. Bộ phim tài liệu thời sự Những ngôi sao không tắt nói về chuyến đi này về sau đã nhận được giải thưởng lớn trong một liên hoan phim.

Ngày 20/5/1987, đoàn đại biểu quân – dân – chính – đảng quận Lê Chân do đồng chí Nguyễn Văn Quy, Phó Chủ tịch UBND quận làm trưởng đoàn, lên đường. Tôi là phó đoàn, lo tổ chức, dẫn đường. Cùng đi còn có chị Mỹ và con trai, con rể của chị.

Dọc đường đi, đoàn vào thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thắp hương kính viếng hương hồn các liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có các liệt sĩ Hải Phòng đã ngã xuống trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Chiều 23/5/1987, đoàn vào tới Tuy Hòa. Xe dừng trước cơ quan Huyện ủy và UBND huyện. Tôi được giao nhiệm vụ vào báo cáo trước với các đồng chí lãnh đạo địa phương. Người tôi gặp đầu tiên là đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy. Tôi nói:

- Thưa đồng chí, Thành ủy, UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng và lãnh đạo quận Lê Chân cử chúng tôi vào đây nhận mộ anh Hùng và cám ơn tấm lòng của má Hai Hòa, nhân dân Tuy Hòa đối với các chiến sĩ miền Bắc, trong đó có Hải Phòng, đã vào chiến đấu ở trong này. Đoàn cũng mong ước được hiểu thêm truyền thống cách mạng của Đảng bộ, nhân dân địa phương.

Vừa nghe tôi báo cáo, nước mắt đồng chí Phó Bí  thư thường trực Huyện ủy đã trào ra. Anh ôm chặt lấy tôi mãi không rời. Rồi anh chạy vội ra sân đón đoàn và đích thân dắt chị Mỹ bước vào phòng khách. Anh nghẹn ngào nói về những ngày đất nước cách chia và máu lửa, về tấm lòng của miền Bắc đối với miền Nam, về các học sinh miền Nam trên đất Bắc, được đồng bào miền Bắc, đồng bào Hải Phòng nuôi dưỡng, nay đã trưởng thành.

Tin đoàn đại biểu quận Lê Chân vào thăm Tuy Hòa nhanh chóng truyền đi. Các cơ quan, ban, ngành và nhân dân huyện Tuy Hòa đều xúc động. Tối hôm ấy, các đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện vừa đi họp ở tỉnh về đã đến ngay nhà khách gặp đoàn. Như thể những người ruột thịt xa nhau lâu ngày, chuyện miền Bắc, miền Nam, chuyện gia đình, phố phường, làng xóm kéo dài đến canh khuya không dứt.

Sáng 24/5/1987 đã diễn ra cuộc gặp gỡ đậm đà tình nghĩa giữa đoàn đại biểu quận Lê Chân với đại biểu các cơ quan, ban, ngành và nhân dân Tuy Hòa. Sau lời phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch quận Lê Chân, đồng chí Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa phát biểu đáp từ. Ông là một chiến sĩ cách mạng đã ở tuổi 60, từng bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Ông vừa nói vừa khóc:

- Vì miền Nam , vì Tổ quốc đã có biết bao thanh niên miền Bắc, thanh niên Hải Phòng ngã xuống trên mảnh đất này. Mỗi xóm làng ở tỉnh Phú Khánh này, cũng như ở khắp miền Nam, đâu đâu cũng có những nấm mồ người chiến sĩ miền Bắc. Nghĩa tình miền Bắc sống mãi trong lòng miền Nam. Nhân dân Tuy Hòa, nhân dân miền Nam còn nhiều điều ân hận vì chưa tìm được hết địa chỉ của các nấm mồ liệt sĩ để mời các bà má và người thân miền Bắc vô để nhận mộ người thân.

Bài phát biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên cường khiến đoàn Lê Chân và các đại biểu dự cuộc gặp mặt đều vô cùng xúc động.

Trong tiếng vỗ tay không dứt, trong nước mắt chứa chan, đồng chí Bí thư Huyện ủy lần lượt ôm hôn mẹ con chị Mỹ và các thành viên trong đoàn đại biểu quận Lê Chân. Hiếm có cuộc đón tiếp nào cảm động đầy nước mắt đến như thế!

Đồng chí trưởng đoàn đại biểu quận Lê Chân trao tặng huyện Tuy Hòa bức tranh sơn mài mang hình vị nữ tướng Lê Chân, biểu tượng tự hào của thành phố cảng Hải Phòng. Huyện ủy, UBND Tuy Hòa tặng Quận ủy, UBND Lê Chân bức tranh sơn dầu có mô hình trạm điện mới xây, biểu tượng của Tuy Hòa đi lên chủ nghĩa xã hội và tặng vật kỷ niệm cho mẹ con chị Mỹ – những người ruột thịt của liệt sĩ Phạm Việt Hùng.

Chiều 24/5/1987, đồng chí Bí thư Huyện ủy đích thân dẫn đoàn đến đặt vòng hoa tại nghĩa trang Đông Tác, nơi đặt phần mộ anh Hùng. Chúng tôi thành kính đặt vòng hoa và làm lễ dâng hương. Những nén hương ngào ngạt thắp lên những nấm mồ liệt sĩ, đem tấm lòng của người dân đất Cảng đến với các chị, các anh. Với lòng mến thương vô hạn, má Hai Hòa dẫn mẹ con chị Mỹ quỳ trước mộ chồng, mộ cha, nước mắt đầm đìa trong bâng khuâng thương nhớ. Chị Mỹ nắm tay má Hai và bác Lê Vy Tân, em trai của má, nói trong tiếng nấc:

- Nhờ có má mà mẹ con con hôm nay mới được nhận mộ chồng, mộ cha của mình. Ơn má, trọn đời gia đình con không sao quên được...

Là một người lính đã mấy chục năm lăn lộn trên các chiến trường, đã từng tiễn biệt nhiều đồng đội hy sinh trong chiến đấu, nhưng suốt đời tôi không quên cảm giác khi thắp nén hương rồi đặt chiếc mũ có gắn quân hiệu của mình lên phần mộ người đồng đội mà tôi chưa một lần gặp mặt. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghĩ lại giây phút ấy, tôi vẫn cảm thấy như có mùi hương ngào ngạt và làn gió nhẹ gai người thổi qua, như thể vong linh người liệt sĩ về quanh quẩn đâu đây chứng giám tấm lòng thành của vợ con, của nhân dân và đồng đội.

Rời nghĩa trang Đông Tác, má Hai Hòa dẫn chúng tôi về xã Hòa Vinh. Từ tối hôm trước, được tin đoàn Lê Chân vào, má Hai cho người đi báo tất cả cháu con ở các nơi về sum họp rồi mới lên huyện gặp mẹ con chị Mỹ cùng anh em trong đoàn. Bây giờ, ở giữa nhà má, cả mẹ con chị Mỹ và chúng tôi đều ôm lấy nhau mà khóc. Má Hai chỉ lên bàn thờ rồi nói:

- Từ sau Tết Mậu Thân, nhà má có ba bát nhang. Bát nhang ở giữa thờ gia tiên, bát nhang bên phải dành cho con trai má, còn bát nhang bên trái dành hương khói cho thằng Hùng!

Rồi giữa cả nhà đông đủ, má Hai vừa khóc vừa kể về những ngày chống Mỹ gian lao, kể về ngày anh Hùng hy sinh trên mảnh đất Hòa Vinh. Đó là ngày mồng 2 Tết Mậu Thân. Hôm đó má Hai Hòa lang thang khắp nơi tìm người con trai là bộ đội địa phương mà má được tin vừa hy sinh hồi đêm. Khi đến một căn nhà đổ, má thấy một chiến sĩ đã hy sinh, bên cạnh anh là khẩu súng AK. Trước lúc đưa anh đi chôn, má tìm thấy trong túi áo người chiến sĩ đó có một bức ảnh gia đình, có lẽ là đôi vợ chồng và hai con nhỏ. Má Hai giữ lại bức ảnh rồi tìm một tảng đá đặt lên mộ để làm dấu. Sau ngày chiến thắng, theo sự chỉ dẫn của má, hài cốt của người chiến sĩ miền Bắc đã được bà con đưa vào nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Còn má Hai vẫn giữ tấm ảnh chờ mong có dịp báo được cho người thân của anh. Cho đến tháng 10/1986, khi em trai của má là đồng chí Lê Vy Tân có dịp ra Hà Nội, má gửi bức ảnh nhờ Báo Quân Đội Nhân Dân tìm giúp địa chỉ của thân nhân người liệt sĩ. Cuộc gặp gỡ hôm nay đã toại nguyện niềm ước ao của má, toại nguyện tấm lòng bao la của má.

Cả nhà chị Mỹ nghẹn ngào thắp nhang lên bàn thờ của con trai má Hai, của chồng và cha thân yêu của mình. Chiếc bàn thờ mà suốt 20 năm, má Hai vẫn đều đặn thắp nhang lúc ngày rằm, khi đầu tháng. Chị Mỹ thành kính trao tặng má Hai chiếc quần sa tanh Nam Định, chiếc áo lụa Hà Đông – quà của cơ quan quân sự quận Lê Chân cùng quà kỷ niệm của nhân dân trong quận và của mẹ con chị. Con trai chị Mỹ treo bức chân dung của bố lên bàn thờ, rồi thưa với má Hai trong nước mắt:

- Bà ơi! Mẹ con cháu ở xa, phần trông nom mộ bố cháu xin gửi nhờ bà. 20 năm qua bố cháu có bà chăm sóc, từ nay về sau bố cháu vẫn được sống trong tình thương của bà...

Má Hai Hòa lại khóc. Bà ôm mẹ con chị Mỹ vào lòng:

- Bay về, nhưng thỉnh thoảng vô thăm. Mộ chồng con, cha con, má sẽ trông nom như con trai má, như mọi người đã hy sinh cho Tổ quốc ở đây. Nếu má qua đời thì còn cháu má, còn nhân dân Hòa Vinh. Thấy cháu con mạnh khỏe lớn khôn, má nhẹ lòng và vui thay ba cháu...

Lời bà má miền Nam đã ngót 80 tuổi khiến cả đoàn Lê Chân, cả những người có mặt ở đó không ai kìm được xúc động.

Tạm biệt gia đình má Hai Hòa, chúng tôi tới dự cuộc gặp mặt thân mật với Đảng ủy, UBND và những người có công với cách mạng ở xã Hòa Vinh, thăm tượng đài và phòng truyền thống của xã. Sau đó, đoàn về gặp gỡ các đồng chí trong Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Hòa. Thay mặt lực lượng vũ trang quận Lê Chân, tôi trao tặng lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa lá cờ truyền thống của quân dân Hải Phòng mang dòng chữ “Trung dũng Quyết thắng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng. Các đồng chí trong cơ quan quân sự Tuy Hòa trao tặng lực lượng vũ trang quận Lê Chân khẩu súng AR15 chiến lợi phẩm đã ghi nhiều chiến công trong những năm đánh Mỹ.

Mấy ngày đến với Tuy Hòa, nơi yên nghỉ của liệt sĩ Phạm Việt Hùng, chúng tôi đem đến Tuy Hòa nghĩa tình sâu nặng của miền Bắc hậu phương. Các đồng chí lãnh đạo và bà con Tuy Hòa đón chúng tôi như đón người thân trở về.  Từ đó đến nay, Tuy Hòa - Lê Chân trở thành hai địa phương kết nghĩa, càng làm gần thêm tình Nam nghĩa Bắc, làm gần gũi thêm tình cảm sâu nặng của gia đình chị Mỹ với má Hai Hòa và bà con cô bác Hòa Vinh.

Hơn 20 năm đã trôi qua, song những kỷ niệm nồng thắm của chuyến đi vẫn còn mãi trong lòng cán bộ chiến sĩ cơ quan quân sự quận Lê Chân, còn mãi trong lòng cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Phòng, giúp chúng tôi càng hiểu thêm nghĩa tình non nước, nghĩa tình Nam – Bắc, nghĩa tình của dân. Nghĩa tình ấy là cội nguồn tạo nên sức mạnh của quân đội ta, giúp người lính yên lòng hành quân, vượt qua mọi gian lao thử thách, sẵn sàng hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó.

                          

Đại tá HỒ LUYỆN

Nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng (kể)

VŨ TANG BỒNG (ghi)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn