Công luận đã bàn nhiều về bệnh sính dùng chữ Tây chữ Tàu theo kiểu “uyên thâm” không cần thiết. Tiếc thay chưa tính đến chữ Tây chữ Tàu, ngay việc dùng từ ngữ thuần Việt cũng còn “như gà mắc tóc” tức là dùng mà không hiểu gốc của từ ngữ thì gây nên sự nhầm lẫn buồn cười.
Xin có vài ví dụ: Thành ngữ “Ra môn ra khoai” bị nhiều người dùng là “Ra ngô ra khoai”. Khoai môn và khoai lang là hai loại củ na ná giống nhau, dễ lẫn với nhau. Bây giờ phải để riêng biệt ra hai loại cho “ra môn ra khoai”. Còn ngô và khoai là hai loại củ và quả đã quá khác nhau về màu sắc, kích thước, việc gì phải “làm rõ ra”?
Thành ngữ “Già trái, non hột”: Trái chưa chín, chắc là rám nắng nên trông có vẻ già dặn nhưng hột thì còn non. Thành ngữ này nêu mâu thuẫn giữa mẽ bề ngoài và cái cốt bên trong (ám chỉ những anh mạnh mồm nhưng tính khí nhút nhát). Thế mà nhiều người dùng nhầm là “Già dái non hột”.
Thành ngữ “Con gà con kê”: chỉ những anh hay dài lời, lặp đi lặp lại một ý, một chuyện, đã “gà” còn “kê”. Ai đó dùng “Con cà con kê” thì chả nêu được nội dung thông báo gì.
Thành ngữ “Mặt lạt đóm dày”: Mặt lạt chỉ những người mặt mỏng, mặt choắt thường là khôn vặt, tinh ma khó chơi – giống như “đóm dày” rất khó cháy, khó dùng. Nếu dùng “mặt nạc đóm dày” e không rõ nghĩa.
Câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Rừng núi là nơi cư trú của cáo. Khi đi kiếm ăn xa, lỡ có bị thương hay bị ốm, cáo chạy về nơi “tổ ấm” của mình, nếu có chết cũng trong tư thế quay đầu về núi. Thế mà nhiều người vẫn dùng là “Cóc chết ba năm…”. Cóc thì biết rừng núi là gì?!
Cũng vì không rõ gốc từ, gốc ngữ, nên nhiều người dùng thừa từ: “lúc sinh thời” hoặc “Bôn ba hải ngoại ở nước ngoài”. Chả trách, có một nhà thơ (danh tiếng) đăng thơ trên một tờ báo: “Chữ như áo như váy / Lượn xuống, cong lên” (!) Trời ạ! Nếu hiểu chữ nghĩa như vậy thì còn đâu “ngôn ngữ là cái tinh túy nhất mà dân tộc đã tạo ra được”.
HOÀNG THẾ