Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một lần nữa, khẩu trang lại được gọi tên trong nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo vệ người dân. Tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại là lượng khẩu trang thải ra mỗi ngày là rất lớn và không phải ai cũng có ý thức bỏ khẩu trang đã qua sử dụng đúng nơi quy định. Điều này làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Khẩu trang trên hè phố, dưới lòng đường, tấp trên bờ kênh hoặc trôi lềnh bềnh trên mương nước, khẩu trang lẫn chung với rác thải sinh hoạt tập kết bên đường, tấp vào miệng cống… Đó là hình ảnh không khó để bắt gặp trong những ngày gần đây.
Anh Huỳnh Tấn Công ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa cho biết: Suốt dọc tuyến đường từ Sông Hinh - Tây Hòa thấy có rất nhiều khẩu trang bay tấp hai bên đường, cứ một đoạn ngắn lại thấy khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi. Trong hoàn cảnh dịch bệnh gia tăng mà mọi người sử dụng khẩu trang xong lại bạ đâu vứt đó thế này thật khiến người khác bất an.
Còn chị Trần Thu Vân, nhân viên vệ sinh môi trường ở TP Tuy Hòa thì thổ lộ: Trước khi xảy ra dịch bệnh, khẩu trang đã qua sử dụng với chị cũng như một loại rác thông thường, nhưng hiện nay, mỗi khi quét rác trên đường mà gặp khẩu trang bị vứt bừa bãi là chị cảm thấy ái ngại, cảm thấy nguy cơ dịch bệnh đang tiềm ẩn trong các khẩu trang này, nhất là khi nhu cầu sử dụng khẩu trang càng lớn thì số khẩu trang bị vứt ra đường càng nhiều. Chị mong muốn mọi người sau khi đeo khẩu trang bảo vệ mình có thể bỏ đúng nơi quy định để bảo vệ người khác và để môi trường được sạch hơn.
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt bỏ khẩu trang đã qua sử dụng nói riêng và rác thải sinh hoạt nói chung không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng, mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế vào hệ thống thoát nước. Ông Trần Văn Lợi ở TP Tuy Hòa đồng tình với việc xử phạt nghiêm hành vi vứt khẩu trang bừa bãi. Theo ông điều này sẽ có tác dụng điều chỉnh hành vi của mọi người để bảo vệ môi trường về lâu dài và bảo vệ con người trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Do tính chất của khẩu trang y tế là dùng một lần rồi bỏ nên hiện nay mỗi ngày có hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang được sử dụng. Điều này là gánh nặng cho môi trường không thua kém tác hại của chất thải là túi ni lông, bởi khẩu trang y tế cấu tạo từ những chất liệu vải không dệt rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, ngoài hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách, ngành chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân bỏ khẩu trang đã sử dụng đúng nơi quy định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo, sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín và rửa sạch tay… Điều này góp phần đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch và bảo vệ môi trường.
NHƯ Ý
(Phường Phú Đông, TP Tuy Hòa)