Chiều qua, tôi vào thăm người bạn hồi học cùng lớp cấp ba đang ở khu phố Nam Bình (phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa).
Do dịch COVID-19 mà bằng hữu lâu lắm mới có dịp hàn huyên tâm sự, anh mời tôi ở lại dùng cơm và bảo cậu con trai út đang học lớp 8 vừa từ trường về: Con cầm tiền này ra quán chú Tám mua cho ba một thùng bia và gói thuốc lá để về lai rai với bác Hai cho vui. Nghe anh nói, tôi can ngăn: Thôi, có rượu ông ngâm sẵn uống vài ly là được rồi, khỏi bia bọt chi. Còn thuốc lá tôi đã bỏ hẳn 3 năm nay, ông mua về thì tự hút đó nghe. Mà ông coi chừng chớ dễ bị phạt vì cái tội sai trẻ con đi mua bia với thuốc lá!
Anh bạn cười, trả lời: Ý anh nói về Nghị định 117/2020/NĐ-CP 2020 (NĐ 117) mà Chính phủ mới ban hành gần đây có quy định rõ ràng về chuyện xử phạt chứ gì? Tôi đã nghiên cứu kỹ rồi, khó khả thi trong thực tế lắm anh ơi. Trong khi chờ các cơ quan chức năng “động đậy” thì mình cứ “tranh thủ” cái đã…
Về nhà, tìm đọc toàn văn NĐ 117 quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” (chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020), tôi nhận ra ý kiến của anh bạn không phải là không có cơ sở. Cụ thể, theo NĐ 117, người nào có hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng; bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt đến 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi sử dụng người dưới 18 tuổi để đi mua rượu, bia, thuốc lá bị phạt đến 1 triệu đồng…
Cũng theo nghị định này, người dưới 18 tuổi uống rượu, bia bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng. Người xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; ai ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng…
Đối chiếu với thực tế lâu nay, có thể thấy rằng, việc xử phạt theo NĐ 117 sẽ khó triển khai thực hiện trong cuộc sống. Ví như làm thế nào để phát hiện và khẳng định được ai là người xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia để mà phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng? Hay làm thế nào để biết, khẳng định một chủ quán có hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi để phạt đến 5 triệu đồng theo tinh thần của NĐ 117?...
Qua các nội dung nhỏ vừa nêu, có thể khẳng định rằng, việc ban hành NĐ 117 là đúng đắn, cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nước ta. Đặc biệt là trong tình hình tai nạn giao thông chưa giảm như mong muốn (trong đó có nguyên nhân lạm dụng bia rượu) và thuốc lá còn tàn phá nghiêm trọng sức khỏe người dân như hiện nay.
Để NĐ 117 phát huy tác dụng thiết thực, các ngành, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân về tác hại của rượu bia, thuốc lá đối với con người, nhất là với thế hệ tương lai của đất nước.
Nhưng quan trọng và quyết định nhất là cần sớm xây dựng, triển khai và đưa vào hoạt động một bộ máy thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm NĐ 117 sao cho kịp thời, đúng người đúng tội, không loại trừ bất cứ ai để giảm thiểu những hệ lụy xấu của việc sử dụng tràn lan, vô tội vạ bia rượu, thuốc lá như đã và đang diễn ra như hiện nay.
Qua đó góp phần nâng cao thể trạng, xây dựng lối sống lành mạnh cho toàn dân để xây dựng đất nước giàu mạnh như mong muốn. Vì thế, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm tính khả thi, mang lại kết quả trước mắt và lâu dài để xây dựng cuộc sống theo hướng ngày càng tốt đẹp và hoàn thiện hơn.
HUỲNH THANH TOÀN