Về dự đám cưới con của bạn, tôi thật sự ngạc nhiên bởi vùng quê ngày xưa nổi tiếng với cụm từ “7 không” nay đã thật sự chuyển mình với diện mạo hoàn toàn mới. Về nhà bạn, tôi càng mừng hơn vì bạn tôi đã hết nghèo, nếu không muốn nói là đã trở nên giàu có. Một ngôi nhà 3 tầng giữa vườn chè, cà phê xanh mướt. Cách khuôn viên nhà ở khoảng 500m là khu vực chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; cạnh đó, 2 chiếc máy cày đại đang nằm chờ chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Không quanh co dông dài, hiểu ý tôi, bạn khẳng định: Không thể cứ nghèo mãi. Có sức vóc như tụi mình mà nghèo là có tội. Để chứng minh cho điều mình vừa nói, anh kể một hồi không ngớt về quá trình khai hoang vỡ hóa trên vùng đất đỏ này.
Lúc đầu, tài sản của hai vợ chồng chỉ đủ dựng một ngôi nhà nhỏ che nắng, che mưa. Hồi đó, dân cư còn thưa thớt, đất rộng, người ít. Thấy đất ở đây rất giống với ở quê, anh bàn với vợ về miền Bắc đưa giống chè vào trồng thử. Nghĩ sao làm vậy, nhưng điều không ngờ là cây chè xanh lại phát triển tốt ở vùng đất mới, không thua kém gì ở quê. Vợ chồng mừng quá, có bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm về loại cây này đều đem ra áp dụng. Vườn chè sau một thời gian đã trở thành đồi chè, vì sau đó nhiều người quanh vùng cũng học hỏi rồi trồng theo. Thực ra, lúc đầu bạn trồng chè chỉ để giữ đất, chống nắng. Bởi lúc đó, cây chè xanh chưa được khai thác hiệu quả, chưa có giá trị kinh tế cao như bây giờ.
Không dừng lại ở cây chè, một hôm, ở nhà xem ti vi, bạn tôi thấy ở một số địa phương, người dân làm giàu nhờ trồng cây cà phê, tiêu. Trong cảnh quay hôm đó, anh để ý thấy cạnh những cây cà phê, tiêu cũng có những cây chè đang phát triển xanh tốt. Và trong đầu anh lại nảy sinh ý tưởng trồng cây mới trên vùng đất này. “Trong lúc mình chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì Mặt trận và Hội Nông dân xã có thông báo sắp tới huyện mở lớp tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật thâm canh trồng trọt, kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, thật mừng hết biết”, bạn tôi nhớ lại. Như “cá gặp nước”, anh là người đăng ký đầu tiên rồi khăn gói về huyện tham gia lớp học.
Trong quá trình học, bạn tôi và nhiều người ở lớp học ấy vỡ ra được rất nhiều điều. Họ không chỉ tiếp cận với các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi mà còn biết được các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước hỗ trợ nông dân vay vốn. Từ đó, theo anh kể, anh không còn thời gian để bù khú với bạn bè mà suốt ngày dành hết công sức, tâm huyết cho ruộng rẫy. Trời không phụ lòng người, sau một thời gian dài, đến nay anh đã có một cơ ngơi đáng nể. Ngoài những gì tôi được chứng kiến kể trên, gia đình anh đang sở hữu 5ha cao su, 15ha keo lá tràm đang kỳ cho khai thác, hàng năm tổng thu nhập từ tất cả các nguồn không dưới 500 triệu đồng.
Kinh tế ổn định, khá giả, anh có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn. “Con trai đầu đã tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm, đang công tác tại phòng nông nghiệp huyện. Còn con gái vừa tổ chức đám cưới cũng đang làm giáo viên tại một trường tiểu học gần nhà”, anh cho biết thêm.
NHÂN VĂN