Thứ Sáu, 03/05/2024 22:32 CH
Giúp trẻ em đam mê đọc sách
Thứ Hai, 22/04/2024 10:12 SA

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, đọc sách giúp trẻ em khám phá, hiểu biết thế giới xung quanh, làm phong phú kiến thức về tự nhiên, xã hội. Đọc sách giúp trí tưởng tượng phong phú và năng động nhiều hơn so với ngồi xem ti vi, chơi điện thoại.

 

Trẻ em dân tộc Ê Đê ở buôn Đức Mùi, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh say sưa đọc sách tại nhà sinh hoạt văn hóa buôn. Ảnh: MINH HUY 

 

Do vậy, việc duy trì đọc sách thường xuyên giúp trẻ phát triển tốt khả năng tập trung làm việc và là kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập suốt đời sau này.

 

Khi sách về buôn

 

Trong chuyến công tác về buôn Đức Mùi, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh vừa qua, tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy hình ảnh các em thiếu nhi là người đồng bào dân tộc Ê Đê say sưa đọc sách ngay trước thềm nhà sinh hoạt văn hóa của buôn.

 

Những cuốn sách mà các em chọn để đọc như: Sự tích ông Ba Mươi, Sự tích con muỗi (truyện tranh dân gian Việt Nam), Tại sao chúng ta phải học?, Mình không để mẹ phải lo lắng, Tưởng tượng từ những điều bé nhỏ, Cánh buồm đỏ thắm, Kính vạn hoa, Cô Nan… Đây là những cuốn sách mà các anh chị Hội thiện nguyện Đom đóm Phú Yên trao tặng. Em nào cũng hớn hở, dán mắt vào từng trang sách, đọc ngấu nghiến.

 

Chị Lê Thị Thu Hiền, Bí thư Xã đoàn Ea Trol cho biết, nhiều thiếu nhi là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất thích đọc sách. Tuy nhiên, trong thư viện của xã, của các trường, sách không có nhiều và hạn chế về thể loại. Do vậy, khi biết có đoàn thiện nguyện về tặng quà cho thiếu nhi, địa phương thường trao đổi trước để họ gom truyện, sách tặng các em.

 

Em Y La, học sinh lớp 5 phấn khởi nói với tôi rằng, em và các bạn rất muốn có nhiều sách để đọc, nhất là sách dành cho lứa tuổi học trò. Riêng em rất thích đọc các loại sách về lịch sử dân tộc, khám phá khoa học... Nhờ sách mà em có thêm kiến thức bổ ích.

 

Bắt đầu từ người lớn

 

Tôi còn nhớ, con trai của bạn tôi khi mới học lớp 1, cuối tuần nào cháu cũng đòi mẹ đưa đến nhà sách để đọc và mua vài cuốn sách mà cháu chọn. Thấy con có sở thích như vậy nên mỗi lần đi công tác, bạn lại mua sách làm quà cho con. Trong những lần các gia đình cùng đi du lịch chung, tôi để ý thấy cháu thường mang vài cuốn sách bỏ vào ba lô riêng, lúc rảnh là lấy ra đọc.

 

Ngoài truyện cổ tích, truyện tranh, viễn tưởng…, cháu còn mê mẩn với những cuốn sách viết về đời sống vạn vật, muôn thú. Tôi hỏi: Con đọc sách như vậy có giúp ích gì cho việc học không? Cháu ngại ngùng: Dạ có ạ. Đọc sách giúp con trau dồi cách viết và có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Còn bạn tôi phấn khởi, năm học nào cháu cũng đạt học sinh giỏi, nhất là môn Văn. Cô giáo chủ nhiệm khen cháu có vốn từ vựng phong phú nên những bài tập làm văn rất hay, lưu loát.

 

Chị Lê Thùy Ngân ở cùng phường với tôi, cho rằng nhờ có thói quen đọc sách từ nhỏ nên bây giờ chị thuận lợi hơn trong việc dạy dỗ con cái, nhất là môn Tiếng Việt. Con trai chị cũng có niềm đam mê giống mẹ. Chị thường mua sách văn học, truyện ngắn, lịch sử, cuộc đời của các danh tướng trong nước và thế giới…, để các thành viên trong gia đình cùng đọc.

 

Theo chị Ngân, việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ phải bắt đầu từ người lớn, nhất là những người gần gũi nhất với trẻ. Vì vậy, chị luôn duy trì thói quen đọc sách và bổ sung vào kho sách gia đình những quyển sách mới, sách hay cho con đọc.

 

Những ngày qua, tại khu vực hồ điều hòa Hồ Sơn (TP Tuy Hòa) diễn ra các hoạt động của Hội Sách năm 2024 với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”. Không chỉ người lớn mà nhiều em học sinh cũng đã và đang đến với ngày hội đặc biệt này. Đây là điều đáng mừng.

 

Nhiều địa phương, đơn vị cũng đã và đang tổ chức các hoạt động liên quan đến sách, như huyện Phú Hòa tổ chức Ngày hội Đọc sách với chủ đề “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”; Thư viện tỉnh tổ chức thư viện lưu động tại các xã Sơn Định, Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), An Cư, An Ninh Tây (huyện Tuy An)…

 

Những hoạt động nêu trên thu hút nhiều phụ huynh đưa con đến đọc sách. Các em tự chọn lựa các loại sách phù hợp với tâm lý, độ tuổi; cùng nhau trao đổi, chia sẻ về một cuốn sách vừa đọc xong, qua đó cảm nhận cái hay, cái đẹp trong từng trang sách, từng câu chuyện…

 

Thiết nghĩ, việc đọc sách giúp trẻ có vốn từ vựng, tiếp nhận nhiều từ mới, từ hay; học được cách diễn đạt trong sáng, mạch lạc để ứng dụng trong giao tiếp và học tập; hướng đến chân, thiện, mỹ… Để trẻ em đam mê đọc sách, ba mẹ phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài và phải bắt đầu cho con làm quen với sách ngay khi còn nhỏ; khích lệ, động viên việc đọc sách hằng ngày. 

 

Để trẻ em đam mê đọc sách, ba mẹ phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài và phải bắt đầu cho con làm quen với sách ngay từ khi còn bé; khích lệ, động viên việc đọc sách hằng ngày.

 

NGUYỄN MINH HUY

(phường 7, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek