Xã hội ngày càng phát triển, tình trạng xả thải bừa bãi, vứt xác gia súc, gia cầm đã giảm bớt; tuy nhiên đâu đó vẫn còn xảy ra.
Những ngày cuối tuần tôi hay về quê để tận hưởng không khí trong lành của đồng ruộng, vườn tược. Tôi rất thích tản bộ dọc những con mương dẫn nước thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam. Thời điểm tháng ba này, nước mương hầu như lúc nào cũng đầy ăm ắp. Tuy nhiên, trôi theo dòng nước để tưới cho ruộng lúa, hoa màu ấy không chỉ có rác mà thi thoảng còn có cả xác chó, mèo, heo, gà… nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối.
Ai cũng biết việc xả rác thải ra môi trường, đặc biệt là vứt xác vật nuôi trong gia đình xuống sông, xuống mương là mất vệ sinh. Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà xác động vật (do bệnh mà chết) còn phát tán bệnh tật cho các loại gia súc, gia cầm đang sống và cho cả con người. Thế nhưng, do quan niệm “nếu đem chôn lấp xác gia súc, gia cầm thì không thể tiếp tục nuôi được nữa” nên nhiều người vẫn lén vứt xác động vật xuống sông, xuống mương, thay vì đào hố sâu chôn lấp hợp vệ sinh.
Xin khẳng định rằng, quan niệm trên là hết sức lạc hậu, không có cơ sở khoa học. Người viết bài này gia đình nuôi rất nhiều chó từ hơn 30 năm nay. Con nào cũng được chăm sóc cẩn thận, tiêm chủng ngừa dại và các loại thuốc khác theo yêu cầu của thú y đúng định kỳ nên chúng chỉ chết già sau 14-16 năm. Mỗi con chó sau khi chết, chúng tôi đều đem chôn lấp đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh và không ảnh hưởng gì đến việc nuôi những con chó tiếp theo.
Khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015 nghiêm cấm việc vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải mang mầm bệnh ra môi trường. Hành vi này, theo khoản 6, Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì bị phạt từ 5-6 triệu đồng với cá nhân; đồng thời phải khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Còn theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật: Nếu người nào làm lây lan dịch bệnh cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100-500 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí khung cao hơn từ 5-7 năm.
Thiết nghĩ, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm để người dân có thể xử lý tốt hơn đối với xác gia súc, gia cầm khi gặp sự cố, cơ quan chức năng quản lý về môi trường, chính quyền địa phương cần mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp cố tình xả rác thải, vứt xác động vật ra môi trường bừa bãi. Với người dân, nếu không may vật nuôi trong nhà bị chết hãy xử lý bằng hố chôn đúng cách, đảm bảo khử trùng môi trường.
Với người chăn nuôi gia cầm, gia súc thành đàn, trong những trường hợp chuồng trại chăn nuôi xảy ra dịch bệnh, bà con cần báo ngay với cơ quan chức năng, cán bộ thú y tại địa phương để được kịp thời hỗ trợ, khoanh vùng ổ dịch, tránh lây lan diện rộng. Người dân tuyệt đối không giấu dịch, để bệnh thêm trầm trọng và lan rộng ra nhiều chuồng trại khác trong khu vực. Trong trường hợp chôn lấp xác động vật, người nuôi phải thực hiện đầy đủ các thao tác phun thuốc sát trùng, có bao phủ đầy đủ, chắc chắn; tránh chôn lấp gần khu vực khai thác nước ngầm, nước mặt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Khoảng cách từ nơi chôn lấp phải đảm bảo cách xa khu dân cư, các khu vực trường học, bệnh viện. Hơn hết, bà con tuyệt đối không vứt xác chó, mèo, heo, gà… xuống sông, suối bởi hành động này không chỉ làm mầm bệnh phát tán ra diện rộng, mà còn đe dọa ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.
TRẦN PHƯƠNG (huyện Phú Hòa)