Khi điều khiển ô tô, xe máy trên đường, không ít người thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, gây bất an cho người khác.
Hầu như ngày nào tôi cũng phải ra phố, khi đi xe máy, khi đi xe đạp và cũng có khi đi bộ. Trên đường phố của TP Tuy Hòa hiện nay, các phương tiện tham gia giao thông đông đúc hơn nhiều so với 5 hay 10 năm trước. Nếu như trước kia đi trên phố chủ yếu là xe đạp và mô tô, xe máy thì hiện nay, ô tô đã chiếm một lượng đáng kể.
Nhìn chung, đa số người tham gia giao thông đã có ý thức và chấp hành theo hiệu lệnh giao thông, nhưng cũng không ít người chấp hành không nghiêm hoặc không chấp hành. Nhiều lỗi vi phạm thường thấy là phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng trên đường, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, không nhường đường, không đội mũ bảo hiểm, chở hàng hóa cồng kềnh… Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông khi gặp đèn đỏ thì dừng lại, tuy nhiên khi chỉ còn vài giây cuối, đèn chưa kịp chuyển sang màu vàng thì đã vội vã tăng ga vượt lên. Trong khi đó, ở phần đường vuông góc, mặc dù đèn vàng đã bật lên nhưng thay vì chạy chậm để dừng lại, không ít người tăng tốc, cố vượt qua. Hay khi chuẩn bị rẽ trái, thay vì phải mở rộng sang phần đường bên phải, nhiều người áp sát lề bên trái, rất dễ va chạm với các phương tiện lưu thông ở chiều vuông góc và ngược lại. Hôm nọ, chị L.T.T.H ở khu phố Hưng Phú (phường 5) đi xe đạp trên đường Lê Duẩn theo hướng bắc - nam, khi đến ngã tư giao nhau với đường Trần Phú, chị rẽ sát lề phải để về nhà thì va chạm với một xe máy do một người phụ nữ điều khiển từ đường Trần Phú rẽ trái sang đường Lê Duẩn. Rất may là vụ va chạm không gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ trầy xước nhẹ. Lỗi thuộc về người điều khiển xe máy vì lấn đường, nhưng người này không chịu xin lỗi mà còn cho rằng đã đi đúng, không có ý thức sửa sai.
Hiện nay cũng có người vừa điều khiển ô tô, xe máy vừa nghe điện thoại. Và có cả người vừa lái xe vừa nhắn tin, đọc tin nhắn trên điện thoại, trong khi trên đường rất nhiều phương tiện đang lưu thông.
Cách đây không lâu, một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường Trần Phú vào sáng sớm, do không làm chủ tốc độ đã tự tông vào gốc cây tra bên đường phía đối diện với Sở VH-TT-DL. Vụ tự gây tai nạn khiến người đàn ông này bị thương nặng. Chiếc mũ bảo hiểm đã cứu ông ta thoát chết.
Đại lộ Hùng Vương là một trong những tuyến đường thường đông đúc xe cộ qua lại. Ở hai bên đầu cầu bắc qua sông Ba này có dải phân cách mềm. Vậy nhưng thay vì đi đúng chiều, đúng làn đường, nhiều người điều khiển mô tô, xe máy vẫn lấn làn, chạy ngược chiều để rút ngắn thời gian chỉ vài ba phút dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Một thói quen của một số tài xế ô tô, xe chở đá lạnh… là đậu xe ở gần điểm giao nhau tại các ngã ba, ngã tư che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông khi chuẩn bị rẽ sang đường giao nhau. Còn với người đi bộ, hầu như ai cũng sẵn sàng sang đường bất kỳ nơi nào họ muốn. Trong khi nhiều người điều khiển ô tô, xe máy không có ý thức nhường đường, ngay cả ở những nơi có vạch kẻ dành riêng cho người đi bộ. Có người dắt trẻ con sang đường nửa chừng thì để cháu bé chạy đi một mình, còn bản thân họ quay lại bất thình lình khiến nhiều người lái xe không kịp phản xạ.
Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông, nhất là lỗi không làm chủ tốc độ, dẫn đến không kịp xử lý tình huống bất ngờ xảy ra. Chỉ một giây bất cẩn, chủ quan hay không tuân thủ quy tắc an toàn giao thông thì rất dễ gây ra tai nạn cho chính mình và người khác.
Tai nạn giao thông xảy ra, người chết, người thương tật vĩnh viễn cùng với nhiều thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tinh thần cho bản thân và gia đình người bị nạn, không thể bù đắp. Bản thân người vi phạm có khi cũng mất mạng, phải chịu tù tội hoặc tổn thất nặng nề về tiền bạc, sức khỏe.
An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà, mọi người. Mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định về an toàn giao thông nhằm bảo vệ cho chính mình, gia đình và cộng đồng.
ĐẶNG THẾ
(phường 9, TP Tuy Hòa)