Cảm thông, sẻ chia khó khăn với những lao động bị mất việc, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp, vận động tặng lương thực, nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiền, phát cơm miễn phí… Những tấm lòng thơm thảo đã tiếp thêm niềm tin, động lực giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, chung sức đẩy lùi dịch bệnh.
Ấm lòng người nhận
Trong khó khăn, hoạn nạn, tình người lại càng thêm đẹp đẽ. Dẫu hành trình chống dịch phía trước vẫn còn nhiều gian nan vất vả, song tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng quý, để mọi người có thêm động lực, niềm tin, chung sức quyết tâm đẩy lùi đại dịch COVID-19. |
Hàng ngày, bà Lê Thị Sang (khu phố Chu Văn An, phường 5, TP Tuy Hòa) gánh đậu non đi bán dạo, thu nhập từ 150.000-200.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống cho vợ chồng bà và đứa cháu ngoại do mẹ cháu đi làm ăn xa. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Phú Yên đến nay đã 2 tháng, TP Tuy Hòa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bà Sang phải dừng công việc mưu sinh. Số tiền dành dụm không nhiều, và giờ thì đã cạn kiệt. Gần một tháng qua, vợ chồng bà sống dựa vào những phần quà của UBND phường 5 và các nhà hảo tâm ủng hộ. Bà Sang xúc động: “Không có thu nhập, nuôi cháu nhỏ tốn kém, cuộc sống của chúng tôi thật sự khó khăn. Nhờ Nhà nước và anh chị Quỹ Tim ấm cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì ăn liền, trứng gà, cá, rau cải…, gia đình tôi an tâm ở nhà chống dịch. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để tôi được đi bán trở lại, có thu nhập thì cuộc sống mới đỡ thắt ngặt”.
Gia cảnh của chị Nguyễn Thị Trà My (khu phố 5, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) cũng khốn khó. Chồng bỏ đi, để lại chị 2 đứa con nhỏ, trong đó có cháu Nguyễn Đức Duy (5 tuổi) bị bại não, liệt hai chân. Để đứa con tật nguyền cho con gái 12 tuổi ở nhà trông, hàng ngày, chị My đi làm thuê cho quán cơm ở thị trấn. Dịch bệnh 2 tháng nay, quán nghỉ bán, đồng nghĩa với việc chị mất việc làm, không còn thu nhập để lo thuốc thang cho con và trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con. Thấu cảm trước sự khó khăn của mẹ con chị My, cô giáo Trịnh Nguyễn Thanh Nhàn ở thị trấn Hai Riêng đã vận động giúp 20kg gạo, thùng mì ăn liền, cá khô, trứng vịt, rau củ quả và 2,2 triệu đồng giúp chị My cùng các con vơi bớt khó khăn trước mắt.
Vừa qua, anh Nhuận Quý, Trưởng nhóm thiện nguyện Bước chân xứ Nẫu TV (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) cũng đã vận động để trao 4,3 triệu đồng tiền mặt, 50kg gạo, 3 thùng mì ăn liền, các nhu yếu phẩm trị giá 1 triệu đồng cho gia đình ông Hồ Nhật Tiền (thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) khi biết gia đình này rơi vào cảnh cùng cực. Bản thân ông Tiền hư một con mắt vì tai nạn khi làm phụ hồ, nhưng ngày ngày ông vẫn đi làm để lo cho đứa con trai gần 20 tuổi bị bệnh tâm thần nặng và người vợ bị u vú nhưng không có tiền chữa bệnh. “Dịch bệnh kéo dài không còn việc làm nên cuộc sống lâm vào cảnh túng bấn. Được sự giúp đỡ của anh Nhuận Quý và các nhà hảo tâm, tôi biết ơn nhiều lắm”, ông Hồ Nhật Tiền cảm động nói.
Không chỉ bà Sang, chị My, ông Tiền an lòng trong khó khăn vì dịch bệnh mà hàng ngàn cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, hộ nghèo, bà con vùng bị cách ly, phong tỏa trên địa bàn tỉnh cũng được các tổ chức, cá nhân, các tấm lòng nhân ái cùng chung tay ủng hộ, giúp họ an tâm ở nhà khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Đại diện nhóm thiện nguyện Quê tôi Tuy An trao lương thực, thực phẩm cho người già neo đơn xã An Hiệp (huyện Tuy An). Ảnh: THẢO NHƯỜNG |
Những hành động đẹp ngày càng lan tỏa
Thấu hiểu sâu sắc với những lo toan của lao động nghèo, hơn tháng nay, kể từ khi Phú Yên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, anh Ngô Anh Dương, chủ cửa hàng điện máy Bảo Nam (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cùng các chị Xì Dầu, Phan Thị Ngọc Diệp, Lâm Thị Thanh Tâm, Tâm Vũ, Hồ Như Thùy, Nguyễn Thị Thu Vân, Trần Diễm Phương… đã đóng góp, vận động bạn bè trên cộng đồng để trao hơn 5.000 phần quà gồm gạo, mì ăn liền, nhu yếu phẩm, trứng gà, trứng vịt, cá hộp, sữa, khẩu trang… cho các gia đình đang gặp khó khăn, các khu cách ly, phong tỏa và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhóm còn nấu 12.000 suất cơm trao cho y bác sĩ, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Đồng thời trao phần quà trị giá hơn 20 triệu đồng cho Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc Mái ấm chùa Hải Sơn (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) để sư cô Thích Nữ Minh Chơn có chi phí chăm sóc, nuôi nấng 46 cháu bé mồ côi đang sống ở đây.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các thành viên nhóm thiện nguyện của anh Dương không tập trung tặng quà cho người dân mà chia nhau chở đến các chốt cho từng khu vực, trao từng hoàn cảnh neo đơn, khó khổ.
Bên cạnh đó, anh Dương cùng các thành viên nhóm còn thu mua rau củ quả và nhu yếu phẩm hỗ trợ các bếp ăn dã chiến Trung tâm Y tế TX Đông Hòa, Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, các bếp ăn từ thiện để phục vụ lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch và người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Và còn nhiều tấm lòng nhân ái không ngại góp công, góp của, góp sức giúp người nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đơn cử như chị Thảo Nhường (thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An) cùng nhóm thiện nguyện Quê tôi Tuy An đã vận động hỗ trợ trên 5 tấn gạo, hàng ngàn thùng mì gói, thịt heo, trứng vịt, rau xanh, củ quả… tặng người nghèo xã An Cư, An Hiệp, An Mỹ, An Hòa Hải, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An); kết nối nấu cơm, tặng xăng, trao 6 xe đạp, 2 xe máy cho người dân các tỉnh từ miền Nam trên đường về quê tránh dịch. Hiện tại, chị tiếp tục vận động để nấu cơm, cháo ngày 2 buổi ủng hộ cho bà con từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quê nhà chống dịch đang ở khu cách ly tạm thời tại các điểm trường học ở xã An Mỹ, An Chấn, An Cư, An Hòa Hải; hỗ trợ suất ăn cho các chốt trực và các cụ già neo đơn với mong muốn có thể san sẻ một phần khó khăn cho người nghèo an tâm ở nhà chống dịch.
Mỗi ngày, mỗi giờ đi qua lại có thêm nhiều nghĩa cử cao đẹp, những câu chuyện cảm động khi mọi người cùng san sẻ với nhau trong lúc khó khăn vì đại dịch COVID-19. Đó là hình ảnh của chị em phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, tiểu thương, người dân từ trẻ đến già ở các địa phương cùng nhau chung sức, chung lòng góp công, góp của để nấu những suất ăn miễn phí, tạo nên những gian hàng, bếp ăn 0 đồng… ấm áp tình quê hương.
KIM LIÊN