Chủ Nhật, 22/09/2024 20:32 CH
Ngăn chặn nạn bắt chim sẻ bằng keo dính
Thứ Ba, 17/09/2019 12:43 CH

Ông T.V.T bắt chim sẻ bằng keo dính tại khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh. Ảnh: LÊ VĂN HÙNG

Với quan niệm chim trời cá nước, ai cũng có thể đánh bắt tùy ý nên thời gian gần đây, tình trạng săn bắt tận diệt chim sẻ bằng keo dính rộ lên từ khu vực nông thôn đến thành thị. Đang vào thời điểm thu hoạch lúa hè thu, nên những ngày qua nhiều đàn chim sẻ đến các cánh đồng, điểm phơi lúa để tìm thức ăn. Vì vậy mà nhiều người tìm đến những điểm này để bẫy chim.

 

Chúng tôi theo chân ông T. V. T chuyên bẫy chim sẻ ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa để tìm hiểu việc bẫy chim sẻ. Dụng cụ mang theo là 1 cây cần tự chế có 2 thanh ngang bằng nhôm được quấn lớp vải mỏng, bôi một lớp keo dính, 1 cái máy nhỏ để phát tiếng chim gọi đàn. Ông T đặt cần nhôm vào trụ điện dọc đường, mở máy loa phát tiếng, chỉ 10-20 phút là đàn chim sẻ quần đảo xung quanh khu vực đặt bẫy, sau đó hàng chục con chim đáp vào cần và bị dính chặt bởi chất keo. Ông T cho biết, hàng ngày ông rảo xe qua các xã, thị trấn ở huyện Đông Hòa, Tây Hòa. Việc bẫy chim sẻ bằng keo rất hiệu quả, có ngày bắt vài trăm con. Chim sẽ bẫy được do chất keo làm chân, lông chim xơ cứng nên phải làm thịt bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu với giá 4.000-6.000 đồng/con, nên có thu nhập khá.

 

Ông T còn tiết lộ, hiện trên địa bàn huyện Đông Hòa và Tây Hòa có nhiều người đi bẫy chim sẻ bằng keo dính. Trước đây ít người làm công việc này nên lượng chim bẫy được hàng ngày khá nhiều, nhưng nay do nhiều người cùng làm nên số lượng giảm. Có ngày ông phải đi vài chục cây số, thậm chí đến TP Tuy Hòa để bẫy chim.

 

Nhiều người cho biết, hiện nay ởvùng nông thôn màtiếng chim sẻ cứthưa dần, lượng chim giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái. Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành. Người nông dân buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Chính việc săn bẫy chim một cách tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài chim và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người... Theo các nhà khoa học, mỗi con chim sẻ bắt sâu bọ và ăn từ 300-400 hạt cỏ dại/ngày nên rất có ích cho ngành Nông nghiệp.

 

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên tăng cường tuyên truyền người dân về vai trò của các loài chim trời nói chung và chim sẻ nói riêng, góp phần cân bằng sinh thái môi trường sống.

 

LÊ VĂN HÙNG (TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek