Thứ Hai, 23/09/2024 16:18 CH
Để thói nịnh bợ không còn đất sống
Thứ Hai, 21/01/2019 07:00 SA

Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg phê duyệt đề án Văn hóa công vụ.

 

Đề án này tập trung vào bốn vấn đề lớn mà cán bộ, viên chức, công chức cả nước phải tuân thủ. Đó là tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức lối sống; trang phục. Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đề án nêu rõ “cán bộ, công chức, viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng”. Ở đây không nói đến động cơ như thế nào, chỉ xin bàn về việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vốn lâu nay không phải hiếm hoi ở các cơ quan, đơn vị.

 

Trong thực tế cuộc sống, thói nịnh bợ (nịnh nọt, bợ đỡ) đã có từ ngàn xưa, diễn ra với nhiều hình thức phong phú từ cụ thể, trần trụi đến tinh vi, tế nhị. Thậm chí, vào tháng 8/2015, đã có người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về hành vi nịnh tại Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, gây xôn xao dư luận.

 

Sở dĩ thói nịnh bợ vẫn sống dai dẳng cho đến ngày nay là do thời nào cũng có người ưa nịnh và có người lấy nịnh làm phương châm sống, làm công cụ để thu lợi cho mình, để tiến thân trên đường công danh, sự nghiệp.

 

Ở nơi nào thói nịnh bợ hoành hành thì nơi ấy những người tử tế không an tâm làm việc, không có cơ hội để cống hiến tốt nhất cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị như dân gian đã ví von “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt/Lọt luồn, lươn lẹo lẹ lên lương”! Vì sao có nịnh bợ? Nguyên nhân đơn giản là bởi người đứng đầu cảm thấy “sướng” vì những lời lẽ tán dương “có cánh” nên ảo tưởng về tài quản trị, lãnh đạo của mình và nhìn nhận, đánh giá sai về người khác - nhất là những người hay phản biện, không ngại bày tỏ chính kiến, quan điểm cá nhân vì lợi ích chung của tập thể.

 

Bên cạnh đó, những lợi ích vật chất mà kẻ nịnh bợ cung phụng qua các hoạt động “nghĩa tình” càng góp phần làm cho thủ trưởng xa rời những người chính trực trong đơn vị. Còn kẻ xu nịnh với ý đồ vun vén quyền lợi nhiều mặt cho bản thân thì không từ mọi thủ đoạn, phương cách nào để đạt được mục đích đề ra. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cơ quan có người nịnh bợ tác oai tác quái, cứ hoạt động cầm chừng, rị mọ theo kiểu “đến hẹn lại lên” mà không có đóng góp tích cực gì cho sự phát triển của xã hội. Chưa kể có nơi còn xảy ra nội bộ lục đục, đấu đá, tố cáo lẫn nhau dẫn đến hệ quả tiêu cực như bị kỷ luật Đảng và chính quyền, vi phạm pháp luật sa vào vòng tố tụng…

 

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà đề án Văn hóa công vụ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên. Vậy phải làm thế nào để giảm thiểu tác hại của thói nịnh bợ?

 

Có thể khẳng định rằng, sở dĩ thói nịnh bợ vẫn sống “khỏe” là do có người ưa nịnh. Chỉ khi nào cuộc sống không còn người ưa những lời đường mật thì mới hy vọng thói nịnh bợ tự mất đi. Ở các cơ quan, đơn vị, nếu thủ trưởng kiên quyết nói “không” với nịnh bợ thì cấp dưới không dám và không có cơ hội thể hiện.

 

Vì thế, muốn chống thói xấu này thì phải bắt đầu ngay từ cấp trên. Trong đó điều quan trọng, cốt yếu nhất là người đứng đầu phải thật tỉnh táo, cảnh giác để nhận ra đâu là lời khen thật lòng, đâu là những tâng bốc thái quá mà nhiều khi nghe rất phản cảm. Muốn vậy, người đứng đầu phải có nhân cách trong sáng, bản lĩnh vững vàng, luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác và đạo đức lối sống hàng ngày để cấp dưới noi theo. Khi thủ trưởng đã đạt chuẩn như vậy thì kẻ xu nịnh cho dù có tài giỏi, có “mưu ma chước quỷ” đến mấy cũng không thể tác động, không thể làm “diễn biến” hay “chuyển hóa” được.

 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên coi trọng đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ với tinh thần xây dựng, dám nhìn nhận những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ để cùng nhau tìm cách khắc phục hiệu quả. Đồng thời tạo điều kiện cho tập thể chỉ ra chân tướng của những người ưa nịnh nọt và xúc xiểm người khác vì động cơ cá nhân đang hiện hữu trong cơ quan, đơn vị. Song song đó, chú ý thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức công vụ, nghề nghiệp, xây dựng lối sống lành mạnh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình.

 

Loại bỏ được thói nịnh bợ là góp phần giữ vững khối đoàn kết, thống nhất, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị thật sự trong sạch vững mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

 

HOÀNG VÂN KHUÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek