Thứ Ba, 08/10/2024 19:38 CH
Cộng tác viên kể chuyện tác nghiệp cho Báo Phú Yên
Thứ Hai, 20/02/2006 09:58 SA

Họ là những cộng tác viên thân tín, có thể coi là “người trong nhà” của Báo Phú Yên. Những sự kiện nóng, những vệt đợt tuyên truyền lớn mà Tòa soạn cần có thông tin địa phương, chỉ cần “a lô” báo cho họ là ngay sau đó có tin, bài, ảnh nhanh chóng, kịp thời. Trên trang báo hôm nay, 4 cộng tác viên thân tín kể chuyện cộng tác, chuyện tác nghiệp của họ cho Báo Phú Yên.

 

TRẦN LÊ KHA: NHỚ CHUYẾN “SĂN ẢNH” THỦ TƯỚNG Ở SƠN HÒA

 

Tôi hiện là phóng viên của Đài truyền thanh huyện Sơn Hòa và thuộc loại cộng tác viên (CTV) có thâm niên của Báo Phú Yên. Không lâu sau ngày Phú Yên hoàn toàn giải phóng (1-4-1975), tôi đã là CTV của Báo Phú Yên giải phóng. Về sau cũng có cộng tác nhưng không thường xuyên lắm với Báo Phú Khánh. Chỉ từ khi tỉnh Phú Yên tái lập (1-7-1989), thì tôi cộng tác đều đặn với Báo Phú Yên cho đến nay. Tôi được nhiều anh em ở tòa soạn góp ý kiến để viết tin, bài tốt hơn; được các anh Minh Ký, Dương Thanh Xuân chỉ cho cách chụp ảnh. Nhờ vậy, việc làm báo của tôi suôn sẻ hơn.

 

Là cộng tác viên, tôi rất “sướng” khi được anh Huỳnh Hiếu – Thư ký tòa soạn, khen là người duy nhất chụp ảnh Thủ tướng Phan Văn Khải đến thị sát nơi đang xây dựng công trình thủy điện Sông Ba Hạ hôm nay. Đó là ngày 26-7-2000, tôi nhận được một cú “phôn” của tòa soạn nhờ chụp ảnh Thủ tướng. Buổi chiều, tôi phóng Honda, mang máy ảnh đến hiện trường. Nhờ quá “quen mặt” với công an Sơn Hòa nên tôi được “đặc cách”, cho vị trí tốt nhất và… hồi hộp chờ bấm máy. Rồi Thủ tướng đến, bằng máy bay trực thăng, và tôi đã có được một sê-ri ảnh quý giá. Ngay sau đó, tôi lại phóng Honda xuống thị xã Tuy Hòa để rọi ảnh (vì cho đến nay Sơn Hòa vẫn chưa có minilab!) và mang thẳng tới tòa soạn. Tôi ở lại thị xã luôn để chờ sáng hôm sau được cầm trên tay tờ báo Phú Yên nóng hổi có ảnh Thủ tướng do mình chụp trên trang nhất.

 

Tôi cũng có những kỷ niệm khó quên khác khi tác nghiệp cho Báo Phú Yên. Đó là chuyện tôi “cơm đùm, gạo dỡ” đi theo những người thợ rừng tìm mật ong, ở lại nhiều ngày trên núi rừng. Sau này tôi viết ký sự “Những người tìm hương hoa rừng” đăng trên Báo Phú Yên vào năm 2000. Tôi cũng sung sướng khi viết bài phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Suối Đá, xã Phước Tân (Sơn Hòa) khó khăn thiếu thốn nước sinh hoạt. Bài viết này được sử dụng trên Báo Phú Yên năm 2003, sau đó được các cấp, các ngành trong huyện, tỉnh Phú Yên đầu tư nguồn nước tự chảy, từ trên núi đưa nước về buôn Suối Đá. Bà con vui mừng phấn khởi có nguồn nước sử dụng, tôi cũng chia sẻ niềm vui ấy với bà con ở vùng cao này.

 

THANH HIỀN: TÔI ĐÃ VIẾT TRONG CẢM XÚC DÂNG TRÀN…

 

Cách đây hơn 4 năm, vào khoảng 19 giờ, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ các anh ở Phòng Thư ký – Biên tập Báo Phú Yên trao đổi về một đề tài cho báo Xuân Nhâm Ngọ 2002 và yêu cầu trước 9 giờ sáng hôm sau phải có bài tại Tòa soạn. Sau cú điện thoại đó, tôi ngồi thừ ra, thầm trách mình liều lĩnh vì đã nhận lời. Thời gian quá gấp. Thể loại thì chưa đụng tới lần nào… Tôi có một thói quen là những lúc căng thẳng, hay cần suy tính một điều gì quan trọng là tôi chơi game trên máy vi tính. Lúc này, tôi lặp lại thói quen đó. Được chừng nửa tiếng thì tít bài và những ý tứ xuất hiện dần trong đầu tôi, và thế là tôi bắt tay vào viết. Thật kỳ lạ là chỉ sau câu mào đầu “Anh thân mến! Xuân đến với Sông Cầu từ khi nào nhỉ?”, lập tức những hình ảnh mà tôi trực tiếp chứng kiến về sức tàn phá, thiệt hại về người và của do cơn bão số 8 tháng 11-2001 gây ra ở huyện Sông Cầu cứ ùa về trong tôi. Rồi kỷ niệm về những chuyến cùng phụ nữ miền Tây, hay các đoàn trong thành phố Hồ Chí Minh đi cứu trợ từng thùng mì tôm, bao gạo, tấm tôn lợp, quần áo… cho đồng bào có người thân bị chết, nhà cửa bị sập, tàu thuyền bị chìm… Dòng cảm xúc về đau thương nơi bão tràn qua, về những tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của nhân dân mọi miền đất nước, về tinh thần tự lực tự cường, nhường cơm sẻ áo của người dân địa phương, và cả sức sống, niềm tin, hy vọng khi mùa Xuân đang đến nơi vùng tâm bão đi qua này… Tất cả cứ tuôn chảy trong tôi, và nguồn cảm xúc đó đã giúp tôi viết một mạch đến khi xong bài báo mà không cần phải sửa câu nào, đoạn nào. Có thể nói đến nay, trong hơn 20 năm cầm bút, chưa lần nào tôi viết say sưa, ngập tràn tình cảm như lần đó.

 

Từ đó đến nay, mỗi lần đọc lại bài báo dưới dạng một bức thư “Xuân về trên vùng tâm bão Sông Cầu” được đăng ở vị trí rất đẹp trên Báo Xuân Phú Yên, tôi vẫn rất xúc động. Cũng nhờ Báo Phú Yên mà tôi có được kỷ niệm sâu sắc đó trong chặng đường cầm bút và cộng tác với báo viết tỉnh nhà.

 

PHƯƠNG OANH: SỰ CỐ TRONG MỘT CHUYẾN CÔNG TÁC

 

Lần ấy, tôi vào Vũng Rô để viết về đời sống của cán bộ chiến sĩ biên phòng và nhân dân trên địa bàn khi cảng Vũng Rô chính thức trở thành cảng biển cửa khẩu để gởi cho Báo Phú Yên. Đến nhà trưởng thôn Hồ Bon, tôi được nghe bà con hồ hởi kể những dự định của cả làng Vũng Rô khi đường Phước Tân – Bãi Ngà đưa vào sử dụng, về cảng cửa khẩu, rồi những dự án du lịch… Sau một ngày làm việc, trong tâm trạng hưng phấn, tôi quyết định trở về theo đường Phước Tân – Bãi Ngà để thưởng ngoạn con đường “mới mở chạy thẳng băng, một chút là về đến thị xã ngay” theo lời “tiếp thị” của bà con. Nhưng chỉ qua hơn 1km đường vừa được ủi phẳng, tôi đã phải dở khóc dở cười khi chiếc xe máy cứ nhảy lên chồm chỗm rồi rớt xuống ành ạch trên con đường gập ghềnh đầy những đống đất đá núi, bụi tung ngập mặt. Tôi “nhắm mắt”, nắm chặt tay lái cố chạy. Càng đi càng sợ vì cả chặng đường dài không có lấy bóng người, lại không biết mình đã đi được đến đâu rồi?!. Tôi chỉ còn cách thì thầm cầu mong xe đừng xẹp lốp. Đến Hòa Tâm đã gần bốn giờ chiều, người bắt đầu run lên vì từ sáng đến giờ không ăn gì. Chưa hoàn hồn, lại nghe người đi đường bảo rằng: Cầu qua Hòa Hiệp không đi được. Tôi bủn rủn… cắm cổ chạy ngược lại, tìm ngả rẽ để đi về hướng quốc lộ 1A. Ra được quốc lộ, dừng xe, ngoái cổ nhìn lại, mới thấy cả buổi chiều mình đã chạy được một vòng “gần tròn” quanh đèo Cả!. Sau mới biết do đường vừa xong giai đoạn phá núi bà con chạy thử thấy thông được, phấn khởi quá nói chạy được “thẳng băng”. Mà, cũng nhờ “sự cố” này tôi có thêm kinh nghiệm và luyện được một chút “dũng khí” cho những chuyến đi sau.

 

MẠNH HOÀI NAM: KHÓ, KHỔ VẪN… MÊ

 

Bắt đầu học năm thứ 3 lớp đại học Báo chí – hệ tại chức (tức là cách đây 3 năm) tôi bắt đầu cầm bút “lén phéng” viết báo. Báo Phú Yên là nơi tôi gởi “niềm tin” đầu tiên. Một người cộng tác viên viết báo thật khó khăn trong việc lấy số liệu. Thú thật trong khoảng thời gian viết báo tôi chỉ dám “vào cửa” xã, còn “vào cửa” huyện thì không dám bạo gan. Bởi vì công việc tôi hiện tại làm ở xã (ai không biết) nên không thể lên “rinh” được số liệu cấp trên. Tôi viết… cũng nhiều nhưng nhiều đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, nói cho cùng, cũng chỉ viết những bài báo… để “ca” thôi, còn viết chống tiêu cực thì… căng vì không đủ tư liệu chứng minh. Hơn nữa “lạng quạng” bị “úp nồi gạo” như chơi.

 

Chuyện buồn, có một lần tôi “mang râu đội mũ” vượt qua gần 30 cây số đường dốc về một xã vùng cao để lấy số liệu thu thập tin tức viết bài. Đến nơi, anh văn phòng “làm căng”, đòi thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Tôi bó tay… ngồi năn nỉ “trẹo” họng anh vẫn không hề… Thế là tôi lủi thủi ra về… trưa nắng, khát nước khô cổ, mặt mày méo xẹo.

 

Khó, khổ là vậy nhưng tôi vẫn rất mê nghề báo, thích làm báo dù chỉ là “nhà báo không thẻ”.         

 

ĐỨC THÔNG (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek