Thứ Hai, 30/09/2024 18:40 CH
Học văn sẽ làm gì?
Thứ Năm, 16/04/2015 09:00 SA

Nhà thơ Phan Hoàng (bìa phải) cùng các đồng nghiệp Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc về trường dự Hội thảo GS Hoàng Như Mai - Cuộc đời và sự nghiệp cuối năm 2014 - Ảnh: CTV

Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Văn học và ngôn ngữ (trước đây là Khoa Ngữ văn/Ngữ văn và báo chí). Từ cái nôi này, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp và thành đạt, nhất là trên lĩnh vực báo chí và văn chương. Nhiều người đã được giữ lại trường tiếp tục học nâng cao và giảng dạy. Tuy nhiên, nhớ lại suốt bốn năm đại học, một câu hỏi cứ mãi ám ảnh tôi: Học văn sẽ làm gì?

 

Tôi rời quê hương Phú Yên, bước vào cánh cổng đại học năm 1987. Hồi ấy, trường đại học rất ít, thi đậu đại học là niềm tự hào lớn. Có tỉnh mỗi năm chỉ vài người được vào đại học. Chúng tôi hay hỏi nhau “Học văn sẽ làm gì?”, và tự trả lời nhiều cách, nhưng vẫn chẳng thuyết phục. Và câu hỏi ấy vẫn mãi ám ảnh tôi và bạn bè.

 

Học văn để sáng tác? Trường không dạy viết văn. Chúng tôi sáng tác chỉ vì có chút năng khiếu văn chương. Học văn để làm báo? Lúc ấy trường chưa có ngành báo chí - truyền thông, chúng tôi cũng không hề học một chút gì về nghiệp vụ báo chí. Học văn để làm nghiên cứu, dạy học hoặc tuyên giáo chẳng hạn? Chúng tôi không được dạy bất cứ phương pháp nào liên quan đến những ngành này. Vậy học văn sẽ làm gì?

 

Ngoài những môn học cơ bản như triết, kinh tế, ngoại ngữ, logic học thì chúng tôi được trang bị kiến thức chính về các môn văn học và ngôn ngữ. Đến năm thứ ba, sinh viên tách ra phân theo hai chuyên ngành này. Thầy dạy chúng tôi gồm nhiều thế hệ. Những thầy cô lớn tuổi như Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Mai Cao Chương, Nguyễn Hàm Dương, Bùi Khánh Thế, Chu Xuân Diên, Đinh Lê Thư… Thầy cô trẻ hơn có Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Huệ, Lê Tiến Dũng, Huỳnh Chương Hưng, Phan Xuân Viện, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Công Đức, Nguyễn Ngọc Quang, Đoàn Lê Giang, Lê Khắc Cường… Và một số thầy cô thỉnh giảng từ các khoa hoặc trường khác. Đồng lương ít ỏi, điều kiện sống chật vật, nhưng thầy cô nào cũng hết sức tận tâm, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, công bố nhiều công trình quý giá tiêu biểu.

 

Chúng tôi không rõ học văn rồi sẽ làm gì, nhưng chính sự vượt khó và nhiệt tình truyền thụ kiến thức của các thầy cô đã thắp sáng hơn trong chúng tôi ngọn lửa đam mê chữ nghĩa. Tôi nhớ mãi chuyến đi điền dã về ngôn ngữ Chru ở Đơn Dương, Lâm Đồng do cô Đinh Lê Thư dẫn đoàn, với sự tham gia của các thầy Phan Xuân Viện, Bùi Văn Tiếng, Lê Khắc Cường... Các thầy cô không ngại băng rừng lội suối đến các bản làng xa xôi hẻo lánh để thu thập dữ liệu và hướng dẫn sinh viên thực tập. Ăn uống kham khổ. Mờ sáng, đoàn chia nhau lên đường. Tối về cùng lăn ra ngủ trên nhà sàn bà con dân tộc, chịu đựng đủ thứ côn trùng tấn công. Dù lớn tuổi nhưng cô Đinh Lê Thư vẫn đi với chúng tôi tới cùng. Có ngày, thầy Lê Khắc Cường cùng tôi lội bộ hàng chục cây số đến những nơi mà người Chru bản địa vẫn còn giữ được ngôn ngữ gốc, chưa pha tạp, để hỏi han, ghi chép. Khi trở về trời tối như mực, phải dò từng bước đường rừng, nhưng không ai có cảm giác sợ hãi…

 

Bốn năm học văn, đặc biệt là chuyến đi thực tế ở rừng núi Đơn Dương là động lực quan trọng, không chỉ giúp chúng tôi có dữ liệu làm luận văn tốt nghiệp, mà còn giữ chúng tôi ở lại với con đường chữ nghĩa. Ngay trong năm thứ ba, Lê Thanh Liêm (Hà Thạch Hãn) và tôi đã có nhiều bài đăng trên các báo. Nhờ đó, hai chúng tôi cũng là những người đầu tiên trong số hơn 60 bạn đồng khoa sau khi ra trường đã bước ngay vào nghề báo chuyên nghiệp. Một số bạn khác của lớp ngôn ngữ thì học tiếp ngành này để nghiên cứu, giảng dạy. Nhiều bạn bên chuyên ngành văn cũng lần lượt đi làm báo hoặc xuất bản. Nói chung, đa số các bạn đều gắn liền với văn chương, chữ nghĩa.

 

Có thể nói, hành trình học tập và làm việc của khóa 1987-1991 chúng tôi là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh từ giữa thập niên 1990 trở về trước. Mặc dù không được đào tạo báo chí thực thụ, nhưng nền tảng tri thức từ cái nôi ngữ văn này giúp nhiều người trở thành những cây bút chủ lực, giữ những vị trí quan trọng trong làng báo phía Nam, nhất là ở TP Hồ Chí Minh hiện nay như: Huỳnh Dũng Nhân, Lê Tiền Tuyến, Nam Bình, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Thúy Nga, Thu An, Thanh Hà, Lê Minh Quốc, Việt Dũng, Lê Đại Anh Kiệt, Nguyên Hạnh, Quốc Hương, Ngọc Vinh, Trần Hiếu, Đặng Việt Hoa, Hữu Thân, Cao Minh Hiển, Khắc Văn, Tấn Tú, Ngọc Bay, Trường Sơn… và hàng trăm nhà báo khác. Kể từ khi ngành báo chí được đưa vào giảng dạy, trở thành một phần của khoa, thì các bạn thế hệ sau càng gia nhập làng báo đông đảo, trong đó có nhiều bạn từ Phú Yên như: Tấn Lộc, Quốc Khương, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Bằng, Trần Hoàng Nhân… Tuy nhiên, theo tôi được biết, cựu sinh viên ba khóa 1983-1987, 1986-1990 và 1987-1991 là lực lượng làm báo hùng hậu nhất trong lịch sử 40 năm của Khoa Ngữ văn. Đặc biệt, có người làm báo, truyền thông, xuất bản, dạy học nhưng vẫn đam mê sáng tác văn chương. Đồng thời, từ cái nôi ngữ văn này, nhiều sinh viên đã được ở lại trường hoặc sang trường khác giảng dạy đại học và nghiên cứu, sáng tác như: Nguyễn Văn Huệ, Trịnh Sâm, Nguyễn Hữu Chương, Lê Khắc Cường, Bùi Văn Tiếng, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Đào Mục Đích, Hồ Xuân Mai, Lê Thị Thanh Tâm…

 

Ngoài văn chương, báo chí, xuất bản, giảng dạy thì nhiều sinh viên ngữ văn còn chuyển sang làm việc ở nhiều ngành nghề khác và gặt hái thành công.

 

Năm 2015 kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nay là Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Bây giờ thì câu hỏi “Học văn sẽ làm gì?” đã được chúng tôi giải đáp. Một số thầy cô đã già yếu hoặc vĩnh viễn đi xa. Có những bạn đồng môn cũng không còn nữa. Về lại cái nôi tri thức với biết bao kỷ niệm buồn vui. Được gặp lại thầy cũ bạn xưa là niềm hạnh phúc, tiếp thêm ngọn lửa tin yêu cho mỗi người vững vàng bước tiếp.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đỗ xe lấn chiếm đường
Thứ Ba, 14/04/2015 08:21 SA
Nỗi lo khô hạn trên đồng ruộng
Thứ Hai, 30/03/2015 10:13 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek