* Hỏi:
Thừa phát lại (TPL) là hoạt động chưa phổ biến ở Phú Yên, vì vậy để kinh doanh loại hình này, thương nhân cần đáp ứng những điều kiện gì theo pháp luật hiện hành?
Anh Võ Đình Thiên (TP Tuy Hòa)
* Trả lời:
LS Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên) trả lời:
Với mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực tham gia xây dựng và thực hiện chế định TPL nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là tòa án và cơ quan thi hành án dân sự các cấp. Vì vậy, TPL là một chức danh bổ trợ tư pháp và là tên gọi của một nghề luật được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm. Chức danh này cũng giống tên gọi các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, công chứng viên, đấu giá viên…
Theo đó, văn phòng TPL là tổ chức hành nghề của TPL do UBND tỉnh quyết định cho phép thành lập. Trong đó các điều kiện để đăng ký thành lập văn phòng TPL, gồm: phải có trụ sở đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật; có tổ chức bộ máy do TPL làm trưởng văn phòng. Văn phòng TPL được mở tài khoản, có con dấu, đăng ký mã số thuế và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính…
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, văn phòng TPL phải thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Sau khi nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động văn phòng TPL, sở sẽ cấp giấy đăng ký hoạt động của văn phòng TPL. Riêng về khoản phí, các văn phòng TPL thu theo quy định pháp luật.
Tiêu chuẩn để bổ nhiệm TPL được quy định cụ thể như sau: là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; không có tiền án; có bằng cử nhân luật; đã công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên; có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề TPL do Bộ Tư pháp tổ chức; không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, TPL được thực hiện những công việc như tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự..
LỆ VĂN (thực hiện)