* Hỏi:
Năm 2011, cha tôi mất đột ngột do tai nạn giao thông, để lại mẹ tôi với 3 anh em. Tôi là con trai đầu, sau là 2 em gái lần lượt 25 và 23 tuổi, đang làm công nhân. Trước đó, cha tôi là kế toán của thôn nên có làm một số giấy tờ vay vốn tín dụng của xã. Cha tôi cũng lấy giấy tờ nhà đất thế chấp mà không được sự đồng ý của mẹ tôi; ông đã giả chữ ký của mẹ tôi để hợp thức hóa vay vốn. Lý do vay vốn là để nuôi con học đại học và làm các dự án trồng rừng. Nhưng sau này tôi biết các lý do vay đều là trên giấy tờ chứ không có dự án nào cả, số tiền đó được chi cho việc chơi đề và đánh bạc của cha tôi. Nay đơn vị tín dụng của xã nơi tôi cư trú bắt chúng tôi trả hết số tiền vay (khoảng 80 triệu đồng), nếu không sẽ lấy ngôi nhà. Gia đình tôi hiện không có khả năng chi trả số tiền lớn đó.
Tôi xin hỏi, số nợ đó chúng tôi có bắt buộc phải trả không và trả như thế nào? Làm thế nào để gia đình tôi có thể lấy lại được giấy tờ đất mà không tốn hoặc tốn ít chi phí nhất?
NGUYỄN HÙNG VĂN (huyện Phú Hòa)
* Trả lời:
Nếu giấy tờ nhà đất do cha bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cả hợp đồng vay vốn tín dụng và hợp đồng thế chấp đó vẫn có hiệu lực. Khi cha bạn chết, mẹ bạn và 3 anh em bạn sẽ nhận thừa kế từ di sản cha bạn để lại, điều này có nghĩa là nhận cả quyền và nghĩa vụ phát sinh như theo Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, cụ thể là:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.
Vì gia đình bạn không đủ khả năng trả số tiền vay (khoảng 80 triệu đồng) nên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà sẽ được phát mãi để trả cho xã. Số tiền còn lại sau khi thanh toán khoản vay đó sẽ trả lại gia đình bạn.
Còn nếu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là tài sản chung của vợ chồng thì theo khoản 3 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:
“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình…”
Do đó, việc bạn chứng minh được hợp đồng đó đã bị cha bạn giả mạo chữ ký của mẹ bạn thì hợp đồng thế chấp này sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, căn cứ tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định về quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm là: "Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Cho nên, dù hợp đồng thế chấp vô hiệu thì hợp đồng vay vốn tín dụng vẫn còn hiệu lực. Do đó, sau khi cha bạn chết thì mẹ và 3 anh em bạn được hưởng thừa kế từ di sản cha bạn để lại, cùng với đó là việc thay cha bạn trả khoản nợ trên. Tuy nhiên, nếu số tiền phải trả vượt quá số tài sản do người chết để lại thì những người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phần số tài sản của người chết để lại đó. Vì thế, nếu số tài sản mà cha bạn để lại (gồm tài sản riêng + 1/2 giá trị trong khối tài sản chung vợ chồng + % giá trị trong số tài sản chung khác đã đóng góp) không đủ để trả khoản nợ 80 triệu đồng, thì gia đình bạn chỉ phải trả trong số tài sản để lại này mà thôi.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)