* Hỏi: Tôi có một chiếc xe máy, do sơ suất nên bị trộm lấy mất. Sau một thời gian, tôi nhận được thông báo là xe của tôi bị công an giữ và gọi tôi lên giải quyết vì xe đó gây ra tai nạn cho người khác và người gây tai nạn thì bỏ trốn nên người bị tai nạn yêu cầu tôi phải bồi thường cho họ. Với trường hợp này, tôi có phải chịu trách nhiệm không?
VÕ THỊ LOAN (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa)
* Trả lời:
Theo quy định tại Điều 604 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Trên cơ sở Điều 604 của Bộ luật Dân sự, điểm I.1 của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
Thứ nhất là phải có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
Thứ hai là phải có hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.
Thứ ba là phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Thứ tư là phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Lỗi cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật cho thấy, do bạn không phải là người gây tai nạn và xe của bạn bị trộm cắp, cho nên bạn không có lỗi với thiệt hại xảy ra, do vậy bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)