Ông Lý Văn T, trú tại huyện Tuy An hỏi: Con tôi là người chưa thành niên, sắp bị tòa án đưa ra xét xử về tội Cố ý gây thương tích. Để được tòa án xem xét cho hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, tôi đã đem tiền đến nhà bị hại để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, thế nhưng, phía bị hại đã đuổi tôi ra khỏi nhà và không chịu nhận tiền bồi thường. Tôi phải làm gì để con tôi được hưởng tình tiết giảm nhẹ?
Trả lời: Theo hướng dẫn tại điểm c và d tiểu mục 1.1 mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định: Cũng được áp dụng tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu thuộc các trường hợp sau đây:
“c/ Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
d/ Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, nếu ông đến nhà bị hại để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nhưng phía bị hại không nhận thì ông có thể mang tiền đến giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; hoặc nếu ông có đủ chứng cứ chứng minh rằng mình đã tự nguyện dùng tiền để bồi thường thiệt hại nhưng phía bị hại đã từ chối và ông đem tiền về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu, thì trường hợp này con của ông vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG