Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013. Qua hơn 1 tháng đi vào cuộc sống, Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến của cán bộ công đoàn cơ sở về vấn đề này.
* ANH HUỲNH THANH DƯƠNG, CHỦ TỊCH CĐCS CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP KCP VIỆTNAM: Quy định mức lương tối thiểu có lợi cho người lao động
Theo tôi, thời gian qua, việc ban hành quy định về mức lương tối thiểu đã được Chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu quy định thời gian qua là chưa sát với thực tế đời sống, chưa tương xứng với sức lao động của người lao động bỏ ra và chưa bảo đảm cho họ đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, việc BLLĐ 2012 quy định các căn cứ để xác định tiền lương tối thiểu theo vùng và thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia với các thành phần tham gia làm chúng tôi và nhiều anh em công nhân phấn khởi. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu sát với thực tế cuộc sống hiện nay, làm cơ sở cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động phù hợp.
* CHỊ ĐẶNG THỊ HỒNG HÀ, CHỦ TỊCH CĐCS CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP SEMCO PHÚ YÊN (KCN HÒA HIỆP): Tạo điều kiện cho nữ lao động chăm sóc con nhỏ tốt hơn
Tôi rất mừng vì BLLĐ 2012 quy định thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ trước và sau khi sinh con 6 tháng (thay vì 4 tháng như trước đây). Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. So với trước đây, BLLĐ 2012 quy định thời gian nghỉ thai sản dài hơn 2 tháng, tạo điều kiện cho các lao động nữ có điều kiện nghỉ ngơi nhiều hơn trước và sau khi sinh con; hết thời gian nghỉ thai sản trở lại làm việc bảo đảm sức khỏe làm việc; đồng thời, tạo điều kiện cho lao động nữ có điều kiện chăm sóc con tốt hơn…
* ÔNG ĐÀO VĂN RÊ, CHỦ TỊCH LĐLĐ HUYỆN ĐÔNG HÒA: Tạo sự hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động
BLLĐ 2012 có điểm mới tôi rất tâm đắc là quy định việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động và bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Theo tôi, BLLĐ 2012 quy định việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc sẽ bảo đảm việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động. Qua đó, người lao động biết được tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn, an tâm lao động sản xuất; người sử dụng lao động nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời động viên, giải quyết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và hạn chế thấp nhất đình công, lãn công trong các doanh nghiệp.
THÁI NGỌC (thực hiện)