Thứ Sáu, 29/11/2024 10:44 SA
Nhọc nhằn nghề khiêng vác cá
Thứ Bảy, 04/08/2012 18:00 CH

Không chữ nghĩa, không nghề nghiệp, phần lớn phụ nữ ở các làng biển phải mưu sinh hết sức nhọc nhằn…

khien-ca120804.jpg

Khiêng vác cá vào bờ ở cảng cá phường 6 - Ảnh: N.DUNG

Trời vừa hửng sáng, tiếng nói cười ồn ã, tiếng gọi nhau í ới lẫn trong tiếng thuyền máy xình xịch phá tan sự tĩnh lặng ở cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa). Trong khung cảnh náo nhiệt ấy, chị Nguyễn Thị Hương cùng hơn 10 phụ nữ khác chạy đi chạy lại tất bật với việc khiêng cá vào kho đông lạnh. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi đẫm ướt trên trán, chị Hương tươi cười: “Hôm nay chủ thuyền trúng cá bò gù nên vào cảng sớm. Tôi với mấy chị trong tổ khiêng từ tờ mờ sáng đến giờ mà vẫn chưa hết cá”. Dù mệt bở hơi tai nhưng chị Hương rất vui, vì chị biết hôm nay thể nào chủ thuyền cá cũng trả công cho mấy chị em trong đội của mình một khoản tiền kha khá.

Trò chuyện với chị Hương và những phụ nữ khác trong đội, chúng tôi mới biết, ở bến cá phường 6 có trên 30 phụ nữ làm công việc khiêng vác cá thuê ở nhiều đội khác nhau. Mỗi đội thường “bầu” ra một đội trưởng. Đó thường là người có “thâm niên” trong nghề, uy tín, có khả năng quen biết nhiều chủ thuyền để “kéo” công ăn việc làm về cho đội. Bởi các đội chỉ “được phép” khiêng cá cho những chủ thuyền quen của họ, theo phương châm thuyền quen của đội nào đội nấy làm, không được “lấn sân” sang các thuyền khác. Chính vì thế, không bao giờ xảy ra chuyện cãi cọ, tranh cướp công việc của nhau.

Mỗi đội thường có trên dưới 10 người, chia làm hai tốp. Một tốp khiêng cá dưới bến vào bờ, tốp còn lại khiêng cá từ bờ vào cơ sở chế biến. Những con cá nặng trên 50 ký chỉ hai người là đủ, nhưng với những con cá nặng cả trăm ký phải cần đến sức lực của bốn người mới có thể đưa được cá vào kho.

Chị Hương 22 tuổi, là người trẻ nhất đội, mới “vào nghề” được hơn 2 năm nay nhưng cũng quá hiểu thế nào là nỗi cực nhọc của công việc mình đang làm. Chị thổ lộ: “Kinh tế của vợ chồng tôi không khá giả gì, lại phải nuôi con nhỏ. Để trang trải cuộc sống, chồng tôi làm nghề đi bạn cho các chủ thuyền cá trong phường, thu nhập vô chừng. Vì thế, tôi làm nghề này là để có tiền lo mắm cá hàng ngày”. Chị Võ Thị Lần hơn 13 năm trong nghề, tâm sự: “Công việc lao động chân tay này nhìn vậy nhưng cực lắm. Những hôm mát trời còn đỡ, hôm nào nắng nóng gay gắt, suốt ngày làm việc ở ngoài trời, về nhà chân tay đau nhức, mệt đến mức không nuốt cơm nổi. Nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, mình phải gắn bó thôi”. Công việc vất vả nhưng mỗi lần khiêng cá, các chị chỉ được trả từ 5.000-10.000 đồng (tùy theo trọng lượng con cá). Thông thường mỗi ngày làm việc ở đây, mỗi người kiếm được từ 50.000-100.000 đồng. Hôm nào chủ thuyền trúng nhiều sẽ “cho thêm” các chị một ít tiền công (khoảng vài chục nghìn đồng). Nhưng cũng có hôm các chị trở về nhà trong tâm trạng buồn xo vì chẳng kiếm được đồng nào khi những thuyền cá của đội vẫn còn đánh bắt ở khơi xa.

Chị Võ Thị Sương, 47 tuổi, một phụ nữ khác trong đội, thổ lộ: “Công việc tuy cực nhọc nhưng có việc làm đều đều thì cũng đỡ. Đằng này, mỗi năm mùa biển chỉ kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, từ tháng bảy đến cuối tháng 11 biển động, tàu nằm bờ không thể ra khơi thì chúng tôi mất việc làm”. Chính vì thấu hiểu cuộc sống nhọc nhằn của phụ nữ làng biển nên chị Sương quyết tâm cho các con ăn học. Hai cô con gái của chị, một đang học Trường trung học Y tế Phú Yên, một đang học cấp hai. Với chị Sương, chỉ có con đường học tập mới có thể đem lại tương lai tươi sáng cho các con mình. Hơn 5 năm khiêng cá, bây giờ hai vai đau nhức, nhưng chị bảo phải cố gắng để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Câu chuyện về những phụ nữ làng biển nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh không chỉ có ở bến cá phường 6, mà còn có ở nhiều bến cá khác như Đông Tác (TP Tuy Hòa), Xuân Hải (TX Sông Cầu)… Để có miếng cơm manh áo, họ còn phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc khác như gánh dầu, gánh nước, vác đá thuê ... Họ - những phụ nữ chân yếu tay mềm - sẵn sàng đảm nhận những công việc nặng nhọc để lo cho cuộc sống gia đình. Ở đó có những ước mong về một cuộc sống sung túc, an vui. Nhưng mong ước ấy không thể thực hiện được nếu họ không được tiếp sức. Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN phường 6, trăn trở: Việc làm cho phụ nữ vùng biển lâu nay luôn là vấn đề mà Hội trăn trở rất nhiều. Thông qua các chương trình khai thác vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi cũng luôn ưu tiên xét cho những hộ phụ nữ khó khăn, tuy nhiên nguồn vốn có hạn. Vì thế, chỉ có thể giải quyết một phần nào đó cho một số ít chị em để họ cải thiện cuộc sống gia đình mà thôi…

NGỌC DUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek