Tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản tại các vùng nông thôn, nhất là miền núi ngày càng diễn ra phổ biến. Hậu quả là chẳng những các loài thủy sản bị hủy diệt mà nguy hiểm hơn, dẫn đến chết người do điện giật
Nhiều người dân ở miền núi dùng xung điện đánh bắt cá rất nguy hiểm - Ảnh: P.NAM
Về các vùng nông thôn, thỉnh thoảng bắt gặp người dân dùng bộ xung điện được độ chế bằng linh kiện điện tử và bình điện ắc quy để châm cá. Anh N.V.T, một người dân sử dụng thiết bị này ở huyện Đồng Xuân cho biết, để có được bộ xung điện phải mất ít nhất từ 200.000 - 300.000 đồng. Thiết bị đánh bắt này được đấu nối sẵn, chỉ cần châm song song hai cực dương và âm xuống nước thì bất cứ loại cá nào cũng phải trồi đầu giãy chết. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tầm sát thương, thậm chí hủy diệt đối với các loài thủy sản, thủy sinh của bộ xung điện (loại trung bình và nhỏ) trong vòng bán kính trên dưới 2m, làm cho trứng và các loài tảo cũng bị hủy diệt. Đó là chưa nói đến các bộ xung điện cỡ lớn, được đấu nối bằng nhiều bình ắc quy ô tô, cường độ dòng điện có thể lên đến vài chục ampe, điện thế được kích lên gần nghìn volt. Loại xung điện này thường được các đối tượng dùng để đánh bắt mang tính thương mại trên biển và những con sông lớn, khiến các loài thủy sản, kể cả cá nặng hàng chục kg cũng phải phơi bụng nổi lên mặt nước, các loài nhỏ hơn và trứng thủy sản bị tiêu diệt hoàn toàn.
Theo những người có “thâm niên” nghề này, trung bình một ngày đi châm cá, nếu trúng cũng chỉ thu được khoảng 50.000 đồng nhưng tai nạn luôn rình rập.
Từ đầu năm 2006 đến nay, có 4 trường hợp tử nạn thương tâm do dùng xung điện đánh bắt thủy sản, trong đó riêng huyện Đồng Xuân xảy ra 2 trường hợp. Gần đây nhất, trong lúc đánh bắt lươn trên ruộng môn thuộc thôn Đại Bình, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), anh Nguyễn Vũ Huy đã bị điện giật chết tại chỗ. Theo các chuyên gia ngành điện, do cường độ dòng điện lớn, điện thế cao nên khả năng truyền dẫn điện dưới nước của bộ xung điện rất tốt và lan truyền xa nên chỉ cần có sự cố chập điện, hoặc trượt chân ngã xuống nước, tính mạng của người đi châm cá sẽ bị xung điện uy hiếp trực tiếp dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói là đã có quy định nghiêm cấm sử dụng xung điện trong đánh bắt thủy sản, nhưng tình trạng này không những thuyên giảm mà ngày càng bùng phát, nhất là trong thời gian gần đây. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng này, các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần kiểm tra, xử lý các cơ sở độ chế, mua bán bộ xung điện, chất nổ, các loại chất độc gây hại đến tính mạng con người, thủy sản và môi sinh. Đồng thời thống kê, kiểm soát những đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản ở địa phương; thường xuyên vận động, nhắc nhở, kiên quyết tịch thu, xử phạt, qua đó tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân về mức độ nguy hiểm khi sử dụng thiết bị này.
BÌNH MINH