Nghị định 102/2011/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Đây là lần đầu tiên vấn đề bảo hiểm trách nhiệm cho một nghề nhiều rủi ro như nghề y được quy định rõ ràng.
Những người làm nghề y là đối tượng cần tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp - Ảnh: H.TRUNG
BỆNH NHÂN ĐƯỢC BỒI THƯỜNG
Mục tiêu của Nghị định 102 là quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, lương y, người có bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền, người được mời đến cơ sở khám chữa bệnh hỗ trợ chuyên môn... Theo nghị định này, bệnh nhân sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả đối với các tai biến trong khám, chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh. Khi bác sĩ tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra rủi ro ngoài ý muốn dẫn đến việc bệnh viện phải bồi thường cho bệnh nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả phần này.
Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Phú Yên cho biết: Người hành nghề khám, chữa bệnh không tránh được thiếu sót trong công tác chuyên môn; đặc biệt khi làm việc với cường độ cao, bệnh nhân đông, trang thiết bị y tế còn chưa đủ... Có những trường hợp bác sĩ tuân thủ phác đồ điều trị nhưng cơ địa của bệnh nhân không thích ứng với thuốc nên xảy ra tai biến, rủi ro ngoài ý muốn. Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm trong hành nghề khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bác sĩ, y tá, điều dưỡng… “Theo tôi, bảo hiểm trách nhiệm khám, chữa bệnh sẽ giúp nhân viên y tế yên tâm hơn trong quá trình hành nghề, có thể làm hết sức mình để chữa trị cho người bệnh; nếu xảy ra tai biến sẽ có bên thứ ba là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giám định và chi trả đền bù. Trong trường hợp nếu xảy ra lỗi chuyên môn được đánh giá là do nhân viên y tế cố ý thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân”, bác sĩ Thịnh cho biết.
CÒN KHÓ THỰC HIỆN
Theo Nghị định 102/2011/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh, từ ngày 1/1/2012, các bệnh viện bắt đầu triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm về các tai biến, rủi ro trong khám chữa bệnh do lỗi của người hành nghề. Chậm nhất đến năm 2015, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có mô hình là bệnh viện hoàn tất mua loại bảo hiểm này. Các loại hình cơ sở khám chữa bệnh còn lại, chậm nhất là năm 2017 phải hoàn tất mua bảo hiểm trách nhiệm cho người hành nghề.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Công ty Bảo Việt Phú Yên cho biết: Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh chưa được coi là hình thức bảo hiểm bắt buộc. Hiện nay nghị định đã có nhưng thời gian thực hiện còn rất dài, Bảo Việt Phú Yên vẫn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Trong thời gian tới, công ty sẽ tổ chức hội thảo để giới thiệu sản phẩm, quyền lợi bảo hiểm để cá nhân, tổ chức có liên quan hiểu rõ hơn về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh; nhất là làm rõ vấn đề thẩm định nguyên nhân rủi ro, mức bồi thường… theo đánh giá của hội đồng y khoa và tòa án. Trong khi đó, Công ty Bảo Minh Phú Yên cũng đang lên kế hoạch triển khai sản phẩm này trên địa bàn tỉnh, trước hết là tiếp cận các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh để chào phí. Hiện nay mức phí bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh tại Bảo Minh phụ thuộc vào mức trách nhiệm bảo hiểm, quy mô của cơ sở khám chữa bệnh, trình độ y, bác sĩ… Phí bảo hiểm có thể tăng hoặc giảm tùy điều khoản bổ sung. “Khả năng cân đối chi tiêu của các bệnh viện đang rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tính toán đưa ra biểu phí, cùng các điều khoản giảm phí phù hợp với tình hình thực tế”, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên Võ Anh Khoa cho biết.
Theo Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Phú Yên Dương Tấn Thịnh, đơn vị có khoảng 50 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… cần được bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện sẽ nghiên cứu kỹ về biểu phí giá, quyền lợi bảo hiểm... đưa ra bàn trước tập thể để quyết định. Hiện nay đơn vị tự chủ chi thường xuyên nên có thể sử dụng nguồn phúc lợi của bệnh viện để tham gia bảo hiểm.
VIỆT AN