Không biết loại bánh này ra đời khi nào và xuất phát từ đâu, nhưng hầu như đứa trẻ nào ở vùng nông thôn Phú Yên ngày nay cũng biết đến bánh ống, một loại bánh được làm từ gạo, khoái khẩu lại rẻ tiền.
Bánh ống ra khuôn
Ngoài thành phần chính là gạo tẻ, người ta còn thêm vào bánh những phụ gia như: mì ăn liền, bắp, đường và muối…để bánh được thơm ngon hơn. Thiết bị để sản xuất bánh khá đơn giản, chỉ là chiếc cối xay có hệ thống làm nóng để nướng nguyên liệu. Một vài tiệm cơ khí ở TP Tuy Hòa có thể sản xuất được bộ phận này, với giá khoảng dưới 1 triệu đồng. Cối làm bánh được gắn qua trục xoay của một đầu máy D15. Gạo và các thành phần phụ gia trộn đều cho vào cối xay nhuyễn. Hỗn hợp này tiếp tục chảy đến trục xoay có rãnh đinh ốc, được nướng chín tại đây và cho ra sản phẩm. Bánh có dạng ống tròn (đường kính khoảng 2,5cm), bên trong rỗng, chiều dài cây bánh được cắt theo ý muốn, trông giống như những chiếc ống nên gọi là bánh ống. Bánh ống mới “ra lò” rất xốp và giòn nên phải bỏ vào bao nilông buột chặt để khỏi bị mềm, ăn mất ngon.
Những ngày cuối tuần, dịch vụ xay bánh ống di động ở các miền quê khá “đắt hàng”. Với chiếc loa tay, lời mời gọi xay bánh ống vượt những cánh đồng sắp vào mùa sạ, len lỏi giữa những bờ tre xanh, vào đến từng nhà, thúc giục đám trẻ… Đám nhóc lập tức xin mẹ, xúc gạo, rủ nhau chạy đến xếp hàng chờ xay bánh ống. Giá dịch vụ này khá rẻ, chỉ 2.500 đồng/1lon gạo làm bánh, thường mỗi nhà chỉ cần tốn 2-3 lon gạo đã có bánh đủ cho con ăn vặt trong suốt một tuần. Chưa kể có những nhà, người lớn cũng… ăn theo với con.
Quà quê dân dã là thế.
THANH HỘI