Thứ Sáu, 11/10/2024 02:20 SA
Diện mạo mới của thôn Tân Thuận
Thứ Sáu, 11/11/2011 14:00 CH

Từ năm 1975 đến 2000, thôn Tân Thuận ở dọc theo con suối Trầu cách trung tâm xã Sơn Hội (Sơn Hòa) hơn 5km. Thực hiện chương trình định canh, định cư của tỉnh và huyện, năm 2001 thôn Tân Thuận được di dời về định cư cách trung tâm xã hơn 1km.

 

tan--thuan111111.jpg

Người dân ở Tân Thuận ổn định cuộc sống nhờ biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi - Ảnh: L.KHA

“Khi còn ở khu vực suối Trầu, hàng năm người dân sản xuất du canh, trồng lúa, sắn, bắp thất bát. Đường sá đi lại càng khó khăn hơn, con em thì thất học”, già làng Ma Táp (79 tuổi) nhớ lại. Hiện nay, thôn Tân Thuận có 48 hộ với 183 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Chăm H’Roi. Ông Sô Cuộc trưởng thôn, nói: “Từ năm 2001, chúng tôi được di dời ra đây để ổn định nơi ở, đất đai được quy hoạch, bà con an tâm khai thác tiềm năng lợi thế, hàng năm đã sản xuất các loại cây trồng hơn 87ha. Vụ thu hoạch mía vừa qua, người dân đã bán cho Nhà máy đường KCP trên 160 tấn mía cây”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bà con khai thác các lưng đất thấp, sình dọc theo suối Trầu để trồng lúa nước. Nhiều hộ sản xuất lúa nước từ 1,5-2ha. Ông Ma Hoàng cho biết: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, lâm do huyện tổ chức, bà con đã đầu tư thâm canh đúng theo quy trình nên năng suất lúa bình quân đạt 45 tạ/ha/vụ”.

 

 Ngoài trồng trọt, người dân thôn Tân Thuận còn chăn nuôi gia súc. Hiện nay đàn bò toàn thôn có 124 con, đàn trâu có 95 con. Nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò mà người dân xây cất nhà cửa khang trang. Toàn thôn có 27 nhà cấp bốn, còn lại là nhà lợp ngói. Ông KSiêu Nhồng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thuận nói: “Mới định cư, thôn còn nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ tranh tre vách đất, sản xuất trồng trọt thì còn theo tập quán cũ, do đó hiệu quả kinh tế đem lại thấp kém, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực của bà con cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình 134, 135 của Chính phủ vế giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm... nên bà con có những bước chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ thiếu ăn hàng năm, nay lương thực tự cung, tự cấp tại chỗ được đảm bảo. Một số hộ khá lên như hộ Ma Giếng, Ma Bàn... nhờ trồng sắn, mía và chăn nuôi trâu, bò, hàng năm thu nhập từ 40-50 triệu đồng”. Người dân thôn Tân Thuận ngày càng có của dư, của để nuôi con ăn học thành đạt. Trong những năm qua, có 4 em tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk. Bà con trong thôn với lòng nhân ái của mình đã quyên góp nuôi 6 cháu mồ côi hiện đang học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh…

 

Ông Nguyễn Xinh Mầu, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, khẳng định: “Qua 10 năm định cư, định canh, thôn Tân Thuận giờ đã có diện mạo mới, bà con đã tự lực, tự cường và đi đúng định hướng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã đem lại hiệu quả kinh tế, đời sống vật chất tinh thần ổn định, tình hình trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek