Thứ Hai, 30/09/2024 20:21 CH
Niềm vui tuổi già
Chủ Nhật, 01/10/2006 07:43 SA

Hầu hết những người về hưu mà chúng tôi gặp đều mong muốn được sống vui khoẻ cùng con cháu và gia đình, muốn làm việc có ích cho cộng đồng. Và sự thật, nhiều người đã đóng góp rất nhiều cho những hoạt động xã hội.

 

“Hưu nhưng không nghỉ”, đó là thực tế của nhiều người già hôm nay. Với họ, còn giúp ích được gì đó cho gia đình, xã hội mới chính  là niềm vui đích thực của tuổi xế chiều.

 

MỖI CÂY MỖI HOA

 

Thời phong kiến, khi từ giã chốn quan trường, người về hưu thường tìm về với ruộng vườn, vui thú điền viên, gặp gỡ tri âm, tri kỷ bên chén trà trong sương sớm hay những thú chơi tao nhã như bình thơ, thả thơ… Hoặc lấy việc trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim… làm thú vui an nhàn dưỡng già. Bây giờ, lại có nhiều người về hưu không quen với việc “ngồi chơi, xơi nước”, nên tìm niềm vui trong kiếm việc làm thêm hoặc tham gia các hoạt động tập thể. 

 

061001-di-tich-vu-NS-CT.jpg

Hầu hết những người lớn tuổi đều muốn sống có ích cho gia đình - xã hội - cộng đồng. Trong ảnh: Các cụ già thăm lại di tích lịc sử Ngân Sơn - Chí Thạnh - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Đối với họ, tiền bạc không thành vấn đề mà quan trọng hơn là muốn thấy mình còn có ích đối với xã hội. Chú Nguyễn Văn Út, thương binh hạng 1 đã về hưu gần 10 năm nay nhưng vẫn xin ở lại để làm bảo vệ cho Sở  Lao động - Thương binh và Xã hội. Chú nói: Đi làm gặp người quen là thấy đỡ buồn. Còn những ai quan tâm đến bộ môn nghệ thuật sân khấu đều biết đến cặp vợ chồng chú Phạm Ngọc Sơn và cô Tống Phương Cơ ở khu phố  Nguyễn Đình Chiểu   (phường 7, TP Tuy Hoà). Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng vì say nghề mà cả hai vợ chồng cô chú đều tích cực tham gia vào dự  án đưa sân khấu vào học đường do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên chủ trì. Chú Sơn còn gửi niềm đam mê vào những câu thơ, những kịch bản tuồng. Trong căn nhà của “đôi uyên ương” này luôn tràn ngập tiếng cười. Cô luôn là vị giám khảo nghiêm khắc nhất cho những sáng tác mới nhất của chú. Chú vừa là người bạn đời cũng là tri âm, tri kỷ qua những câu hát ngọt ngào của cô. Hạnh phúc của họ thật đơn sơ, giản dị mà tròn đầy…

 

SỐNG VUI, SỐNG CÓ ÍCH

 

Lâu nay, CLB Hưu trí Phú Yên luôn là một địa chỉ thân thuộc của những người về hưu. Các cụ đến đây nghe báo cáo thời sự,  vui chơi, cởi mở lòng mình để rồi nhận được những lời động viên sống vui, sống tốt của nhau. Ngoài những hoạt động thường ngày, thỉnh thoảng CLB còn tổ chức những buổi giao lưu với hội thơ của các phường, tổ chức các giải cờ tướng, bóng bàn… Bên bàn cờ, các cụ ông mải mê với những thế cờ bí hiểm, gần gũi và thân mật như người trong một nhà. Tiếng quân cờ gõ vào nhau chan chát xen lẫn những tiếng cười sảng khoái mỗi khi có ai đó đi được nước cờ “độc”. Cụ Lê Hồng Chức, nhà ở đường Lê Thánh Tôn (phường 3, TP.Tuy Hoà) nở một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đã hơn 70 tuổi: “Con cháu mình nghèo nhưng được cái là quý trọng ông bà. Còn ở CLB thì ai cũng thương nhau hết”.

 

Hầu hết những người về hưu mà chúng tôi gặp đều mong muốn được sống vui khoẻ cùng con cháu và gia đình, muốn làm việc có ích cho cộng đồng. Và sự thật, nhiều người đã đóng góp rất nhiều cho những hoạt động xã hội. Nhiều người tình nguyện đến làm việc ở các trung tâm từ thiện, người làm khoa học vẫn âm thầm nghiên cứu, tiếp tục đóng góp những công trình có giá trị… Những bậc trí giả cao tuổi luôn  là kho tàng quý giá về kiến thức, về kinh nghiệm sống cho lớp trẻ. Bác Nguyễn Ngọc Cảnh, Thường trực CLB hưu trí tỉnh, nói: “Không phải về hưu là chấm hết, còn sức là còn giúp ích cho đời. Ông bà ta thường nói “Càng già càng dẻo càng dai” mà! Những đóng góp dù có nhỏ nhoi, nhưng chia sẻ được với mọi người, mang hạnh phúc đến cho đời thì nên làm!”. Trong gia đình, các cụ về hưu  là người “giữ lửa” truyền dạy kinh nghiệm cho con cháu. Vòng đời sinh - lão - bệnh - tử ai cũng trải qua. Khi người cao tuổi về nghỉ,  cũng là lúc họ mong muốn tìm thấy sự  đồng cảm, chia sẻ từ những người thân mà trước hết là từ người bạn đời của mình. Không có hạnh phúc nào lớn hơn đời sống thuận hòa trong gia đình. Khi tuổi càng cao, con người thường nhạy cảm với các mối quan hệ xung quanh. Bởi vậy, có câu danh ngôn rằng: “Lúc còn trẻ, nhờ tình yêu ta hiểu thế nào là cuộc sống. Khi về già, nhờ cuộc sống ta hiểu thế nào là tình yêu”.

 

Không phải ngẫu nhiên mà trong chữ Hán, chữ “hưu” gồm bộ “nhân” và bộ “mộc”. Có lẽ, người xưa ngụ ý  muốn nói rằng khi tuổi đã cao, con người cần một nơi chắc chắn để được nương tựa, để được chở che. Còn hôm nay, trách nhiệm của xã hội chúng ta là phải làm cho cái cây  điểm tựa kia ngày càng sum suê tỏa bóng mát cho đời…

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek