Thứ Tư, 27/11/2024 23:45 CH
Lân vào mùa Trung thu
Thứ Bảy, 30/09/2006 09:25 SA

Gần 6 giờ chiều, trời bắt đầu nhá nhem tối, nhưng những tiếng nói cười lẫn tiếng trống lân thì thùng như xua đi bóng tối đang dần bao phủ lên  mái đình Năng Tịnh, phường 1, TP Tuy Hoà. Thật khó nhận ra Võ Kỳ Lam, đội trưởng đội lân của Đoàn phường 1 và những người bạn lẫn trong đám đông ồn ã ấy. Một hồi lâu, Lam mới bước ra ngoài, sau khi chỉ dẫn cách lân lên thang cho anh em trong đội. Lam vừa cười vừa lau những giọt mồ hôi chảy dài trên má, phân bua: “Tụi em phải tranh thủ tập múa mấy động tác khó, vì chỉ còn vài hôm nữa là đến Tết Trung thu rồi”.……

 

MÚA LÂN CŨNG LÀ NGHỆ THUẬT

 

060930-lan.jpg

Võ Kỳ Lam (bên phải) và những người bạn đang chỉnh lân chuẩn bị cho mùa Trung thu -Ảnh: NGỌC DUNG

Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng bảy đầu tháng tám âm lịch, khi những cửa hiệu trên phố rậm rịch chuẩn bị trưng bày những chiếc lồng đèn rực rỡ, thì các đội lân cũng bắt tay vào tập luyện để chuẩn bị cho mùa Trung thu.

 

Võ Kỳ Lam, 25 tuổi, cho biết: “Để chuẩn bị cho Tết Trung thu này, tụi em tập múa lân gần một tháng rồi. Thành viên của đội là đoàn viên thanh niên của Đoàn phường và học sinh cấp 2-3, phần lớn đều ở lứa tuổi 17-18 nên rất khoẻ, nhanh nhẹn và thích tham gia hoạt động này. Chiều nào anh em trong  đội cũng có mặt đông đủ ở đình Năng Tịnh để tập.  Đội có 32 người, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau. Người thì đánh trống, người thì múa lân. Những thanh niên khỏe mạnh, múa đẹp thường đứng ở vị trí đầu của con lân để biểu diễn những bài thảo, bài quyền, lên thang chào gia chủ... Bởi đây là những động tác khó, cần những người có kinh nghiệm, nhanh nhẹn và biết chút ít về võ thuật. Còn những vai để tăng thêm phần hoạt náo bên cạnh con lân như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Thổ Địa... thường giao cho các cậu bé. Và hầu như cậu bé nào cũng khoái những vai này.

           

Anh Lê Xuân Tươi, người 16 năm gắn bó với phong trào múa lân của TP Tuy Hoà, bảo rằng: Phần lớn các đội lân đều có bài múa “truyền thống” của mình, mỗi năm có chút ít cách tân để tăng thêm phần hấp dẫn. Nhưng về cơ bản, những động tác múa lân dứt khoát, nhanh, mạnh, những bước tiến, lùi hùng dũng nhưng uyển chuyển là không đổi. Những đội lân ở các võ đường thường múa rất đẹp, bởi họ biết cách diễn để toát lên cái thần của con lân. Và để thể hiện tốt được điều đó, các đội phải tập luyện trong một thời gian khá lâu, bởi múa lân là cả một nghệ thuật.

 

VUI LÀ CHÍNH!

 

Lam lôi trên gác tủ xuống những bộ “trang phục”của lân rồi cùng anh em trong đội ngồi loay hoay trang trí lại. Đã qua hai mùa Trung thu, nhưng do được giữ cẩn thận nên chúng hãy còn khá mới. Lam cười: “Tụi tôi không có nhiều tiền, nên phải cất giữ cẩn thận, chứ để chuột, gián cắn phá kể như xong”. Tôi ngồi nhẩm tính: Trung bình mua một đầu lân hết 700.000 đồng, đuôi lân 400.000 đồng, tiền thuê trống, thuê thang sắt mất gần một triệu đồng, đó là chưa kể nhiều khoản chi phí khác. Lam nói: Anh em trong đội không ai coi đây là chuyện làm ăn mà nghĩ vui là chính, nên chuyện “lỗ vốn” không chi phối quá nhiều”.

 

Trong buổi chiều hôm  ấy, tôi gặp một cậu bé 12 tuổi có gương mặt lanh lợi là thành viên trong Đội lân phường 1. Cậu bé lanh lợi, cậu đang rất hứng khởi với các động tác gãi đầu, gãi tai, nhào lộn giống như Tôn Ngộ Không. Hỏi hoài mà cậu bé nhất quyết không cho biết tên, vì sợ ba mẹ la khi biết chuyện gia nhập đội lân. Cậu bé nói: “Ba sợ em mê múa lân mà xao nhãng chuyện học. Nhưng em chỉ tập múa sau giờ học thôi”.

 

Đứng không xa “cậu bé Tôn Ngộ Không”, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Hoà, 8 tuổi ở khu phố 1 đang nhìn những chú lân nhảy múa bằng đôi mắt đầy ngưỡng mộ. Chiều nào, hễ nghe tiếng trống thì thùng nổi lên là đôi chân nhỏ xíu ấy lại líu ríu chạy về phía đình Năng Tịnh. Cô bé cười thật tươi: “Vui lắm, cả nhà con ai cũng ra đây để xem mấy anh tập múa lân. Khi nào mấy anh nghỉ tập, con mới về nhà ăn cơm”.

 

Niềm vui rộn ràng không chỉ có ở trẻ con, mà hiển hiện trên nhiều gương mặt của người lớn ở đây, cho dù họ đã xa những năm tháng tuổi thơ từ lâu lắm.  Bởi giữa một chiều thu se lạnh, trong tiếng trống lân thì thùng, đứng nhìn những đôi mắt tròn xoe đầy háo hức của các cô bé, cậu bé, họ như gặp lại tuổi thơ của mình đã xa lắc xa lơ...

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek