Tưởng như những giọt nước mắt sẽ mãi không ngừng rơi xuống bên những thân hình bé bỏng tật nguyền. Tưởng như những niềm đau không thể vơi bớt. Và, trong hành trình vượt thoát sự khắc nghiệt của số phận tật nguyền ấy, các em đã nhận được không ít sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng. Để từ đó nụ cười của những niềm hy vọng lại được thắp lên ...
THẮP LÊN NIỀM HY VỌNG...
Nhìn đứa con gái út chân tay bị co rút, suốt ngày ngồi lết dưới nền nhà, lòng bà Nguyễn Thị Xuân Huệ ở phường 3, TP Tuy Hòa quặn thắt. Hơn 12 năm qua, mọi hy vọng của bà Huệ về sự đổi thay số phận bất hạnh của con mình tưởng như đã tắt. Nhưng may mắn đã mỉm cười với cô bé Nguyễn Tưởng Tú Anh khi năm 2000 và 2003, em được đưa đi phẫu thuật tại Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn theo Dự án phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật do tổ chức SAP-VN tài trợ. Niềm hy vọng lại loé lên trong gia đình bà. Từ hai lần phẫu thuật cùng với việc chỉ dẫn kỹ thuật tập luyện nhiệt tình của cộng tác viên dự án, sự chăm sóc của người nhà và sự kiên trì của bản thân, bé Anh tự đứng lên như một phép lạ. 12 tuổi, cô bé mới bắt đầu tập đi. Những bước chân đầu tiên kéo lê lết trên mặt đất khó nhọc, đau đớn của bé Anh bên đôi nạng trộn lẫn trong nước mắt và niềm vui của gia đình. Bà Huệ nghẹn ngào: “Nhìn thấy con tự đi lại được. Tim tôi như nghẹn lại. Ngày trước gia đình tôi không ai dám nghĩ con nhỏ có thể đi đứng được như bây giờ. Tôi mừng không nói hết”.
Hơn ba năm qua, Tú Anh đã có thể tự chăm sóc bản thân. Cô bé còn biết ngõ phố nhỏ của mình, biết đến trường học, và cả trò chơi nhảy lò cò của đám bạn nhỏ. Tú Anh tươi cười: “Bây giờ, cháu có thể đi được nhiều nơi, biết được nhiều thứ. Lại có thêm nhiều bạn mới nữa. Cháu thấy vui lắm!”.
Niềm vui của gia đình Tú Anh cũng chính là niềm vui của trên 50 gia đình có trẻ bị khuyết tật của Phú Yên được phục hồi chức năng tốt từ Dự án giúp trẻ phục hồi chức năng của tổ chức SAP-VN, Dự án hỗ trợ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam do Hội người Việt Nam tại Pháp tài trợ. Bên cạnh những hình thức giúp đỡ người tàn tật từ nhiều năm nay như khám, chữa bệnh, tặng xe lăn, xe lắc … thì phẫu thuật chỉnh hình là một công việc đòi hỏi chuyên môn cao và chi phí lớn. Trung bình để chi phí cho một ca phẫu thuật phải mất từ 7 – 8 triệu đồng, đó chưa tính đến chi phí theo dõi hậu phẫu. Nhưng thường những gia đình có trẻ tàn tật có kinh tế gia đình lại rất khó khăn. Họ muốn chữa bệnh cho con, nhưng không có tiền. Vì thế, con em họ được khám chữa bệnh, được phục hồi chức năng lại như một điều không tưởng.
Nếu ai một lần từng gặp bà Đặng Thị Miệu, 66 tuổi ở thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà hẳn sẽ khó quên gương mặt khắc khổ, đầy vẻ cam chịu này. Ở cái tuổi bước sang dốc bên kia cuộc đời, đôi vai bà Miệu vẫn oằn nặng nỗi lo âu. 9 tuổi, bé Tiên, cháu bà đã bị một trận bệnh thập tử nhất sinh, rồi bị bại liệt. Mẹ Tiên lại mắc bệnh tâm thần, đã vậy, người cha vô trách nhiệm lại bỏ nhà đi theo người đàn bà khác. Cứ như cuộc đời này có bao nhiêu nỗi khốn khó, cùng cực đều trút xuống gia đình bà. Nhiều năm nay muốn chữa bệnh cho cháu, nhưng tích góp được đồng nào lại đổ hết vào những trận ốm lặt vặt của Tiên. “May mà hơn hai năm nay chân của con nhỏ đã đi lại được, tay cũng cầm được những vật nhẹ rồi. Tui không biết nói gì để cảm ơn dự án phục hồi chức năng, cũng như lòng tốt, sự nhiệt tình giúp đỡ của mọi người dành cho con nhỏ”. Bà Miệu cười, nước mắt hạnh phúc ràn rụa trên gương mặt đầy những nếp nhăn. Với bà, đây là một niềm hạnh phúc quá lớn. Bởi, hy vọng về sự đổi thay số phận tật nguyền bất hạnh của cô cháu gái lại trỗi dậy trong bà. Gặp lại chúng tôi, bé Tiên khoe: “
CẦN NHỮNG TẤM LÒNG
Theo kết quả điều tra, khảo sát của năm 2003, toàn tỉnh có khoảng 40.000 người tàn tật, trong đó có 2.534 trẻ em. Từ nhiều năm nay có hàng trăm trẻ em tật nguyền trong tỉnh được chăm sóc, phục hồi từ những chương trình phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, cấp xe lăn, phẫu thuật chỉnh hình... Và hiệu ứng xã hội của những chương trình này không hề nhỏ. Tỉ lệ trẻ tàn tật sau phục hồi chức năng có thể hoà nhập vào cộng đồng đạt tỉ lệ trên 30 %. Trong số ấy, có em được đến trường, có em được hỗ trợ vốn để học nghề may, thêu đan, mộc, mỹ nghệ... tại các lớp dạy nghề, hướng nghiệp từ các dự án, tổ chức từ thiện tài trợ. Nhiều em đã có việc làm và có cuộc sống ổn định. Các em đã biến ước mơ được sống và khát khao hạnh phúc như những người bình thường khác thành hiện thực. Tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã thực sự tiếp sức, động viên, khích lệ các em rất nhiều trong cuộc sống.
Phó chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ-TE Phú Yên Phạm Thị Tương Lai cho biết : Trong những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành đã nỗ lực rất nhiều trong hành trình giúp trẻ khuyết tật hoà nhập cộng đồng, nhưng cũng chỉ giải quyết một phần khó khăn. Thực tế vẫn còn rất nhiều trẻ em tật nguyền đang cần được giúp đỡ, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi... Vì thế, cần rất nhiều những tấm lòng, những bàn tay cùng chung sức giúp đỡ để những số phận trẻ thơ bất hạnh vơi bớt niềm đau, giúp cho các em có tương lai tươi sáng hơn, đưa các em trở về với cuộc sống đời thường với những ước mơ bình dị nhất.
NGỌC DUNG