Tại Phú Yên, không gian lượng mưa phân phối trong năm không đồng đều. Lượng mưa trung bình hàng năm đo được ở nơi nhiều mưa nhất và ít mưa nhất chênh lệch nhau 579mm. Dãy núi Vọng Phu đèo Cả và khu vực cách chân của dãy núi này trên dưới 10km về phía bắc là vùng mưa lớn nhất tỉnh, với tổng lượng mưa trung bình từ 2.200-2.600mm. Vùng mưa lớn thứ hai là đồi núi thuộc trung lưu sông Kỳ Lộ có lượng mưa năm từ 1.900-2.200mm, tiếp đến là vùng đồng bằng ven biển phía nam từ 1.800-2.100mm... Những vùng còn lại như vùng ven biển phía bắc, thung lũng sông Kỳ Lộ và sông Ba lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.600-1.800m, trong đó tâm mưa thấp nhất là khu vực Chí Thạnh với lượng mưa năm trên dưới 1.600mm.
Năm 1993, lượng mưa đo được tại Tuy Hòa là 3.092mm, Sơn Thành 3.390mm, Phú Lạc 3.272mm, Củng Sơn 2.952mm, Sơn Hòa 2.965mm. Tuy năm 1993 không phải là năm có lượng mưa lớn nhất tại một số nơi, nhưng là năm có tổng lượng mưa lớn đứng thứ hai trong chuỗi quan trắc được như Hòa Đồng 3.328mm, Hà Bằng 2.538mm, Phú Lâm 2.854mm, Cù Mông 3.038mm, TX Sông Cầu 2.213mm. Năm 1982 là năm có lượng mưa ít nhất như Tân Lương 720mm, Hà Bằng 742mm, Tuy An 820mm, TX Sông Cầu 902mm, Củng Sơn 964mm. Lượng mưa năm lớn nhất gấp 3 - 4 lần lượng mưa năm nhỏ nhất.
Nếu bỏ qua sự khác biệt về thời đoạn quan trắc, Phú Yên có trên dưới 100 ngày mưa/năm, trong đó nơi có số ngày mưa ít nhất là huyện Tuy An và TX Sông Cầu (khoảng 70-80 ngày), nơi nhiều nhất là Sông Hinh, Sơn Hòa (khoảng 120-130 ngày). Số ngày mưa ở vùng núi thường cao hơn đồng bằng, mùa mưa cao hơn mùa khô. Sự đối lập về tính chất khô - ẩm do gió mùa đem lại đã tạo thành hai mùa khí hậu rất đặc sắc ở Phú Yên, đó là mùa mưa và mùa ít mưa (mùa khô).
PHÂN BỐ THEO MÙA
Mùa mưa là những tháng liên tục có lượng mưa trên 100mm ứng với tần suất xuất hiện P # 50%, hoặc mùa mưa là những tháng liên tục có tỉ lệ phân phối vượt quá 8,3% tổng lượng mưa năm ứng với tần suất P # 50%, những tháng còn lại là mùa khô. Ở Phú Yên cả hai cách phân mùa trên đều phù hợp. Trong năm, lượng mưa mùa mưa quyết định đến lượng mưa năm. Số liệu thống kê nhiều năm cho thấy, lượng mưa mùa mưa và lượng mưa năm ở Phú Yên có quan hệ khá chặt chẽ. Do vậy, có thể coi tần suất mưa trong mùa mưa và tần suất mưa cả năm xấp xỉ nhau.
Bốn tháng mùa mưa, lượng mưa trung bình nhiều năm khoảng 1.200-1.900mm, chiếm từ 69 - 84% tổng lượng mưa năm, trong khi tổng lượng mưa trong mùa khô chỉ khoảng 300-700mm, chiếm 16-31% lượng mưa cả năm.
PHÂN BỐ THEO THÁNG
Từ tháng 1 đến tháng 4, thời kỳ giữa gió mùa đông bắc cho đến thời kỳ chuyển tiếp hai loại gió mùa là thời kỳ ổn định và ít mưa nhất trong năm. Lượng mưa trong các tháng phổ biến từ 10-50mm. Tuy vậy cũng có năm dị thường, ví dụ tháng 3/2001 rãnh thấp đi qua Nam Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa to đến rất to trong toàn tỉnh, tổng lượng mưa tháng phổ biến 200-240mm, riêng ở khu vực trung và thượng lưu sông Bàn Thạch phổ biến 400-420mm, gây ra lũ báo động số 2 ngay trong mùa khô.
Tháng 5 và tháng 6, gió mùa tây nam bắt đầu ảnh hưởng, dải thấp xích đạo nâng trục lên phía bắc hoạt động ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, làm cho lượng mưa tăng lên đều khắp. Lượng mưa trung bình hàng tháng đạt từ 80 -150mm ở vùng núi, từ 60- 80mm ở ven biển, đây là thời kỳ mưa tiểu mãn ở Phú Yên. Tháng 7 và tháng 8 lượng mưa giảm chút ít so với hai tháng trước đó, với tổng lượng mưa trung bình hàng tháng từ 50-110mm ở vùng núi, từ 30-50mm ở ven biển.
Trung tuần tháng 9, bắt đầu có những đợt gió mùa đông bắc ảnh hưởng xuống phía nam, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, cùng những nhiễu động như bão, áp thấp nhiệt đới, mùa mưa chính thức bắt đầu. Lượng mưa tháng bắt đầu và tháng kết thúc mùa mưa (tháng 9 và tháng 12), đạt từ 200-300mm. Tháng 10 và 11 lượng mưa trung bình đạt 400-700mm và là hai tháng mưa, lũ chính trong năm.
Nước là một trong những yếu tố liên quan trực tiếp từ lượng mưa, mưa là một yếu tố chính của khí hậu, thành phần cơ bản của cán cân nước, là nhân tố chi phối thời vụ, cơ cấu cây trồng, năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngày Nước thế giới năm 2011 có chủ đề “Nước cho phát triển đô thị” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về những thách thức của tài nguyên nước trong phát triển bền vững các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường, dân số sinh sống tại các đô thị trên thế giới đã đạt đến con số kỷ lục 3,3 tỉ người và quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng tại hầu hết các quốc gia. Trong khi đó, vấn đề cấp thoát nước cho các đô thị lại chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nước bị suy giảm và ô nhiễm, mực nước sông hạ thấp, nhiều hồ, ao, kênh, mương bị san lấp... đang là những vấn nạn đối với nhiều đô thị.
Nước ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của chúng ta, nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22/3), mỗi chúng ta hãy hưởng ứng tích cực việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước có hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, giảm thiểu ô nhiễm tới môi trường, nhất là môi trường nước.
HOÀNG THỊ LAN
(Trung tâm Khí tượng thủy văn Phú Yên)