“Những năm kháng chiến bà con mình góp gạo nuôi quân đánh Pháp, đánh Mỹ. Bây giờ hòa bình rồi, nhưng vẫn còn nhiều người khó khăn, mình phải góp gạo giúp người ta. Đó là việc làm nhân nghĩa! Bà thấy vui khi nghĩ một vài nắm gạo của mình lại có thể giúp cho người khác có miếng cơm lót lòng lúc đói khổ”- Bà cụ Ngắn, 72 tuổi ở Nho Lâm, Hoà Quang Nam (Phú Hoà) giọng đầy xúc động khi nhắc đến chuyện hũ gạo tình thương bởi với bà, cái hũ gạo này chứa đựng biết bao ân tình quanh câu chuyện nhường cơm sẻ áo của người dân.
NẮM GẠO CHO NGƯỜI KHỐN KHÓ
Những nắm gạo thể hiện tình tương thân tương ái – Ảnh: N.DUNG
Người ta thường nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, nhưng đem câu nói ấy mà vận vào cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Cườm ở thôn Phương Lưu, xã Xuân Thọ 1 (Sông Cầu) xem ra không hề đúng. Cả ba đời cha mẹ, vợ chồng, con cái chị chưa bao giờ thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đói nghèo. Một mái nhà tranh lụp xụp dột nát là nơi nương thân hơn ba chục năm nay của gia đình chị. Đã vậy, gần đây gia đình chị lại khó khăn hơn, khi năm đứa con vẫn chưa trưởng thành, người chồng bị mắc bệnh lao không tiền chữa chạy, nên đã qua đời. Những tháng ngày khốn khó phía trước luôn đe dọa chị Cườm. Giữa lúc bi thương ấy, Hội Chữ thập đỏ huyện và địa phương đứng ra vận động bà con, các nhà hảo tâm trên địa bàn góp gạo, tiền giúp đỡ mẹ con chị trong giai đoạn ngặt nghèo. Hơn một trăm ký gạo đối với người khác không nhiều, nhưng với gia đình chị nó quý giá vô cùng. Trên hết là tấm lòng của bà con chòm xóm, là bao tình cảm ấm áp, bao bàn tay đưa về phía mẹ con chị trong lúc cùng quẫn.
ĐỌNG LẠI TÌNH NGƯỜI
Đôi chân không còn dẻo dai của bà cụ Ngắn luôn tìm đến những gia đình khó khăn trong thôn Nho Lâm. Ở cái tuổi đi gần hết một quãng đời, cụ Ngắn nghĩ: “Cốt yếu trong đời người là chuyện nghĩa nhân, là tấm lòng trong việc đối đãi với người khác. Mỗi người đều có số phận khác nhau. Ai chẳng muốn sống giàu sang, hạnh phúc. Những người gặp cảnh không may đói khổ, bệnh tật, mình có điều kiện tốt hơn thì giúp người ta. Một nắm gạo tuy nhỏ, nhưng cùng với nhiều người đóng góp thì sẽ làm nên chuyện. Ít nhất, người ta cũng có bữa cơm lót lòng”. Vì thế, những cảnh thiếu ăn, nhà cửa dột nát, con cái đau ốm bệnh tật không tiền thuốc thang của gia đình anh Nguyễn Văn Bằng, ông Phan Văn Thi, bà Nguyễn Thị Thao, Nguyễn Thị Miên, bà cụ Ngắn đều biết. Bà đến từng nhà trong thôn vận động tiền, gạo để giúp những gia đình này. Khi rỗi rãi bà lại đến điểm đặt “hũ gạo tình thương” ở nhà máy xay xát gạo kêu gọi mọi người bỏ ít nắm vào giúp người nghèo khó. Nụ cười của bà giãn ra đôn hậu trên gương mặt đầy những nếp nhăn: “Những năm kháng chiến dân ta góp gạo nuôi quân đánh Pháp, đánh Mỹ. Còn bây giờ hòa bình rồi, nhưng bà con vẫn còn nhiều người khó khổ, mình phải góp gạo giúp người ta. Đó là việc làm nhân nghĩa! Bà thấy vui khi nghĩ một vài nắm gạo nhỏ lại có thể giúp cho người ta có miếng cơm lót lòng lúc đói khổ”.
Bác sĩ Nguyễn Khoa Huân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phú Yên cho biết: Phong trào hũ gạo tình thương được Hội phát động trong toàn dân từ tháng 4-2003, đến nay đã mở rộng khắp 9 huyện, thành phố trên địa bàn Phú Yên. Theo thống kê, toàn tỉnh đã đặt trên 150 hũ, thu được trên hàng trăm kg gạo. Nhờ có các hũ gạo tình thương này mà mỗi khi trong thôn xóm có người đau ốm, tang chế là địa phương có thể giúp kịp thời, trước khi trông chờ vào sự cứu trợ từ cấp trên. Phát động phong trào “Hũ gạo tình thương” là chúng tôi nhắm đến cái nhỏ nhặt nhất mà bất cứ người dân nào cũng có thể tham gia. Đó là bỏ một nắm gạo vào hũ tại máy xay xát gạo ở địa phương mình để giúp người hoạn nạn. Nắm gạo tuy nhỏ bé, nhưng nó thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt
NGỌC DUNG