Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Xuân, Xuân Quang 1 có 5 thôn, buôn, hơn 4.700 người. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án... phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Một góc Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: P.NAM |
Hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đã được đầu tư xây dựng khá đầy đủ. Diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có nhiều khởi sắc. Để có được như vậy, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng các công trình công cộng phục vụ sản xuất, nâng cao dân trí, như các công trình trường học, thủy lợi, đường giao thông, nước sạch, hỗ trợ nhà ở, giải quyết đất sản xuất cho hộ nghèo…Từ năm 2005 – 2009, Chương trình 134 đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 177 hộ gia đình; cấp đất sản xuất cho gần 70 hộ thiếu đất với diện tích hơn 11ha; đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng hệ thống nước sạch ở thôn Phú Tâm, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hơn 50 hộ dân; giải quyết đất ở cho 65 hộ và xây dựng 4 giếng đào cho khu dãn dân Suối Cối. Từ năm 2008 – 2009, Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư 600 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng đường giao thông nội vùng và hàng trăm triệu đồng hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống dân sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Đời sống của đại đa số nhân dân ở xã Xuân Quang 1 hiện có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ được hỗ trợ của Nhà nước, được hướng dẫn truyền đạt tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chí thú làm ăn đã thoát nghèo, vươn lên có kinh tế khá giả, ổn định.
Tuy có đất sản xuất nhưng phần lớn người dân đều sản xuất chưa có hiệu quả, một số nơi đất còn bỏ hoang do cằn cỗi, thiếu nước. Vì vậy vẫn còn nhiều hộ vào mùa khô hạn phải đi làm thuê kiếm sống, hoặc trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước. Anh La Thanh Dúi ở khu dãn dân xóm Mới (xã Xuân Quang 1) cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà, tôi mừng lắm. Gia đình trồng được 7 sào sắn, mía, nhưng do đất xấu, mùa nắng không có nước nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu, phải đi làm thuê kiếm cái ăn đắp bữa”. Chủ tịch UBND xã Châu Văn Thiện cho biết, nhìn chung so với vài năm trở lại đây đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã có chuyển biến, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Nếu giải quyết được vấn đề này, thì đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và ổn định đời sống dân sinh”.
Năm 2009, nhiều chủ trương, giải pháp của Đảng ủy, Chính quyền địa phương đề ra kịp thời và phù hợp. Các ban ngành, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, cứu trợ, cứu đói, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội nảy sinh… với những con số đạt được khá ấn tượng như tổng diện tích gieo trồng hơn 1.126 ha, vượt 3,7% so với kế hoạch, trong đó mía chiếm 450ha; thu ngân sách gần 123 triệu đồng. Đây cũng là năm hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Năm 2010, Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Quang 1 tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu giảm 3% tỉ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đưa bộ mặt xã nhà ngày càng phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các địa phương gần trung tâm huyện.
BÌNH MINH